03/01/2018 14:34 GMT+7

Muối và sức khỏe

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng

Natri là nhân tố chính trong việc tạo nên vị mặn của muối và cũng gây ra những tác hại tới cơ thể con người khi sử dụng dư thừa.

Muối và sức khỏe - Ảnh 1.

Ăn ít muối thôi! Ảnh minh họa. Nguồn: thedoctorstv.com

Muối là một loại gia vị không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của mỗi gia đình. Không chỉ là gia vị trong các món ăn mà thiếu hay thừa muối đều có ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe.

Muối và các thực phẩm chứa muối

Muối được cấu thành từ hai nguyên tố hóa học là natri và chlorua. Natri là nhân tố chính trong việc tạo nên vị mặn của muối và cũng gây ra những tác hại tới cơ thể con người khi sử dụng dư thừa.

Natri còn có mặt trong các thực phẩm tự nhiên, thường có nhiều trong các loại thuỷ, hải sản, thịt, sữa và các sản phẩm của sữa… Nguồn natri tiêu thụ hàng ngày chủ yếu là từ muối ăn, các loại bột canh, nước chấm… được thêm vào trong quá trình chế biến thực phẩm và sử dụng trong bữa ăn. Lượng natri có trong muối và các gia vị khác có chứa muối cao hơn rất nhiều so với các thực phẩm tự nhiên. Lượng natri ăn vào tối thiểu cần thiết cho hoạt động bình thường của cơ thể ước tính khoảng 200 –  500mg/ngày (tương đương 0,5 – 1,25g muối, chưa bằng 1 thìa nhỏ).

Bệnh do muối

Thiếu muối rất hiếm gặp ở người có sức khỏe bình thường. Tình trạng natri trong máu thấp chỉ có thể xảy ra ở những người bị mất quá nhiều natri do tiêu chảy, nôn, ra quá nhiều mồ hôi, hoặc bị bệnh thận. Thiếu muối nặng có thể dẫn tới chuột rút, hoa mắt, chóng mặt, hôn mê và tử vong.

Thừa muối lại dễ gặp hơn do thói quen ăn mặn hoặc chế biến thức ăn mặn, khiến cơ thể có cảm giác khát, dẫn đến uống nhiều nước (quá lượng nước cho phép), tích giữ nước trong cơ thể gây tăng huyết áp. Cơ thể cũng tìm cách tăng đào thải natri qua nước tiểu, dẫn tới mất kali, canxi và nhiều khoáng chất khác, làm tăng cường độ làm việc của hệ bài tiết, tim mạch, thận và tiết niệu nên sớm dẫn tới suy giảm chức năng hoạt động của các hệ cơ quan này. Bên cạnh đó là các nguy cơ tăng huyết áp, bệnh tim mạch, suy tim, suy thận, loãng xương...

Ăn nhiều muối còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và ung thư đường tiêu hóa. Đối với những người đã mắc bệnh tăng huyết áp, suy tim, suy thận và suy gan, ăn nhiều muối sẽ làm bệnh tiến triển nhanh hơn.

Làm thế nào để giảm muối?

Giảm muối có lợi cho sức khỏe, làm giảm tỷ lệ bệnh tật và tử vong, dễ thấy nhất là nguy cơ mắc bệnh tăng huyết áp giảm rõ rệt. Nhiều bệnh nhân tăng huyết áp ở mức độ nhẹ chỉ cần ăn chế độ giảm muối là có thể điều trị được bệnh.

Về cơ bản, chế độ ăn giảm muối phải hiểu là giảm lượng natri trong tất cả các nguồn đưa vào trong cơ thể chứ không đơn thuần là chỉ giảm lượng muối ăn. 

Việc thực hiện một chế độ ăn giảm muối phải bắt đầu từ việc giảm bớt lượng gia vị khi chế biến món ăn cũng như gia vị chấm khi dùng bữa. 

Tiếp đến là cần lựa chọn những thực phẩm có hàm lượng natri ở mức trung bình và thấp. Bột canh và nước mắm là hai nguồn chính cung cấp muối hàng ngày. 

Mì chính và muối tinh cũng là những nguồn cung cấp muối đáng kể (tương ứng 7,5% và 6,1%). Trong các thực phẩm chế biến sẵn, mì ăn liền là thực phẩm có lượng muối lớn (7,5%). Dưa muối cũng đóng góp 1,4% lượng muối hàng ngày. 

Bởi vậy, việc giảm muối trong chế độ ăn phụ thuộc rất nhiều vào cách thực hành nấu nướng của người nội trợ, ngoài ra còn là thói quen lựa chọn thực phẩm và thói quen ăn uống, cũng như khẩu vị của mỗi thành viên trong gia đình.

Mỗi cá nhân và gia đình có thể giảm lượng muối ăn bằng những biện pháp rất đơn giản như sau:

- Từng bước giảm dần thói quen ăn mặn trong bữa cơm hằng ngày cho gia đình bằng cách nếm thức ăn vừa ăn hoặc hơi nhạt.

- Cố gắng tập cho trẻ nhỏ không sử dụng nhiều nước chấm trong bữa ăn, hạn chế để muối tiêu, muối ớt... trên bàn ăn.

- Hạn chế việc thường xuyên sử dụng các sản phẩm có hàm lượng muối cao như khoai tây chiên, pizza, thực phẩm đóng hộp…

- Nên nếm trước hoặc nhờ người thân nếm thử khi nấu ăn để ngừa việc vị giác của mình sai lệch. Đôi khi vị giác bị đánh lừa vì tình trạng sức khỏe trong ngày.

- Hạn chế các món ăn rán/xào cần dùng kèm với nước chấm. Nên sử dụng nước mắm pha loãng (cùng tỏi, ớt...) trong bữa ăn hàng ngày thay vì nước chấm mặn nguyên chất.

Cần lưu ý là một số loại thực phẩm không mặn có thể vẫn chứa nhiều natri, ví dụ như trong ngũ cốc và bánh ngọt, bánh mì có chứa nhiều natri nhưng không có vị mặn. Do đó cũng cần chú ý về lượng muối trong các loại thức ăn này./.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Đà Nẵng
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên