16/05/2016 10:30 GMT+7

Tuyệt tác điêu khắc Champa

THÁI LỘC
THÁI LỘC

TTO - Bệ thờ Vân Trạch Hòa, một tuyệt tác điêu khắc Champa vừa được công nhận bảo vật quốc gia năm 2015, từng được Hội châu Á - Hoa Kỳ mượn đưa sang New York trưng bày với mức bảo hiểm 2 triệu USD.

Bệ thờ Vân Trạch Hòa được nhận định đẹp và độc đáo bậc nhất trong loại hình bệ thờ của văn hóa Champa đã phát hiện được - Ảnh: Thái Lộc
Bệ thờ Vân Trạch Hòa được nhận định đẹp và độc đáo bậc nhất trong loại hình bệ thờ của văn hóa Champa đã phát hiện được - Ảnh: Thái Lộc

Hiện vật này do một người đào móng nhà phát hiện, và từng suýt bị dân buôn cổ vật đánh cắp...

Từ chỗ sứt ở đầu tượng

Bước vào Di Luân Đường, tòa cổ lâu chính của Trường Quốc Tử Giám triều Nguyễn, hiện đang là nhà trưng bày trung tâm của Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế, mọi cặp mắt đều chú ý đến khối đá điêu khắc hình vuông trưng bày ngay chính giữa. Bởi vì hình thức của nó quá đặc biệt, gồm hai tầng hình trụ vuông chồng lên nhau, bốn mặt của cả hai tầng đều chạm khắc dày đặc các vị thần linh.

Trên một mảng chạm khắc có rất nhiều phần tượng người và muông thú bị sứt vỡ. Ít ai biết rằng những chỗ sứt vỡ đó là do người dân cuốc phải khi ban nền đào móng làm nhà, và sau đó bị nhiều người khác đục phá.

Ghé làng Vân Trạch Hòa để hỏi câu chuyện bệ thờ, chúng tôi được chỉ đến nhà ông Trần Quốc Phong, trưởng thôn, người được cho là phát hiện bệ thờ này đầu tiên. Ông Phong kể năm 1990, khi vừa mới cưới vợ, gia đình đông anh em, không có chỗ nên ông phải đi mua đất ra ở riêng.

Khu đất 1.000m2 hiện nay được gọi là Cồn Chùa trồng toàn mít và chè, được một người trong làng bán cho ông với giá 1 chỉ vàng, chủ yếu theo giá trị của toàn bộ cây trồng trên đất. Tính chuyện làm nhà, để tránh lụt lội, vợ chồng ông chọn chỗ cao ráo phía sau cùng của khu đất rồi ban nền, đào móng.

Khu vực này sở dĩ có cái tên Cồn Chùa là do trước đây có một cái chùa nhỏ tồn tại ở đây, đến khoảng thập niên 1980 thì đã bị đổ nát. Quanh khu chùa này có rất nhiều lớp gạch được sắp ngay ngắn, tươm tất và nhiều đống gạch đổ nát, vì vậy mà người dân thường cho đó là dãy lò gạch cũ.

“Khi tôi chọn chỗ cao ráo nhất của khu vườn này để xây nhà, tôi ban nền để đào móng thì gặp những tảng đá có khắc rất nhiều hình thù. Đào ráng một tí thì gặp một phần của khối đá mà sau này gọi là bệ thờ. Càng đào thì càng thấy lớn với rất nhiều tượng điêu khắc giống Phật và Thánh, sợ quá nên tôi để vậy, chọn đất thấp dưới ni để làm nhà” - ông Phong cho biết.

Chúng tôi theo ông Phong ra sau vườn, len lỏi qua những hàng bưởi, đu đủ và chuối, đến một bãi đất ngổn ngang toàn gạch cũ. Những hàng gạch chất đống loang lổ với nhiều hố khá sâu, xen lẫn giữa những bụi tre và cây cối.

Ông Phong chỉ dấu vết bức tường gạch hình gần vuông là ngôi tháp chính, và nơi tồn tại của bệ thờ vốn nằm chênh về phía bắc của trung tâm tháp. Gần đó còn một tảng sa thạch lớn, vốn xuất lộ tại cuộc khai quật khảo cổ học tiến hành vài năm sau đó.

Theo lời diễn giải của ông, bức tường gạch bên cạnh, nằm về phía nam tháp có bệ thờ chính là một phần của một ngôi tháp nhỏ hơn. Và có nhiều dấu vết chứng tỏ khu vực thôn Vân Trạch Hòa có rất nhiều nền móng tháp tồn tại san sát và dày đặc...

“Hồi nớ tui dự định đào lên để đem về nhà thờ. Nhưng vì nó quá lớn và quá bí hiểm, không thể chuyển về nhà được nên tui bỏ ý định thỉnh tượng về. Về sau, Phòng văn hóa huyện Phong Điền đến thuê người dùng hệ thống ròng rọc loại chịu tải 2 tấn nhấc lên và đưa về huyện. Sau đó Viện Khảo cổ học và nhiều nhà chuyên môn đến khai quật khảo cổ học trong nhiều ngày liền...” - ông Phong kể.

Suýt bị phá hủy

Người đưa bệ thờ về huyện là ông Nguyễn Thế - trưởng Đài truyền thanh huyện Phong Điền. Tiếp chúng tôi, ông Thế rất mừng, vừa lục tập tài liệu vừa khóc nức vì được giãi bày “nỗi oan” mà ông ấm ức trong lòng hơn 15 năm trước. Hồi đó, trước khi bệ thờ Vân Trạch Hòa xuất lộ, ở khu vực phế tích tháp này có rất nhiều tượng và phù điêu Champa.

Ông Thế khi ấy làm cán bộ phòng văn hóa huyện, thường hay lui tới khu vực này để kiểm tra xem những tượng điêu khắc còn được gìn giữ hay không. Sau khi phần bệ thờ phát lộ, một số tượng và phù điêu ở đây đã bị mất cắp.

“Sợ mất tiếp, tôi đành chở phần trên của bệ thờ và một phù điêu lá nhĩ về cất ở phòng mình. Tôi cấp tốc đi Hà Nội “kêu gào” với Viện Khảo cổ học đề nghị khai quật ngay, nhưng viện hứa quan tâm mà không vô kịp.

Tôi ghé lại thì thấy phù điêu phần dưới bệ thờ bị đục. Lúc đó có rất nhiều người lai vãng xung quanh, họ giả đi bẫy chim nhưng đối tượng quan tâm chính là tượng. Họ cấu kết với dân địa phương định xẻ phù điêu đem đi, nên tôi bàn với phó chủ tịch huyện nhanh chóng đưa về huyện. Rứa mà người dân và nhiều cán bộ nghiên cứu nói tôi là thủ phạm ăn cắp những hiện vật đã mất trước đó!”.

Ông Thế vừa kể, vừa trưng ra những bằng chứng là các văn bản đã cũ mờ, sắp mủn nát, chứng minh cho việc ông chính là người đã hết sức nỗ lực trong việc cứu những hiện vật quý giá nói trên. Điều đó thông qua những văn bản do GS Hà Văn Tấn, lúc ấy là viện trưởng Viện Khảo cổ học, trả lời hồ sơ do ông Thế mang ra Hà Nội “kêu gào” cứu lấy hiện vật tháp Vân Trạch Hòa.

Cùng với những bức thư viết tay của ông Nguyễn Khoa Điềm, khi ấy là trưởng Ban tuyên giáo Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, và văn bản của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, của UBND huyện Phong Điền về các phương án gìn giữ phế tháp.

Hiện vật sau đó được Bảo tàng Tổng hợp Thừa Thiên - Huế tiếp nhận và đưa về Huế. Đến năm 1999, Viện Khảo cổ học kết hợp với bảo tàng này tổ chức khai quật khảo cổ học. Kết quả đã phát hiện một quần thể kiến trúc tháp bị sụp đổ và vùi lấp.

Cuộc khai quật thu được: 1 đế kê bệ thờ, 2 bệ thờ, 3 mảnh tượng đầu voi và đầu tu sĩ, 3 bệ linga-yoni, đặc biệt là 4 mảnh kim loại màu vàng dát mỏng, 1 mảnh có hình hoa bảy cánh...

Bệ thờ đặc biệt

Theo hồ sơ Bảo vật quốc gia, bệ thờ Vân Trạch Hòa gồm có hai tầng hình trụ gần vuông chồng lên nhau, dài 118cm, rộng 115cm, cao 53cm. Bốn mặt của cả hai tầng đều chạm khắc các vị thần trong Ấn Độ giáo.

Bốn mặt tầng trên trang trí thần Visnu (Bảo tồn), Siva (Hủy diệt), Brama (Sáng tạo) và một vị thần nữa. Ở tầng dưới, bốn mặt và bốn góc đều có các vị thần, thể hiện bốn phương tám hướng. Đó là thần Inđra (Sấm sét, hướng đông), Kubera (Tài lộc, hướng bắc), Varuna (Bầu trời, hướng tây), Yama (Chết, hướng nam), Isana (hóa thân thần Siva, đông bắc), Vayu (Gió, tây bắc), Nirrti (á thần, tây nam) và Agni (Lửa, đông nam).

Nhà nghiên cứu Ngô Văn Doanh nhận xét: “Lần đầu tiên trong lịch sử điêu khắc Champa, hệ thống tám vị thần ngự chính tám phương trời (các dikpala) xuất hiện một cách đầy đủ, hoàn chỉnh và trọn vẹn nhất ở bệ thờ Vân Trạch Hòa”.

Còn nhà nghiên cứu Lê Đình Phụng cho rằng: “Có thể nói, đây là bệ thờ đẹp nhất mới được phát hiện trong nghệ thuật điêu khắc đá Champa ở nước ta”.

TS Piere Baptiste, trưởng phòng Đông Nam Á - Bảo tàng nghệ thuật châu Á Guimet (Pháp), nhận xét đây là “một tác phẩm kiểu mới chưa từng được công bố có các hình tượng đặc biệt rất chi tiết, là một đài thờ đựng đồ lễ có kiểu đặc biệt...”.

Vì những giá trị tiêu biểu này, năm 2010 Hội châu Á - Hoa Kỳ đã mượn bệ thờ Vân Trạch Hòa đưa đi trưng bày tại Bảo tàng New York, với mức bảo hiểm lên đến 2 triệu USD...

THÁI LỘC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên