Người dân lội nước đến dự một đám tang trên đường Ấp Chiến Lược, Q.Bình Tân, TP.HCM sáng 10-9 - Ảnh: Đức Phú |
Tôi xem tivi thấy TP.HCM ngập nhưng hôm nay mới biết ngập ở thành phố là thế nào. Tối qua ngồi canh tát nước cả đêm luôn |
Bà NGUYỄN QUỲNH HOA (từ Kiên Giang lên TP.HCM thăm người quen) nhận định về ngập lụt sau mưa trên đường Ấp Chiến Lược. |
Khoảng chục người vác gậy ra đầu kênh khơi rác với hi vọng nước rút nhanh hơn.
Theo ông Đỗ Tấn Long - trưởng phòng quản lý hệ thống thoát nước thuộc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP.HCM (Trung tâm chống ngập), lượng mưa trong hai ngày đêm 8 và 9-9 thuộc loại lớn nhất tính từ đầu năm đến nay.
Trong đó lượng mưa lớn nhất đêm 8 rạng sáng 9-9 tại Nhà Bè là 101mm, Mạc Đĩnh Chi (Q.1) 75,4mm và tại trạm Tân Sơn Hòa (Q.Tân Bình) là 55,3mm. Lượng mưa từ 7g ngày 9-9 đến rạng sáng 10-9 tại Tân Sơn Hòa là 89,7mm và Mạc Đĩnh Chi là 47,9mm...
“Với lượng mưa như vậy, vào năm 2008 có tới 128 điểm ngập, nhưng hai ngày qua trên địa bàn TP chỉ có 6-7 điểm bị ngập. Khu vực ngập nặng nhất là Bình Tân, Tân Phú, Q.6 với các đường như Kinh Dương Vương, Hồ Học Lãm, Trần Đại Nghĩa, Trương Vĩnh Ký, Gò Dầu, Tân Quý...” - ông Long nói.
Cũng theo ông Long, trong các tuyến đường ngập trên chỉ có đường Kinh Dương Vương (Q.6) thuộc lưu vực thoát nước của dự án Tân Hóa - Lò Gốm, còn lại nằm ngoài lưu vực.
Hiện Trung tâm chống ngập đang đẩy nhanh tiến độ cải tạo hệ thống thoát nước trên đường Kinh Dương Vương.
Riêng các tuyến đường Ấp Chiến Lược, Đất Mới, Bình Trị Đông và các tuyến hẻm trên đường Tân Hòa Đông, ông Long cho rằng phụ thuộc rất nhiều vào dự án cải tạo nâng cấp rạch Liên Xã - rạch Ông Búp.
Con rạch này có chiều dài khoảng 4,2km, là trục thoát nước chính cho khu vực ba phường gồm: Bình Trị Đông, Bình Trị Đông A và Tân Tạo (Q.Bình Tân).
Tuy nhiên, tuyến kênh này thời gian qua bị bùn bồi lắng, cỏ rác dày đặc, đặc biệt tình trạng nhà dân lấn chiếm, đặt cống, cầu băng ngang kênh (làm đường đi) nên khả năng thoát nước rất hạn chế.
Theo một cán bộ UBND Q.Bình Tân, nếu trận mưa có lưu lượng 50-100mm, khu vực xung quanh tuyến kênh này bị ngập kéo dài 10-12 giờ, trường hợp mưa lớn hơn 100mm thì một số khu vực ngập sâu tới 1m và kéo dài trên 12 giờ.
Cũng theo cán bộ trên, dự án cải tạo rạch Ông Búp đã được triển khai từ năm 2005 nhưng do khiếu nại của các hộ dân, sau đó UBND TP thống nhất chuyển từ hình thức mương hở sang làm cống hộp (đoạn từ Mã Lò đến nhánh 3 rạch Ông Búp).
Tuy nhiên, đến tháng 8-2014 UBND TP cho ngừng triển khai dự án trên do một số vị trí trùng với trụ của tuyến đường trên cao dự kiến đi qua khu vực này và giao Trung tâm chống ngập duy tu nạo vét khơi thông dòng chảy.
Một cán bộ Trung tâm chống ngập cho rằng với hiện trạng như hiện nay, việc nạo vét sẽ khó khăn nên khả năng thoát nước hạn chế khi có mưa lớn.
Để giải quyết tình trạng trên, từ tháng 5-2015 UBND Q.Bình Tân kiến nghị UBND TP chấp thuận cho tháo dỡ 25 vị trí cống bắc ngang kênh để thuận lợi cho việc nạo vét với kinh phí dự kiến hơn 8,7 tỉ đồng.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 10-9, ông Lê Văn Thinh - phó chủ tịch UBND Q.Bình Tân - cho biết kiến nghị trên được các sở đồng ý và trình UBND TP xem xét.
Tuy nhiên, đến nay UBND Q.Bình Tân chưa nhận được văn bản thuận chủ trương của UBND TP. “Với diễn biến này, chắc phải chịu ngập thêm một mùa mưa nữa” - ông Thinh nói.
Sau cơn mưa chiều 9-9, đến sáng 10-9 nhà ông Nguyễn Văn Huy (P.Bình Trị Đông A, Q.Bình Tân, TP.HCM) vẫn còn ngập - Ảnh: Đức Phú |
Đám tang trong “biển nước” Tại hẻm 330 đường Ấp Chiến Lược có đám tang. Nước mưa kèm nước cống đen ngòm tràn đến cuối hẻm, sâu khoảng nửa mét. Tại nhà có đám tang, mọi người phải kê bàn ghế ngồi giữa dòng nước ngập. Nhiều người mặc áo tang lội nước bì bõm đến đầu gối, còn người đến phúng viếng phải dò từng bước đi tránh hố sâu. Ông Nguyễn Văn Thanh - tổ trưởng tổ 56, khu phố 3, đường Ấp Chiến Lược - cho biết đêm 9-9 dân ở đây mất ăn mất ngủ vì nhà ngập quá sâu. Nhiều người phải tìm chỗ ngủ qua đêm. Theo ông Thanh, đoạn đường này ngập triền miên sau mưa do dòng kênh nằm dọc đường Ấp Chiến Lược đầy rác, gây tắc nghẽn dòng chảy. Tại dãy nhà trọ ở 270/68 đường Ấp Chiến Lược, người dân hì hục tát nước từ nhà ra đường. Bà Nguyễn Quỳnh Hoa, từ Kiên Giang mới lên thăm người nhà ở đây, cũng xắn tay tát nước. Theo bà Hoa, nước ngập sâu khiến nhiều người ở trọ phải tìm chỗ khác ngủ, đến sáng 10-9 vẫn chưa về. Nhìn căn nhà ngập ngụa nước cống, chị Nga - ngụ nhà 270 đường Ấp Chiến Lược - rầu rĩ: “Mưa hoài có làm ăn gì được đâu, thấy trời chuyển mưa là sợ lắm”. Chị Nga kể do khu này hay ngập nên vợ chồng chị phải gửi ba con đến nhà người quen ở để đi học cho tiện, cuối tuần các cháu mới về thăm nhà. Còn ông Trần Kiều Minh, chủ một xưởng sản xuất trên đường Ấp Chiến Lược, kể: “Năm trước tôi mới nâng nền lên 0,8m, tốn gần trăm triệu đồng. Vậy mà năm nay vẫn ngập”. Nước ngập đã gây ra tai họa. Ông Trương Minh Thương - cha em Trương Việt Thắng, học sinh lớp 8 Trường THCS Bình Trị Đông (Q.Bình Tân) - kể chiều 9-9 đường Ấp Chiến Lược ngập sâu, lại không có biển cảnh báo khu vực nguy hiểm nên trong lúc đi học về Thắng bị té ngã và ngất xỉu. “May là người dân kịp thời vớt con tôi lên nhưng nó bị thương ở ngực, phải khâu ba mũi” - ông Thương nói. |
Theo thạc sĩ Lê Thị Xuân Lan, những ngày qua mưa xuất hiện hầu như khắp các tỉnh thành Nam bộ. Nguyên nhân do ảnh hưởng bởi trục rãnh thấp đi ngang khu vực Nam bộ.
Hiện rãnh thấp này đang dịch chuyển dần lên khu vực miền Trung nên mưa sẽ giảm nhưng vẫn còn xảy ra trong 1-2 ngày tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận