03/02/2022 12:52 GMT+7

Mùng 3 Tết thầy ngày nay có gì khác biệt?

MỸ DUNG
MỸ DUNG

TTO - Tết của thầy ngày nay có gì khác với ngày xưa hay không? “Mùng 3 Tết thầy” còn hiển hiện trong văn hóa người Việt?

Mùng 3 Tết thầy ngày nay có gì khác biệt? - Ảnh 1.

Học sinh, sinh viên hiện nay thường chúc Tết thầy cô bằng mạng xã hội thay vì đến nhà vào dịp mùng 3 như trước - Ảnh: MỸ DUNG

"Dạ, em chào cô ạ, em là sinh viên lớp cũ CLC_21DM02, nhân dịp Tết Nguyên đán, thương chúc cô sẽ thành công trên con đường sự nghiệp, gặp được nhiều may mắn trong cuộc sống, hạnh phúc và bình an bên gia đình, bạn bè ạ. 

Em mong dù đã không còn được học với cô nhưng vẫn có cơ hội để được tiếp thu những kiến thức sâu sắc từ cô ạ". 

Đây là một trong 3 lời chúc Tết mà cô Nguyễn Thị Thái Thuận, giảng viên khoa luật - kinh tế, Trường ĐH Tài chính - marketing, nhận được qua Zalo, Facebook và email vào dịp Tết năm nay. 

Dù sinh viên, học sinh hiện nay không tương tác với thầy cô nhiều nhưng với chỉ chừng đó tin nhắn của sinh viên cũng đủ làm cô Thuận thấy ấm lòng.

Thế hệ chúng tôi đến giờ vẫn nhớ thầy, cô giáo cũ, một lòng kính trọng, biết ơn. Có dịp chúng tôi lại tụ họp nhau để đến thăm nhà thầy, cô giáo cũ. Thầy, cô giáo cũ ốm, đau là chúng tôi đều tin tức cho nhau để bạn nào có thể tới được thì tới thăm thầy, cô. Dù ra trường 30 năm rồi nhưng nhiều Tết chúng tôi vẫn tụ họp nhau để đến thăm thầy cô giáo cũ. Còn học sinh hiện nay, dịp Tết và nhiều dịp khác, các em cũng ít khi gửi lời chúc đến thầy, cô như xưa. Điều này cũng khiến cho tôi đôi lúc có chút nuối tiếc...

Có hơn 25 năm trong nghề giáo, một giáo viên bậc THPT tại TP.HCM cho rằng, Tết thầy mai một đi cũng thể hiện những thăng, trầm và sự khăng khít trong tình, cảm của thầy, trò ngày nay.

Cách thể hiện tình cảm thầy, trò ngay nay khác hơn

Cô Nguyễn Thị Thái Thuận cho biết: "Thế hệ trẻ ngày nay không như chúng tôi thời xưa, các em thoải mái thể hiện tình cảm với thầy, cô qua mạng xã hội. Ngày Tết cũng không là ngoại lệ, các em nhớ đến ai sẽ chúc mừng thầy, cô qua tin nhắn, điện thoại, Zalo, Facebook…

Ngày xưa chúng tôi thường tụ họp nhau thành nhóm vào ngày mùng 3 để tới thầy, cô chúc Tết còn ngày nay thì các bạn không như vậy, các bạn trẻ chúc Tết thầy cô vào dịp các bạn thấy hợp lý nhất".

Cô Nguyễn Thị Ái Vân - tổ trưởng tổ ngữ văn Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM - cho biết đa số các gia đình về quê dịp Tết nên học sinh thường chúc Tết thầy, cô trước Tết hoặc qua tin nhắn, mạng xã hội và không nhất thiết phải đợi đến ngày mùng 3 để tụ tập và chúc thầy, cô như xưa.

Nói về Tết thầy ngày nay, một cô giáo bậc THCS tại TP.HCM thổ lộ: "Tôi sinh ra và lớn lên tại TP.HCM và tôi thấy Tết thầy ngày nay đã bị mai một đi do điều kiện sống ngày nay khác hơn. 

Ngày chúng tôi còn nhỏ, chúng tôi chạy xe đạp, tụ họp bạn bè với nhau và cùng nhau lên kế hoạch, liên hệ với thầy cô để đến chúc Tết thầy cô vào dịp Tết. 

Ngày nay, học sinh nhiều em lớp 8, lớp 9 vẫn không thể tự đến trường, không thể đi xe đạp được nên các em cũng không thể chủ động đến chúc Tết thầy, cô như trước".

Thăng trầm của tình, thầy trò ngày nay

Vì sao người Việt lại có câu: "Mùng một Tết cha, mùng hai Tết mẹ, mùng ba Tết thầy?", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ, trưởng khoa văn hóa học Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia TP.HCM, cho biết Tết Nguyên đán vốn không phải chỉ là dịp các gia đình đoàn tụ, củng cố và gìn giữ truyền thống gia đình dòng tộc mà còn là dịp để chúng ta thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn: thắm viếng và chúc Tết thầy cô giáo cũ… 

Vì thế, cứ đến dịp mùng 3 Tết, theo thông lệ, học sinh, sinh viên cùng lớp hẹn nhau cùng đến thăm, chúc Tết thầy cô giáo cũ, thể hiện tinh thần tôn sư trọng đạo đẹp đẽ của dân tộc. Vì thế mới có câu nói trên.

Việc chúc Tết thầy cô như thế về phía thầy, cô sẽ nhận được tiếp sức năng lượng, tâm huyết và thêm lòng yêu nghề. 

Với học sinh, sinh viên, đây cũng là dịp để các em có cơ hội thể hiện lòng kính thầy, cô và có thể nghe thêm những câu chuyện tốt đẹp từ những thế hệ học trò khác.

"Tôi mong truyền thống này được các thế hệ người Việt giữ gìn, phát huy vì tôn sư trọng đạo cũng là một cách để các thế hệ vươn lên, thế hệ sau phát triển hơn thế hệ trước", PGS-TS Nguyễn Ngọc Thơ nói.

Ông Thơ cho rằng Tết Nguyên đán không chỉ là một phong tục gia đình đơn thuần mà còn là dịp kích hoạt và củng cố các mối quan hệ xã hội gắn liền với sự nghiệp học tập, lập thân và lập nghiệp của dân tộc.

Cùng Tuổi Trẻ Online tạo thiệp chúc Tết thầy cô Cùng Tuổi Trẻ Online tạo thiệp chúc Tết thầy cô

TTO - Tết này bạn không thể về quê, không thể đến thăm thầy cô vì COVID-19? Bạn muốn gửi lời cảm ơn thầy cô giáo nhưng chưa biết bằng cách nào? Mời bạn cùng tạo thiệp chúc Tết thầy cô với Tuổi Trẻ Online.

MỸ DUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên