30/08/2011 11:50 GMT+7

Mười năm bài toán xe công

PHẠM DUY NGHĨA
PHẠM DUY NGHĨA

TT - Cưỡi xe công đi cúng chùa trong giờ hành chính là câu chuyện đã cũ, song vẫn chưa xưa. Một nghị định dày đặc các mức chế tài đang được soạn những mong hạn chế lạm dụng xe công.

Sau mười năm, chiếc xe đã trở nên quá bé nhỏ trong khối tài sản quốc gia phình lớn dần, song cuộc chiến chống lại ham muốn lấy của công làm của riêng mình vẫn thật gian truân, khó khăn bắt đầu ngay từ chuyện sử dụng những chiếc xe công.

uDQ72MjJ.jpgPhóng to
Minh họa của DAD

Thời nay nước ta không còn thiếu luật. Luật phòng chống tham nhũng (2005), Luật quản lý sử dụng tài sản nhà nước (2008), Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (2010)... Cứ vài năm lại có một đạo luật mới ra đời nhằm siết chặt hơn quản lý của công, ấy vậy mà chúng chưa đủ sức răn đe sự lạm dụng của người có quyền.

Cho rằng đã có nhiều điều cấm song còn thiếu chế tài, dự thảo nghị định dự kiến phạt từ 5-50 triệu đồng với các hành vi lạm dụng xe công. Phạt tài xế, phạt chánh văn phòng, thủ trưởng hay phạt chính cơ quan sở hữu xe, nếu tiền nộp phạt cũng lấy từ của công thì xem ra dự thảo này chỉ góp thêm nhiều luẩn quẩn.

Nền hành chính có quán tính quan liêu của nó. Các thủ trưởng mới được bổ nhiệm thường mua xe mới đúng hạng dành cho mình, hành vi ấy tuân thủ đúng quy định của Bộ Tài chính, song vẫn tốn kém hơn việc tiếp tục sử dụng xe cũ của người tiền nhiệm. Của công được chi dùng theo quán tính công, ngoài tạo thêm văn bản cho nề nếp ấy ngày càng chặt chẽ và quy củ, cần khuyến khích những cách nghĩ mới buộc từng công sở hành xử tiết kiệm, hiệu quả đối với khối công sản được giao quản lý.

Nếu nền hành chính cổ điển dựa trên sự tuân thủ của thuộc cấp, một công sở thời nay cũng nên học theo những kinh nghiệm của quản trị các công ty. Nếu các giám đốc công ty phải chịu trách nhiệm trước cổ đông, có thể bị cổ đông thay thế thì thủ trưởng các công sở cũng phải chịu sự giám sát của người dân, báo chí và dư luận xã hội, nếu quản lý tồi cũng phải chịu trách nhiệm chính trị.

Nếu một công ty phục vụ khách hàng thì công sở phục vụ người dân, bởi vậy nên khuyến khích cách thăm dò, đánh giá thái độ phục vụ công dân của công chức thừa hành. Rộng hơn, để đạt hiệu quả một công ty có thể thuê ngoài “outsourcing” thì cũng thế, một công sở cũng cần tính tới sử dụng mọi nguồn lực và sáng kiến của toàn xã hội, mạnh dạn giao dần công việc từ cơ quan nhà nước sang cho các công ty tư nhân, miễn là đạt được mục đích quản lý xã hội.

Từ góc nhìn ấy, thêm văn bản quản lý xe công có thể là cần, song chưa đủ. Cần nhân rộng các sáng kiến khoán chi hành chính, khoán chi đối với mua sắm và sử dụng xe công, khuyến khích đưa định mức sử dụng xe công vào lương của công chức lãnh đạo. Đạo mạo trong những chiếc xe công, người ta dễ có ảo giác chiếc xe ấy, quyền lực ấy là của riêng mình. Vì lẽ ấy, công sở cần bị thúc ép phải linh hoạt học theo các công ty chi tiêu khắc khổ với ngân sách hạn hẹp để vừa lòng nhân dân.

PHẠM DUY NGHĨA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên