Nhiều hộ dân ở thôn Mỹ Hiệp, Mỹ Tân 1 và 2 của xã Thanh Hải mỗi tháng phải trả tiền mua nước sinh hoạt từ Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận với giá gần 7.000 đồng/m3, nhưng lại phải "cắn răng" sử dụng nước đục như... nước ruộng.
Ngày 29-4, theo một số người dân, hiện nước đang sinh hoạt đã tạm thời không còn đục nhiều như 10 ngày trước, nhưng chất lượng nước vẫn chưa đảm bảo nên họ không dám dùng nấu uống hay nấu ăn.
Máy lọc nước phải "chào thua"
Phán ảnh với Tuổi Trẻ Online, người dân cho biết tình trạng này xảy ra thường xuyên từ tháng 12-2023 đến nay, nhưng Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận chưa xử lý dứt điểm.
Đưa phóng viên đến máy lọc nước mua khoảng 2 năm, anh Lượng Thành Toán, ở thôn Mỹ Tân 1, bức xúc nói: "Máy lọc nước gia đình mua mà chỉ xài được vài lần rồi bỏ không bởi nước bẩn thường xuyên khiến các lõi lọc bị bám cặn rất nhanh, cứ 5 - 10 ngày là phải thay lõi lọc, tốn gần 200.000 đồng.
Thậm chí máy bơm tăng áp trong máy lọc nước cũng hư phải thay vài trăm đến cả triệu đồng, quá tốn kém nên gia đình cũng không thiết tha xài máy lọc nước nữa".
Theo anh Toán, nước do Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận cấp chỉ sử dụng để tắm, giặt, còn nước uống, nấu ăn gia đình anh phải mua nước đóng bình loại 20 lít để dùng. Trung bình một tháng, gia đình phải mua ít nhất 20 bình.
"Mỗi tháng như vậy cũng tốn 200.000 đồng. Mùa nắng nóng như hiện này thì phải tốn nhiều hơn nữa", anh Toán bức xúc.
Chỉ tay vào lõi lọc nước đang bị bám dày cặn, chị Lê Thị Mơ, ở thôn Mỹ Tân 2, nói: "Tôi mới thay lõi lọc nước mới 10 ngày nay mà đã đen kịt, nhiều thiết bị trong máy lọc nước cũng bị ảnh hưởng rất nhiều.
Nước nâu đục như nước ruộng hay thậm chí đen kịt xảy ra thường xuyên từ trước Tết Nguyên đán 2024 đến nay, trong tháng 4 này đã hai, ba lần xảy ra tình trạng này".
Không thể để dân mua nước sạch lại nhận nước đục như nước ruộng
Ông Nguyễn Bộ - phó chủ tịch UBND xã Thanh Hải - xác nhận: "Thời gian qua, có xảy ra tình trạng nước cấp cho người dân sử dụng có màu vàng, đục.
Từ những phản ánh của người dân, chúng tôi đã kiến nghị Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh sớm có giải pháp, nhưng đến nay vẫn xử lý dứt điểm".
Ông Bộ cũng nói lượng nước bẩn mà người dân xả bỏ trong một tháng cũng khá nhiều nhưng họ phải bỏ tiền ra trả là không hợp lý.
"Thiết nghĩ, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Ninh Thuận nên có chính sách miễn giảm cho dân mua nước của đơn vị", ông Bộ đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Lương Công Đồng - phó phòng quản lý khai thác Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận - cho rằng nguyên nhân có thể là do đường ống cung cấp nước cho người dân xã Thanh Hải có từ năm 2007, sau nhiều năm sử dụng nên đường ống đã cũ kèm theo là cặn bám nhiều bên trong nên xảy ra tình trạng nước đục như trên.
Vì sao đường ống cũ mà trung tâm không kiểm tra, khắc phục sớm, để dân kêu trong thời gian dài? Trả lời câu hỏi này, ông Đồng nói có nhận phản ánh của người dân, nhưng khi cán bộ trung tâm đi kiểm tra thì lại không xảy ra tình trạng nước đục.
"Chúng tôi sẽ khẩn trương súc xả đường ống và tiến hành khắc phục trong vòng 10 ngày hoặc nửa tháng để chấm dứt tình trạng này", ông Đồng cho hay.
Một lãnh đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ yêu cầu những người liên quan xác định chính xác thời điểm xảy ra tình trạng trên để tìm ra nguyên nhân và hướng xử lý dứt điểm, chứ không thể đổ thừa là do đường ống cũ hay do tình trạng bể ống gây ra.
"Người dân họ đã đóng tiền mua nước nên họ phải sử dụng nguồn nước có chất lượng tốt nhất. Chúng tôi kiên quyết không để tình trạng này kéo dài làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân", vị lãnh đạo trung tâm cam kết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận