17/05/2016 11:37 GMT+7

Mức thưởng phát hiện cổ vật quá thấp

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Hầu hết hiện vật ở trong dân và do người dân phát hiện. Tuy nhiên một thời gian dài, chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa lại có cách “hành xử kẻ cả” đối với những người có công này.

Vạc đồng thời Lê, bảo vật quốc gia do người dân bất ngờ đào được, nay thuộc Bảo tàng Thanh Hóa - Ảnh: Thái Lộc
Vạc đồng thời Lê, bảo vật quốc gia do người dân bất ngờ đào được, nay thuộc Bảo tàng Thanh Hóa - Ảnh: Thái Lộc

Công tác sưu tầm, nhà nước cần nhập vai những người đi sưu tầm trên nguyên tắc sòng phẳng. Đừng có giữ thái độ kẻ cả, đứng trên và mang tính bố thí như hiện nay nữa

TS NGUYỄN VIỆT

 

Theo thống kê của TS Nguyễn Việt, giám đốc Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, có khoảng 98% hiện vật di sản không thông qua khảo cổ học. Điều đó có nghĩa hầu hết hiện vật ở trong dân và do người dân phát hiện.

Tuy nhiên trong thời gian dài, chính quyền và cơ quan quản lý văn hóa có cách “hành xử kẻ cả” đối với những người có công đối với những tài sản văn hóa phát hiện được.

Cưa thần công bán đồng nát

Giữa tháng 5-2007, những ngư dân thị trấn Thuận An (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) trục vớt được ở cửa biển Thuận An chín khẩu thần công bằng đồng thời Chúa Nguyễn rất quý giá. Họ báo cho nhà sưu tập Nguyễn Hữu Hoàng (Huế) để về mua.

Biết là tài sản nhà nước, ông Hoàng báo cho Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế. Bảo tàng này lần lữa mấy hôm không trả lời. Cần tiền, những người vớt súng đã bán năm khẩu trong số đó cho một lái buôn miền Bắc.

Quá nóng ruột, đích thân ông Hoàng đã chạy xe máy chở một vị phó giám đốc bảo tàng này về tận nơi. Được sờ súng tận tay trong tình trạng quá hoàn hảo, nhưng vị phó giám đốc bảo súng mới đúc và bỏ về mặc dù ông Hoàng đảm bảo là đồ thật 100%.

Với con mắt nhà nghề, ông Hoàng đã chạy vạy vay tiền đi mua súng, khi ấy hơn 100 triệu đồng, bằng giá đồng nát của khoảng 1 tấn đồng - tổng khối lượng của bốn khẩu súng.

Đưa về nhà, ông Hoàng báo cho các nhà nghiên cứu, kể cả lãnh đạo của Trung tâm Bảo tồn di tích Huế đến coi súng. Nhiều nhà chuyên môn đến đo vẽ, nghiên cứu và khẳng định súng vô cùng quý hiếm. Trung tâm di tích Huế đã đặt vấn đề mua lại súng.

Nhưng thật bất ngờ, đại diện Sở VH-TT&DL đã đến lập biên bản và ban hành quyết định tịch thu súng. Ít bữa sau, thanh tra sở, đại diện chính quyền và công an ập đến đưa cả bốn khẩu súng về cho Bảo tàng Lịch sử và cách mạng (của vị phó giám đốc nói trên) lưu giữ.

Không chỉ thu hồi, trong nhiều tháng liền thanh tra sở thường xuyên lui tới nhà ông Hoàng, dọa nạt đủ điều, thậm chí còn đòi “bắt bớ” ông Hoàng vì tội mua bán cổ vật trái phép.

Sự việc kéo dài trong suốt gần nửa năm trời, dư luận và báo chí lên tiếng rất nhiều, Sở VH-TT&DL sau đó mới đồng ý bù tiền “theo giá đồng nát” cho ông Hoàng. Thế nhưng mãi cho đến gần một năm sau ngày ban hành quyết định “bù tiền” ấy, ông Hoàng mới nhận được tiền.

Và số tiền lúc ấy nhận được chỉ chưa đến 90 triệu đồng. So ra số tiền này bằng khoảng 80% giá trị bốn khẩu súng tính theo giá đồng nát, và ông Hoàng chịu thiệt chừng 20 triệu đồng, chưa kể khoản lãi vay mượn...

Sau vụ việc của ông Hoàng, không chỉ người trong giới cổ vật mà cả các chuyên gia văn hóa ngao ngán trước cách hành xử quá ư thô bạo này. Hệ lụy tức thì là sự quay lưng của người dân.

Khoảng cuối năm 2008, những ngư dân thị trấn Thuận An tiếp tục phát hiện bốn khẩu thần công tuyệt đẹp ở ngay cửa biển. Họ cột vào đáy ghe đưa vào bờ, chờ đến đêm đem lên đồi cát chôn giấu.

Không những không báo cho chính quyền, lần này họ cũng không báo cho người buôn cổ vật nữa, mà đem cưa từng khúc bán đồng nát.

“Hồi đó tôi thấy mấy khúc thần công có hoa văn tuyệt đẹp nằm ở quán đồng nát, hỏi ra biết chuyện. Cho dù rất đau lòng, nhưng nghĩ đến chuyện người ta ứng xử thô bạo một cách vô lý với mình trước đó thì người dân quay lưng đến mức như vậy cũng dễ hiểu!” - ông Hoàng kể.

TS Nguyễn Việt cho rằng trống đồng Cẩm Giang 1 ở Bảo tàng Thanh Hóa là trống đẹp. Nhưng vùng này còn xuất lộ nhiều trống đẹp hơn và vuột khỏi tay Nhà nước, nằm trong các sưu tập tư nhân.

Ông nói: “Rất nhiều hiện vật xứng đáng là bảo vật quốc gia hơn cả hệ thống bảo vật đã được công nhận, đang nằm trong các bộ sưu tập tư nhân. Đơn cử là cái trống có nhiều nội dung sinh hoạt chân thực và phong phú hơn trống đồng Ngọc Lũ, đang nằm trong một bộ sưu tập tư nhân ở Hà Nội.

Nếu như Nhà nước có chính sách tốt hơn và mềm dẻo hơn, tôi tin việc đó sẽ hạn chế xảy ra. Nhà sưu tầm đôi khi rất ngại hợp tác với người nhà nước!”.

Nên tăng mức thưởng

Theo quy định hiện nay, tất cả cổ vật phát hiện được trong lòng đất, dưới sông biển đều là tài sản của Nhà nước. Người dân có trách nhiệm báo tin và giao tài sản đó cho Nhà nước, và sẽ nhận được mức thưởng dựa trên giá trị của hiện vật.

Tuy nhiên, mức thưởng này không hấp dẫn và cách hành xử của người đại diện nhà nước là rất đáng phê phán.

Theo nhận xét của TS Phạm Quốc Quân - nguyên giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, ở VN mức thưởng quá ít, không xứng đáng với những hiện vật quý. Tôi nghĩ Nhà nước cần phải tính toán lại, phải tăng cường mức thưởng lên cho thật xứng đáng. Có như vậy mới khuyến khích được người dân hợp tác!

Còn TS Nguyễn Đình Chiến, nguyên phó giám đốc Bảo tàng Lịch sử VN, cho rằng: “Không chỉ tăng mức phần trăm sao cho thật hấp dẫn, mà còn phải chú ý hơn đến khâu định giá. Phải định giá sao cho phù hợp với thị trường chứ đừng định giá quá thấp. Kèm theo là có cách tôn vinh để động viên và tuyên truyền vận động để người dân hợp tác nhiều hơn!”.

Trong khi đó, TS Nguyễn Việt cho biết ông “không bận tâm lắm” về cái gọi là “nạn chảy máu cổ vật”. Vì trong nhiều trường hợp, nhờ cái “nạn” ấy mà chúng ta giữ được di sản chứ không mất đi.

Ông nói: “Nếu không có những người Pháp trí thức cao đầu thế kỷ 20 thì di sản văn hóa VN sẽ mất mát hơn nhiều. Ở ta nhiều trường hợp trống đồng đào được trở thành đồng nát. Việc nấu chảy một cái trống thành mấy cân đồng đúc xoong chảo là mất mát triệt để so với một ông tây ôm trống ra ngoài.

Nhiều trường hợp ở nước ngoài mình còn xem, nghiên cứu được, còn trong nước họ giấu nhẹm đi. Các công trình nghiên cứu văn hóa Đông Sơn của tôi trên 80% từ sưu tập ở nước ngoài!”.

Ông Việt ngoài ra còn cho rằng công tác sưu tầm hiện vật cho Nhà nước thì người mua cần phải nhập vai người sưu tầm cổ vật và mua bán sòng phẳng trong dân. Nếu được thì cần hình thành một tổ chức, một bộ máy đủ tin cậy và có trình độ thu mua cổ vật cho Nhà nước.

Thưởng không tương xứng

“Trường hợp tổ chức, cá nhân ngẫu nhiên tìm thấy và giao nộp tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm là di tích lịch sử - văn hóa, bảo vật quốc gia, di vật, cổ vật, tài sản thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh quốc gia thì mức tiền thưởng được tính theo phương pháp lũy thoái từng phần.

Cụ thể như sau: phần giá trị của tài sản đến 10 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 30%. Phần giá trị của tài sản trên 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 15%. Phần giá trị của tài sản trên 100 triệu đồng đến 1 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 7%. Phần giá trị của tài sản trên 1 tỉ đồng đến 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 1%. Phần giá trị của tài sản trên 10 tỉ đồng thì tỉ lệ trích thưởng là 0,5%...”.

(trích khoản 2, điều 16 nghị định 96/2009 của Chính phủ về việc xử lý tài sản bị chôn giấu, bị chìm đắm được phát hiện hoặc tìm thấy thuộc đất liền, các hải đảo và vùng biển VN)

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên