Một góc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, Q.7, TP.HCM - Ảnh: T.T.D. |
Ông Phan Chánh Dưỡng, nguyên tổng giám đốc Công ty phát triển công nghiệp Tân Thuận, chia sẻ như vậy với Tuổi Trẻ khi bàn về câu chuyện làm sao để TP.HCM vươn lên vị trí dẫn đầu khu vực.
Không bi quan khi khởi động sau
* Phải chăng khát vọng TP.HCM vươn lên vị trí số 1 khu vực là một giấc mộng không tưởng?
Ông Dưỡng đẩy ra giữa bàn một ly nước rồi nói:
- Lấy ví dụ - giả sử khi tôi bỏ vào ly nước này một con vi sinh và sau 30 phút nó sẽ sinh sản theo cách nhân đôi được đầy một ly vi sinh. Câu hỏi đặt ra là: Nếu anh bắt đầu bỏ vi sinh vào ly sau tôi 15 phút, liệu có cách nào chỉ trong 15 phút anh cũng có một ly đầy vi sinh như tôi? Câu trả lời rất đơn giản: Anh hãy cho vào ly nhiều con vi sinh hơn. Như vậy, tùy vào sự đầu tư ban đầu của anh, chẳng những anh có thể bằng mà còn có khả năng vượt qua tôi. Rõ ràng, cũng không nên quá lo lắng, bi quan khi khởi động sau người khác. Quan trọng là cách thức và thái độ đi như thế nào.
Như đã phân tích, muốn có kết quả phải có đầu tư. Đầu tư ở đây không chỉ là nguồn lực kinh tế, mà quan trọng hơn là đầu tư những ý tưởng sáng tạo. Lãnh đạo TP cần có chính sách đúng để kích thích, tập hợp những con người sáng tạo và có thái độ đúng đắn với những sáng tạo. Trong 10 ý tưởng sáng tạo, phải biết chấp nhận có những sáng tạo thất bại. Cả sự thất bại lẫn thành công đều cho ra bài học kinh nghiệm bổ ích.
Bên cạnh đó, việc phát triển nhanh hay chậm của một thành phố phụ thuộc rất nhiều vào thái độ của nhà cầm quyền, thái độ của xã hội dành cho cái mới, cái sáng tạo. Sự sáng tạo bao giờ cũng đi trước pháp luật. Vấn đề là mình có dám dũng cảm đi trước không, hay phải chờ pháp luật hoàn thiện tất cả, cho phép cả rồi mới dò dẫm đi sau? Sự chậm trễ này có thể là nguyên nhân của mọi sự chậm chân trong phát triển.
* Trở lại giai đoạn trước - thời kỳ mở cửa đổi mới, có phải lúc đó TP.HCM có được nhiều cơ chế đặc thù hơn bây giờ?
- Lúc đó cũng không có gì gọi là ưu đãi hay đặc thù. TP.HCM và một số địa phương khác được cho làm trước một số việc chưa có tiền lệ để đánh giá, rút kinh nghiệm cho cả nước. Chẳng hạn như chuyện làm khu chế xuất, khu công nghiệp thì ngoài TP.HCM còn có các tỉnh, thành khác như Hải Phòng, Cần Thơ cùng làm. Từ chủ trương lớn đó, cần có đội ngũ thực hiện có chuyên môn, có tâm huyết.
Khi chúng tôi nói muốn làm khu công nghiệp ở Nhà Bè, nhiều người cười thầm, cho đó là bất khả thi vì vùng Nhà Bè nổi tiếng là vùng đất trũng, người ta nói thứ đất “bỏ con trâu xuống còn lún mất thì làm sao xây nổi nhà máy”. Nhưng thực tế hiện nay đã chứng minh cho quyết định lúc bấy giờ là không sai.
Thời kỳ đó, chúng tôi tham gia làm các đề án như Khu chế xuất Tân Thuận, đường Nguyễn Văn Linh, khu đô thị Phú Mỹ Hưng, cảng Hiệp Phước... Nhiều chương trình lớn của TP nối tiếp nhau, mỗi chương trình cách nhau hai năm. Điều đó nói lên điều gì? Việc thực hiện những đề án lớn nhưng không riêng rẽ ấy đòi hỏi có một suy nghĩ rất hệ thống trong chiến lược phát triển. Và khi đã có chiến lược thì phải có kế hoạch triển khai ngay. Chúng tôi cảm ơn những lãnh đạo TP.HCM thời kỳ trước đã rất có tầm nhìn chiến lược, có dũng khí để cho phép chúng tôi thực hiện các ý tưởng và dám chịu trách nhiệm với quyết định của mình.
Ông Phan Chánh Dưỡng - Ảnh: T.T.D.
|
Đừng xem cơ chế đặc thù là sự ưu đãi
* Lãnh đạo TP.HCM vẫn đã và đang kiến nghị trung ương cho TP một số cơ chế đặc thù để tăng tính chủ động trong điều hành, quản lý nhưng chưa được chấp thuận. Ông có nghĩ đó là lý do làm cản trở sự phát triển của TP?
- Cơ chế đặc thù là cần thiết vì TP.HCM là một đơn vị hành chính đặc thù, phải chịu trách nhiệm là đầu tàu của cả nước. Đi đầu đồng nghĩa với việc phải đối mặt với nhiều thử thách. Nên thay đổi suy nghĩ, đừng xem việc cho TP.HCM cơ chế đặc thù đồng nghĩa với việc ưu ái, ưu đãi cho TP. Đi xe máy - người ngồi trước cầm lái thì cần mang khẩu trang, cần đeo kính mát hơn người ngồi sau vì phải trực tiếp đối mặt với khói bụi, nắng nóng đầu tiên. Tạo điều kiện để đầu tàu được đi nhanh, đi vững cũng là để cho cả đoàn tàu về đích sớm. Phải đứng trên góc độ toàn cục để nhìn nhận mối quan hệ TP.HCM với cả nước để có những quyết sách đúng đắn, cởi mở với TP.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, tôi cho là với những cơ chế hiện có, nếu biết khéo vận dụng thì TP.HCM vẫn có thể làm được nhiều hơn những gì đã làm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận