15/05/2016 13:31 GMT+7

Chiếc “trống vịt” và cặp lốp xe bò

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Dù đã trải qua 24 năm, nhưng hình ảnh cậu thanh niên vừa chạy theo chiếc xe hơi vừa vẫy tay trong lớp bụi mù cứ hằn sâu trong trí nhớ của bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Thanh Hóa.

Trống đồng Cẩm Giang đang được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa (chiếc trống lớn nhất) - Ảnh: Thái Lộc

Trống đồng Cẩm Giang đang được trưng bày tại Bảo tàng Thanh Hóa (chiếc trống lớn nhất) - Ảnh: Thái Lộc

Đó là con trai của người đào được trống đồng Cẩm Giang...

Hình ảnh hằn sâu

Vào năm 1992, bà Nguyễn Thị Thanh Hiền, phó giám đốc phụ trách Bảo tàng Thanh Hóa khi ấy là cán bộ sưu tầm hiện vật, kể: khi nghe tin báo ông Bùi Đức Tậu đào được trống, Bảo tàng Thanh Hóa đã tìm đến xem và đề nghị ông để lại cho Nhà nước đúng theo quy định lúc ấy (chưa có Luật di sản văn hóa).

Ông Tậu rất vui vẻ, đồng ý không bán, để dành cho Nhà nước với hi vọng được thưởng một khoản tiền xứng đáng. Hồi đó rất nhiều lái buôn đồ cổ từ Hà Nội và Thanh Hóa đến hỏi mua trống, họ trả giá rất nhiều tiền nhưng ông nhất quyết không bán. Vì người đến hỏi mua quá đông, sợ mất, cửa ngõ lại trống hoác, nên ông Tậu đã đào hố lớn ngay dưới giường ngủ để chôn trống đề phòng mất cắp.

Về phần mình, Bảo tàng Thanh Hóa đã làm công văn đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa duyệt chi tiền công phát hiện và giữ trống. Ít bữa sau, tỉnh duyệt chi cho ông Tậu 1 triệu đồng.

Hôm đi nhận trống, bà cùng bốn người khác do giám đốc bảo tàng Trịnh Ngũ dẫn đầu về nhà ông Tậu.

“Sau khi nghe đoàn bảo tàng thông báo có quyết định chi trả 1 triệu đồng, tất cả thành viên trong gia đình ông Tậu tỏ vẻ vô cùng thất vọng. Họ hội ý rất nhiều lần và lần nào cũng rất lâu.

Chúng tôi thì thuyết phục rất nhiều cách, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, rằng theo quy định hiện hành, hiện vật đào được là của Nhà nước nên chính quyền chỉ có bồi dưỡng. Rằng bảo tàng sẽ có kế hoạch vinh danh, tuyên truyền về người hiến tặng trống. Thế nhưng số tiền 1 triệu đồng quá ít ỏi so với lái buôn trả giá, nên ông không để bảo tàng đưa đi!” - bà Hiền kể.

Thuyết phục bất thành, các cán bộ bảo tàng đành phải lập biên bản chép tay với nội dung ông phải có trách nhiệm gìn giữ trống, nếu không sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật rồi đề nghị ông ký vào. Mọi người lên xe ra về.

Sau 24 năm nhưng hình ảnh cậu con trai của ông Tậu chạy theo xe kêu mọi người quay lại nhận trống vẫn hằn sâu trong trí nhớ của bà Hiền.

Bà kể: “Xe chạy trên con đường rừng ngoằn ngoèo khoảng 3km, tôi nhìn lui sau đám bụi mù, thấy đằng sau xe chừng 100m có một cậu thanh niên vừa chạy vừa vẫy hai tay. Tôi kêu xe dừng.

Khi người này vừa chạy đến thì cũng là lúc kiệt sức, khuỵu xuống. Lát sau mới hồi sức lại, cậu ta bảo mời anh chị quay lại lấy trống, bố em đồng ý rồi!”.

Ông Bùi Đức Tậu ở khu đất ven sông Mã, Thanh Hóa, nơi đào được trống vịt - Ảnh: Thái Lộc
Ông Bùi Đức Tậu ở khu đất ven sông Mã, Thanh Hóa, nơi đào được trống vịt - Ảnh: Thái Lộc

Tiền thưởng bằng cặp lốp xe bò

Chúng tôi tìm đường về nhà ông Bùi Đức Tậu ở thôn Phú Lai, xã Cẩm Giang, huyện Cẩm Thủy, ngay từ đầu làng khi hỏi tên ông ai cũng lắc đầu. Nhưng khi dùng “từ khóa” “người đào trống đồng” thì ai cũng biết. Một người đàn ông nhanh nhảu: “Ông Cò Chính đấy. Thế nhà nước về điều tra, bồi thường thêm gì cho ông ấy à?”.

Tìm đến nơi, ông Tậu đang ở ngay trước ngõ, ngôi nhà của ông còn khá mới và khang trang. Rót nước mời chúng tôi, ông kể về chuyện tìm được trống bắt đầu từ lô đất 400m2 ở Cồn Rau ngay bên bờ sông Mã xã chia cho để trồng hoa màu.

“Vạt đất ấy nằm ngay chỗ thoai thoải từ bờ sông nên người ta thường kéo xe chở cát đá giẫm lên hoa màu. Tôi bỏ công đào con đường làm lối đi cho mọi người thì gặp trống!” - ông kể.

Dẫn chúng tôi ra Cồn Rau trong buổi trưa sương mờ vây phủ, ông Tậu nói: “Tôi đào trống ở đây!”, ông chỉ xuống chỗ cạnh gốc cây xoan, cách mép nước sông Mã chừng 30m.

“Hồi đó tôi đào xuống chừng 3 tấc thì gặp vật cứng. Thấy dấu vết đồng, tôi đào quanh thì gặp mặt phẳng đồng lớn. Tôi lấp lại rồi về nhà kêu các con ra đào tiếp, rồi bê lên xe ba gác chở về nhà...”.

Về đến nhà, cả làng đến xem. Ông cho người đi báo công an nói đào được cục đồng lớn vì suốt đời chưa trông tận mắt trống đồng thật.

Khi công an tới, xem qua và bảo đó là trống đồng rồi báo lên phòng văn hóa huyện, sau đó bảo tàng về xem và bảo đó là tài sản quốc gia, yêu cầu ông phải có trách nhiệm gìn giữ...

Những ngày tiếp theo, rất đông người đến nhà ông xem trống, nhiều nhà chuyên môn đến đo vẽ, mang giấy mực đến khắc rập, chụp hình. Ban đầu có lái buôn đến trả ông 50 triệu đồng, sau 60 triệu đồng và 70 triệu đồng.

Họ bảo sẵn sàng chở trống đi bằng nhiều cách, nào là đào hố chôn, nào là thả xuống giếng, nào là đem ra bờ sông giấu... nhưng ông nhất quyết giữ cho Nhà nước.

“Nhiều người trong thôn họ bảo tôi dại. Có người còn chỉ thẳng mặt tôi, nói đào được trống vô giá mà đi giao, ngu như chó. Tôi cũng chỉ biết vậy chứ không thể không giữ cho Nhà nước!” - ông Tậu kể.

Ngày giao trống, bảo tàng đến, ông cũng đinh ninh Nhà nước giao cho ông 2 triệu đồng, số tiền mà theo lời một người bạn, tỉnh đã phê duyệt chi cho ông. Thôi thì cũng được, không có 70 triệu thì 2 triệu cũng chẳng sao, dù sao thì cũng là thứ đào được.

Nhưng hôm đó bảo tàng đọc quyết định và giao 1 triệu đồng khiến cả gia đình chưng hửng, ai cũng ngăn cản không chịu giao. Ban đầu ông nhất quyết không giao, phải hỏi lại cho rõ vì sao số tiền chỉ còn lại một nửa so với thông tin trước đó.

“Nhưng cuối cùng suy nghĩ lại, khi xe bảo tàng chạy đi được một đoạn, tôi bảo thằng Trung (con trai út Bùi Văn Trung): Mày chạy theo kêu họ lui xe lại, lấy nó đi khỏi nhà, để bố khỏi phải giữ nữa, cho xong chuyện! Thế là tôi giao trống, nhẹ như không, rồi tôi cũng chẳng nghĩ đến nữa!” - ông cười.

Sau khi nhận được 1 triệu đồng, ông Tậu dành ra 900.000 đồng đi mua cặp lốp xe ôtô thay cho bánh gỗ của xe bò kéo.

“Nhờ vậy mà xe bò chuyển đồ được nhanh. Lúc đó còn khỏe, tôi hợp đồng với những người sắp làm nhà, đi đập đá, đào sỏi, chở về cho người ta để lấy tiền. Cũng nhờ chiếc xe này mà tôi lần lượt làm được nhà cho cả ba con trai. Đến năm 2003 thì chở đồ về làm ngôi nhà này, thay cho ngôi nhà vách đất trước đây! Đời vậy mà cũng đổi khác” - ông Tậu nói.

Trống vịt duy nhất

Trống đồng Cẩm Giang 1 được Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia ngày 30-12-2013. Trống có mặt bằng đường kính chân rộng 73cm, cao 41,9cm, nặng 60kg, thuộc trống đồng loại H1 Heger, nhóm C1. Mặt trống chính giữa là ngôi sao 16 cánh, tính từ tâm ra có 9 vòng hoa văn.

Tang trống có 5 vành hoa văn, lưng trống có 3 vành hoa văn, chân không có hoa văn. Trống có 2 đôi quai kép hình chữ C trên rìa quai có gờ nổi. Điều đặc biệt nhất là trên rìa mặt có 4 khối tượng vịt quay ngược chiều kim đồng hồ (hiện trạng mất một khối tượng và một khối bị mất đầu), vì vậy mà người ta thường gọi đây là trống vịt, và là trống đồng duy nhất cho đến hiện nay trang trí vịt thay cho cóc thường thấy trên bề mặt...

__________

Kỳ tới: Tuyệt tác điêu khắc Champa

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên