06/03/2019 09:41 GMT+7

Mua nhà hóa giá: Hủy quyết định "cha", quyết định "con" vẫn thi hành

TUYẾT MAI
TUYẾT MAI

TTO - Sau khi thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Thảnh, UBND quận đã ra quyết định thu hồi quyết định này. Tuy nhiên, các quyết định khác ban hành dựa trên quyết định đã bị thu hồi vẫn được thi hành.

Mua nhà hóa giá: Hủy quyết định cha, quyết định con vẫn thi hành - Ảnh 1.

Sau khi nhà bị cưỡng chế, ông Thảnh và bà Tùng phải thuê nhà trọ ở - Ảnh: TUYẾT MAI

Ông Thảnh có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước bồi thường thiệt hại do ban hành các quyết định không phù hợp quy định nêu trên

Luật sư Bùi Quốc Tuấn

Đó là trường hợp của gia đình ông Lương Ngọc Thảnh (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) đang gặp phải.

Rắc rối mua nhà hóa giá

Nguồn gốc căn nhà số 7/1A Xô Viết Nghệ Tĩnh (nay là số 46 đường Bình Quới), phường 27, quận Bình Thạnh thuộc quyền sở hữu của bà Phan Thị Hà. Năm 1992, bà Hà xuất cảnh nên UBND TP.HCM xác lập sở hữu nhà nước đối với căn nhà trên và cho con gái bà Hà là bà Văn Thị Tuyết lưu cư. 

Bà Tuyết cho ông Thảnh vào ở trong căn nhà này. Cùng thời gian này, bà Tuyết cũng xuất cảnh. Căn nhà bị UBND TP thu hồi.

Sau đó, UBND TP đã cho gia đình ông Thảnh được thuê và được mua căn nhà này. Đến năm 2004, ông bà được UBND quận Bình Thạnh cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.

Năm 2010, bà Hà về nước, khởi kiện vợ chồng ông Thảnh, đòi trả nhà. Tòa án đã tuyên bác yêu cầu đòi nhà của bà Hà, tuy nhiên cho rằng ông Thảnh từng được hưởng chính sách về nhà ở trước đây nên tòa kiến nghị UBND quận Bình Thạnh thu hồi giấy tờ nhà đất đã cấp cho vợ chồng ông Thảnh.

Trên cơ sở kiến nghị này, cuối năm 2012 chủ tịch UBND TP ban hành quyết định số 6401 với nội dung thu hồi, hủy bỏ các quyết định giải quyết khiếu nại có nội dung cho gia đình ông Thảnh được ký hợp đồng thuê căn nhà trên vì cho rằng gia đình ông Thảnh không thuộc diện được thuê nhà của Nhà nước. 

Đồng thời, quyết định 6401 cũng cho rằng cần phải thu hồi giấy tờ nhà đất của gia đình ông Thảnh.

Ngay sau đó, UBND quận Bình Thạnh đã ban hành quyết định số 2669 với nội dung thu hồi, hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở đã cấp cho gia đình ông Thảnh, tiếp đó ra quyết định thu hồi đất để thực hiện dự án cầu Kinh Thanh Đa.

Không đồng ý, ông Thảnh khởi kiện vụ án hành chính yêu cầu tòa án hủy quyết định số 6401. Xử sơ thẩm và phúc thẩm, hai cấp tòa đều cho rằng ông Thảnh thuộc đối tượng được thuê nhà của Nhà nước nên đã tuyên hủy quyết định 6401 nêu trên.

Tuy bản án phúc thẩm có hiệu lực ngay nhưng rắc rối mua nhà hóa giá của ông Thảnh không dừng lại ở đây, mà mở ra hàng loạt rắc rối khác.

Ra quyết định dựa trên quyết định bị thu hồi

Lấy lý do đang kiến nghị giám đốc thẩm nên UBND TP chưa thi hành bản án. Trong thời gian này, căn cứ vào quyết định 2669, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục ban hành quyết định số 13815 xác định nhà đất của gia đình ông Thảnh thuộc sở hữu nhà nước nên chỉ bồi thường 360.000 đồng tiền cây trồng và sau đó cưỡng chế.

Tuy nhiên, đến tháng 3-2017, UBND quận Bình Thạnh ban hành quyết định thu hồi quyết định 2669. Thay vì thu hồi, hủy bỏ quyết định 13815 thì một tháng sau, UBND quận Bình Thạnh tiếp tục ban hành quyết định mới với nội dung bổ sung điều 1 của quyết định số 13815. Đến ngày 8-5-2017 thì UBND TP ban hành quyết định thu hồi, hủy bỏ quyết định 6401.

Theo luật sư Bùi Quốc Tuấn (Đoàn luật sư TP.HCM): Thứ nhất, quyết định 2669 thu hồi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Thảnh đã bị thu hồi nên quyết định số 13815 không còn giá trị pháp lý, bởi căn cứ để ra quyết định 13815 là quyết định số 2669 đã bị thu hồi và hủy bỏ.

Trong trường hợp này, khi nhận thấy quyết định 13815 không phù hợp theo quy định của pháp luật thì UBND quận Bình Thạnh nên kiến nghị UBND TP xem xét giải quyết theo quy định pháp luật.

Thứ hai, quyết định 2669 đã bị thu hồi. Như vậy, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Thảnh không bị thu hồi bởi quyết định hành chính hoặc bản án có hiệu lực nào nên vẫn có giá trị pháp lý. Trường hợp nhà và đất của gia đình ông Thảnh đã bị thu hồi, cưỡng chế để làm dự án cầu Kinh Thanh Đa thì cơ quan quản lý nhà nước phải thỏa thuận với gia đình ông Thảnh để bồi thường giá trị nhà đất cho gia đình ông.

Đồng ý kiến, luật sư Vũ Quang Đức (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng một quyết định ban hành dựa trên quyết định đã bị thu hồi, hủy bỏ thì không có giá trị pháp lý. Vì vậy, quyết định bổ sung điều 1 của quyết định 13815 là vô hiệu. Ông Thảnh có thể khởi kiện vụ án hành chính để tòa án hủy quyết định này.

Ròng rã khiếu nại nhiều năm

Ông Thảnh là bộ đội từng chiến đấu trong kháng chiến chống Mỹ, được tặng thưởng nhiều huân chương, giấy khen. Vợ ông cũng từng là bộ đội.

"Nhiều năm trời tuổi trẻ vợ chồng tôi chiến đấu chống giặc ngoại xâm, không đau bằng việc gia đình tôi phải gửi đơn khiếu nại, gõ cửa kêu cứu khắp nơi. UBND quận ban hành rồi thu hồi các quyết định này nhưng sự việc đã rồi, gây cho gia đình tôi bao nhiêu nỗi khổ. Chúng tôi cần chính quyền một lời xin lỗi" - ông Thảnh nói.


TUYẾT MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên