17/09/2015 08:24 GMT+7

Mưa một cơn, ngập hai ngày

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)

TT - Trận mưa lớn chiều 15-9 kết hợp với triều cường là một trong những trận mưa điển hình vượt khả năng thoát nước của cống thoát nước tại TP.HCM.

Đến chiều 16-9, nhiều nhà dân trên đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM vẫn còn bị ngập sâu do cơn mưa lớn chiều 15-9 gây ra - Ảnh: HỮU KHOA

Hệ thống thoát nước tại TP.HCM chỉ chịu được những cơn mưa có lưu lượng 76 - 96mm ứng với triều cường 1,32m, nên những trận mưa cộng với triều cường vượt khả năng thiết kế thì tình trạng ngập chắc chắn xảy ra.

Chỉ còn 1 điểm ngập: toàn TP...

Đến ngày 16-9, nhiều khu vực trên địa bàn TP vẫn còn ngập nước sau trận mưa ngày hôm trước. Tại đường Lương Định Của (Q.2), nước còn ngập kéo dài gần 1km nên nhiều người qua đây phải quay đầu xe tìm hướng khác.

Trong khi đó, nhiều tuyến đường trên địa bàn quận Bình Tân vẫn còn bị ngập nặng. Tại đường Đất Mới nước vẫn ngập 30 - 40cm, mọi sinh hoạt của người dân đều đảo lộn.

Tại khu vực đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A tình hình còn tồi tệ hơn, hàng trăm nhà ven hai bên đường và các con hẻm vẫn còn ngập sâu. Tình trạng tương tự cũng xảy ra trên đường Kinh Dương Vương, nước ngập kéo dài hơn 3km.

Theo thống kê của Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập TP.HCM, trận mưa chiều15-9 đã gây ngập 62 điểm hầu như rải điều tại chín lưu vực thoát nước của TP như Bến Nghé, bắc Nhiêu Lộc, bắc Tàu Hủ, nam Tham Lương, Tây - Bắc - Đông - Nam TP.

Trong đó ngập nặng nhất là các tuyến Nguyễn Hữu Cảnh (Q.Bình Thạnh), Quốc Hương (Q.2), Hồ Văn Tư, Tô Ngọc Vân (Thủ Đức), Kinh Dương Vương (Bình Tân)... với mức ngập 40 - 50cm.

Tuy nhiên, thực tế điểm ngập còn nhiều hơn và nặng hơn. Trong ngày 16-9, nhiều người phải bỏ làm để dọn dẹp nhà cửa hoặc dắt xe đi sửa sau một đêm vật lộn với nước ngập.

Sau trận mưa chiều 15-9, nhiều người đặt vấn đề vì sao TP đã tốn hàng triệu USD đổ vào hàng loạt công trình chống ngập nhưng chỉ sau một trận mưa, cả “TP chỉ còn một điểm ngập là ngập toàn TP?” - một người dân mượn lời nguyên chủ tịch HĐND TP Phạm Phương Thảo để thắc mắc.

Trả lời vấn đề này, ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP - cho biết mưa đêm 15-9 xuất hiện cùng thời điểm triều cường 1,4m (tại trạm Bình Triệu), vượt thiết kế thoát nước của cống.

Theo ông Long, theo quy hoạch thì đến năm 2020 trên địa bàn TP có 6.000km cống. Tuy nhiên đến thời điểm hiện nay chỉ mới đạt hơn 50% khối lượng. Trong giai đoạn 2010 - 2015 tập trung các dự án chống ngập cho khu vực trung tâm TP, giai đoạn 2016 - 2020 cho các khu vực còn lại.

Thời gian qua, nhiều dự án ODA được triển khai tại khu vực trung tâm như dự án Nhiêu Lộc - Thị Nghè, Tân Hóa - Lò Gốm, cải thiện môi trường nước giai đoạn 1 được đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả chống ngập.

Hiện nay khu vực trung tâm TP theo thống kê chỉ còn hai điểm ngập là đường Phan Anh và Ung Văn Khiêm (Bình Thạnh). Tuy nhiên theo ông Long, những khu vực đã đầu tư hệ thống thoát nước chỉ chịu được những trận mưa 76 - 96mm, nên mưa vượt lưu lượng trên thì vẫn bị ngập.

Nước tràn vào nhà khiến nhiều vật dụng của bà Ngô Thị Thanh Hoa (đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân, TP.HCM) bị hư hỏng như tủ lạnh, tivi, máy giặt... Ảnh: HỮU KHOA
Nước tràn vào nhà khiến nhiều vật dụng của bà Ngô Thị Thanh Hoa (đường Ấp Chiến Lược, P.Bình Trị Đông A, Q. Bình Tân, TP.HCM) bị hư hỏng như tủ lạnh, tivi, máy giặt... Ảnh: HỮU KHOA

Cống làm chưa xong đã lỗi thời?

Hệ thống thoát nước được đầu tư như hiện nay đã trở nên lạc hậu so với diễn biến thời tiết thời gian gần đây và không phải là vấn đề mới, mà đã được các nhà khoa học cảnh báo từ nhiều năm qua.

Theo ông Hồ Long Phi - giám đốc Trung tâm nước và biến đổi khí hậu (Đại học Quốc gia TP.HCM), trong giai đoạn từ 1975 đến những năm 2000 số lần xuất hiện những cơn mưa trên 100mm tại TP đếm trên đầu ngón tay.

Trong giai đoạn từ sau năm 2000 đến nay số trận mưa trên 100mm xuất hiện nhiều hơn, có những trận mưa 130 - 140mm, gần gấp đôi so với khả năng thoát nước của cống.

Ông Đỗ Tấn Long cho rằng “việc cống thoát nước lỗi thời” các cơ quan chức năng đã thấy. Và giải pháp hỗ trợ cho cống là việc làm hồ điều tiết, gia tăng các mảng xanh thấm nước thay vì bêtông hóa. Hiện trung tâm đã thực hiện quy hoạch 103 hồ điều tiết phân tán trên địa bàn TP.

“UBND TP cũng đã thấy vấn đề này và chỉ đạo triển khai các giải pháp đồng bộ: vừa tiếp tục xây thêm cống thoát nước theo quy hoạch vừa tiến hành xây dựng hồ điều tiết”.

Thứ hai là Chính phủ vừa đồng ý triển khai xây 19km bờ bao và 8 cống kiểm soát triều lớn bao quanh TP. Các dự án này được triển khai năm 2016 sẽ góp phần giúp chống ngập nếu có mưa lớn kết hợp triều cường.

Thời gian qua, một số trạm kiểm soát triều kết hợp trạm bơm như: Nhiêu Lộc - Thị Nghè (trạm bơm công suất 48 m3/giây), trạm kiểm soát triều Rạch Lăng (bơm 23 m3/giây), trạm kiểm soát triều rạch Ruột Ngựa (nối giữa Q.6 và Q.8)... đã phát huy tác dụng.

“Trong cơn mưa đêm 15-9 nếu các trạm bơm này không vận hành, tình trạng ngập nước còn kinh khủng hơn” - ông Long nói.

Dự án chống ngập triển khai, dự án chờ phê duyệt

Theo Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập, hiện nay nhiều dự án chống ngập đang được triển khai.

Trong đó có những dự án được xác định sẽ hoàn thành, phát huy tác dụng trong năm 2015 như dự án cải tạo hệ thống thoát nước các tuyến đường: An Dương Vương (Q.6 - Q.8), Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Nguyễn Văn Quá (Q.12).

Dự án cải tạo rạch Cầu Ngang (Q.Thủ Đức - chủ đầu tư) giúp giảm ngập khu vực Tô Ngọc Vân, Dương Văn Cam, Gò Dưa.

Dự án cải thiện môi trường nước giai đoạn 2 gồm: cải tạo một đoạn kênh Hàng Bàng (từ Phan Văn Khỏe đến kênh Lò Gốm), cải tạo hệ thống thoát nước trên các tuyến Minh Phụng, Hồng Bàng, Tạ Uyên, Cao Văn Lầu... đang thi công, dự kiến hoàn thành trong năm 2016.

Trong khi đó, dự án cải tạo rạch Liên Xã - rạch Ông Búp - một trong những khu vực ngập nặng nhất quận Bình Tân hiện nay. Mưa một trận có thể ngập kéo dài trong nhiều ngày. Dự án bị giãn tiến độ do trùng với các trụ tuyến đường trên cao, chưa biết khi nào khởi công.

Các dự án xây dựng hồ điều tiết hỗ trợ hệ thống thoát nước hiện đang chờ phê duyệt: dự án hồ điều tiết ngầm trong công viên Bàu Cát (Q.Tân Bình), dự án hồ điều tiết Gò Dưa (Q.Thủ Đức). Riêng hồ điều tiết Khánh Hội đang vướng giải tỏa đền bù.

QUANG KHẢI

Đi 1 cây số mất 3 giờ, khổ quá!

Tối 15-9, tôi đi từ đường Bạch Đằng đến cầu Bình Triệu mà mất ba giờ. Nước ngập cao quá, xe chết máy nên tắc đường, đi không được, nhất là khu vực bến xe Miền Đông. Ở đây nước mấp mé bậc thềm, xe chạy qua nước tràn vào nhà.

Nói chung, tháng này năm nào cũng ngập 2 - 3 ngày. Ở đây mưa lớn thì ngập, khổ quá nhưng chắc cũng không thay đổi được gì.

(Một người dân ngụ trên đường Bạch Đằng)

Ngập vì nước mưa lẫn nước cống

Lúc trước dù có mưa lớn cỡ nào nhưng không bao giờ bị ngập, gần ba năm trở lại đây mỗi lần mưa xuống là nước không rút kịp, tràn vào nhà. Các cống thoát nước tại đây đã bị lấp do nhiều công trường thi công đổ đất đá bít cống cũ.

Nhà ở thành phố mà tệ hơn ở quê, ngập lụt vì nước mưa lẫn nước cống diễn ra triền miên, hôi thúi không chịu được.

Bà Nguyễn Thị Trà (80 tuổi, đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh)

Sống chung với nước cống

Đường dù có cống hẳn hoi nhưng nước không rút được. Lý do là một đơn vị thi công đã chặn hết cống. Người dân đã nhiều lần làm đơn khiếu nại, phản ảnh qua tổ dân phố, phường nhưng đâu lại vào đó.

Cơ quan chức năng đến kiểm tra rồi cũng vậy. Sống mà cứ lo lắng, khổ sở thế này làm sao dân chịu được?

Ông Nguyễn Văn Hiếu (54 tuổi, cựu chiến binh khu phố 2, P.25, đường Ung Văn Khiêm, Q.Bình Thạnh)

Ở trong nhà cũng phải mang ủng

Lúc trước mưa lớn cỡ nào thì nước vẫn rút hết, không có tình trạng nước tràn vào nhà, ngập sâu như hai năm trở lại đây. Ở trong nhà mà muốn đi lại phải mang ủng cao vì nước rất dơ.

Hôm qua mưa lớn, gia đình tôi phải thức tới 2g sáng tát nước ra khỏi nhà. Cống thì có nhưng cũng như không, đều bị bít nghẹt cả. Chỉ mong sớm giải quyết tình trạng ngập để còn yên ổn làm ăn.

Bà Phạm Thị Liên Hoa (60 tuổi, đường Ung Văn Khiêm, P.25, Q.Bình Thạnh)

VĂN TIÊN - NGỌC LOAN ghi

 

QUANG KHẢI - ĐỨC PHÚ (quangkhai@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên