22/10/2018 13:34 GMT+7

Muốn an dân thì phải có tâm

MINH TỰ
MINH TỰ

TTO - Chính sách không chỉ đạt lý mà còn phải thấu tình. Người thực thi phải đặt mình vào vị trí người dân bị di dời để di dời người dân! Hay nói như dân gian đúc kết: muốn có chữ An thì phải có chữ Tâm!

Muốn an dân thì phải có tâm - Ảnh 1.

Những bậc thang dựng tạm bợ do người dân sống ở khu vực thượng thành, Eo Bầu tự dựng lên để vào nhà - Ảnh: THƯỢNG HIỂN

Huế đang chuẩn bị thực hiện một cuộc di dân lịch sử: đưa 4.200 hộ với gần 15.000 người ra khỏi khu vực 1 của khu di tích đặc biệt quốc gia - kinh thành Huế.

Việc di dời này không chỉ là mong ước bao lâu nay của người dân mà còn là nhiệm vụ lớn của cuộc bảo tồn khu di sản có giá trị đặc biệt nhưng chưa được phát huy nhiều do gánh nặng xã hội đè lên vai di tích.

Chính quyền tỉnh Thừa Thiên - Huế xác định đây là việc lớn, và gian nan nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng. Tỉnh đã chuẩn bị một khu tái định cư rộng đến 73ha cùng một nguồn kinh phí từ ngân sách địa phương khoảng 1.360 tỉ đồng.

Nhưng điều quan trọng nhất vẫn là làm sao cho người dân đồng thuận dời đến nơi ở mới?

Ông Phan Thanh Hải, giám đốc Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế - đơn vị lập đề án di dời dân cư này, cho biết đề án nhằm hai mục đích: ổn định cuộc sống người dân và bảo tồn nguyên vẹn di tích, nhưng an dân vẫn là mục đích hàng đầu.

Muốn an dân thì phải có cái nhìn thấu đáo về bộ phận cư dân "sống khổ trên di sản thế giới" này.

Theo ông Hải, từ cuối thế kỷ 19, dân chúng đã vào cư trú trong kinh thành theo sự cho phép của triều đình. Từ sau năm 1945 đến 1975 là thời chiến tranh loạn lạc, dân chúng từ các vùng chiến sự tản cư về thành phố, sống khắp trong và ngoài kinh thành.

Sau 1975, họ tiếp tục sinh con đẻ cái, nhà cửa cơi nới, tràn lên cả trên mặt tường thành, tràn vào trong các di tích, lấp kín các bờ hồ... tạo nên một quần cư đông đúc. Hầu hết là dân nghèo, sống bằng nghề lao động chân tay, nhà cửa tạm bợ, sinh hoạt khó khăn...

Ông Hải cho rằng đây là một tồn tại lịch sử, vì vậy phải "trả món nợ lịch sử".

Trong khi đó, ông Nguyễn Anh Tuấn, phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất TP Huế - đơn vị xây dựng khung chính sách và trực tiếp giải phóng mặt bằng, cho biết sẽ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.

Nhưng nếu chỉ căn cứ theo quy định của pháp luật thôi, liệu có giải quyết ổn thỏa vấn đề xã hội phức tạp này không? Bởi vì phần đông các hộ dân này đều không có giấy tờ hợp lệ về đất đai, nhà cửa. Sống trên di tích là bất hợp pháp, nên nếu căn cứ theo pháp luật thì làm sao được bồi thường?...

Câu trả lời vẫn là cần cái tâm của những người thực thi công vụ.

"Gánh nặng dân cư đè lên kinh thành Huế" không chỉ là tồn tại lịch sử, mà còn có sự bất cập của khâu quản lý nhà nước, trách nhiệm của chính các hộ dân..., vì vậy việc giải quyết không thể giản đơn "đúng quy trình, quy định".

Chính sách không chỉ đạt lý mà còn phải thấu tình. Người thực thi phải đặt mình vào vị trí người dân bị di dời để di dời người dân!

Hay nói như dân gian đúc kết: muốn có chữ An thì phải có chữ Tâm!

Trả lại sự nghiêm trang cho kinh thành Huế Trả lại sự nghiêm trang cho kinh thành Huế

TTO - Hơn 4.200 hộ với khoảng gần 15.000 người dân đang sống trong khu vực 1 của Kinh thành Huế sẽ được di dời để trả lại sự nguyên vẹn cho khu di tích đặc biệt quốc gia và là Di sản thế giới.

MINH TỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên