Ảnh: Q.Khải |
“Chính phủ vừa đồng ý cho TP.HCM triển khai hệ thống bờ bao và tám cống kiểm soát triều lớn theo quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP với tổng kinh phí hơn 10.000 tỉ đồng. Dự kiến trong năm 2016, các hạng mục này sẽ đồng loạt khởi công |
Ông Long nói:
- Năm 2008, trên toàn địa bàn TP có tới 126 điểm ngập chia làm sáu vùng chính. Trong đó vùng trung tâm TP (gồm các quận: 1, 3, 4, 5, 6, 10, 11, Tân Phú, Bình Tân và một phần quận 5, 8 và quận Bình Thạnh) có tới 85 điểm ngập.
Đến năm 2011, khi TP xác định trong giai đoạn 2011 - 2015 tập trung tối đa giải quyết tình trạng ngập nước thì vùng trung tâm chỉ còn 31 điểm ngập.
Trong thời gian qua, hàng loạt công trình như dự án cải thiện môi trường Nhiêu Lộc - Thị Nghè, cải thiện môi trường nước lưu vực Tàu Hủ - Bến Nghé, kênh Đôi - kênh Tẻ, mới nhất năm 2014 dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) hoàn tất, tình trạng ngập nước giảm đáng kể.
Đến nay khu vực trung tâm chỉ còn hai điểm ngập là đường Phan Anh, đường Ung Văn Khiêm và 7 điểm ngập ngoại vi TP (An Dương Vương, Hồ Học Lãm, Huỳnh Tấn Phát, Gò Dầu, Trương Vĩnh Ký, Tân Quý, Lê Đức Thọ).
Nếu thời điểm 2008, với lưu lượng mưa ở mức 100mm như những ngày qua, TP bị ngập tới 126 điểm, nhưng nay chỉ còn 6 - 7 điểm bị ngập nước.
* Nhưng thực tế cho thấy tình hình ngập có thể nhiều hơn những gì ông nói, thậm chí có những nơi ngập kéo dài liên tục hai ngày, khu vực này lại nằm sát với dự án nâng cấp đô thị (lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm) vừa hoàn thành. Cụ thể là các tuyến đường Ấp Chiến Lược, Bình Trị Đông, Kinh Dương Vương, An Dương Vương...
- Đây là khu vực nằm ngoài lưu vực thoát nước lưu vực Tân Hóa - Lò Gốm. Trong đó một số tuyến đường đang triển khai các dự án cải tạo nâng cấp cống thoát nước, dự kiến cuối năm nay hoàn tất như đường An Dương Vương, Kinh Dương Vương.
Tình trạng ngập ở các tuyến đường này tồn tại từ rất lâu, có liên quan đến tình trạng lấn chiếm, bồi lắng của rạch Liên Xã - rạch Ông Búp. Trung tâm chống ngập và UBND Q.Bình Tân có đề xuất giải pháp rồi nhưng phải chờ ý kiến chỉ đạo của UBND TP mới triển khai thực hiện được.
Xin nói thêm rằng Trung tâm chống ngập chỉ quản lý, thống kê những điểm ngập ở các trục đường chính thuộc khu vực trung tâm và một số trục khác thuộc khu vực ngoại vi, còn đối với những tuyến đường, hẻm bị ngập thì do quận huyện quản lý, chúng tôi không quán xuyến hết được.
* Một số khu vực, thậm chí là khu trung tâm TP được đầu tư cống thoát nước nhưng những trận mưa lớn gần đây vẫn bị ngập. Tại sao?
- Theo thiết kế hệ thống thoát nước hiện nay, đối với kênh, rạch (còn gọi là hệ thống thoát nước cấp 1) chịu được cơn mưa có lưu lượng 96mm trong vòng ba giờ.
Còn đối với ống cống thoát nước lớn (cấp 2) chịu được trận mưa 86mm trong vòng ba giờ, hệ thống cống thoát nước nhỏ hơn (cấp 3) chịu được trận mưa 76mm.
Nếu những trận mưa vượt lưu lượng nêu trên và đỉnh triều vượt mức 1,32m thì chuyện ngập là đương nhiên. Ví dụ, ngày 8-9 mới đây có trận mưa lên đến 100mm, tất nhiên là dù được đầu tư lắp đặt cống rồi vẫn bị ngập, khu nào chưa có cống thoát nước hoàn chỉnh sẽ ngập nặng hơn.
* Ông Hồ Long Phi (giám đốc Trung tâm quản lý nước và biến đổi khí hậu Đại học Quốc gia TP.HCM): Ngập nội thành giảm, ngoại thành tăng Các công trình chống ngập hoàn thành thời gian qua góp phần giảm ngập đáng kể cho lưu vực trung tâm TP. Tình trạng ngập ở nội thành sẽ tương đối ổn định trong vài năm tới nhưng ở ngoại thành sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn. Lý do là phát triển đô thị đang diễn ra mạnh ở khu vực ngoại thành trong khi hệ thống thoát nước chưa được đầu tư đúng mức, trong khi đó mưa vượt tần suất thiết kế ngày càng nhiều, mực nước sông dâng cao hơn. Giải pháp trước mắt cho tình trạng giải quyết ngập TP là phải nhanh chóng và quyết liệt đầu tư cho công trình chống ngập ở ngoại thành, trong đó có hệ thống kiểm soát triều trên diện rộng. Tình trạng ngập ở TP sẽ còn tiếp diễn trong nhiều năm tới, chỉ sẽ giảm dần khi các công trình chống ngập được đầu tư căn bản. Giải pháp chống ngập bằng công trình tuy phát huy tác dụng nhanh nhưng không bao giờ bền vững trước các diễn biến bất lợi của biến đổi khí hậu trong tương lai. Do đó ngay từ bây giờ, việc đầu tư cho các giải pháp thích ứng như hồ điều tiết Bàu Cát, Gò Dưa là cần thiết, nhất là đối với các khu vực mới phát triển ở ngoại thành. Cần nhấn mạnh rằng việc lưu giữ nước mưa tại chỗ để tái sử dụng và thoát dần vào hệ thống thoát nước TP là chìa khóa của việc hạn chế phát sinh các điểm ngập mới và tái ngập. Các giải pháp chống ngập nên được xã hội hóa để giảm nhẹ gánh nặng cho ngân sách. Chẳng hạn như các dự án phát triển nhà ở và khu công nghiệp phải có trách nhiệm điều tiết dòng chảy tràn phát sinh thêm. Hẻm, vỉa hè và đường giao thông nội bộ tải trọng thấp cần quy định sử dụng bêtông thấm nước thay cho bêtông thường hay gạch con sâu. Các công trình nhà ở xây dựng mới phải được thiết kế bao gồm cả bể điều tiết nước mưa quy mô hộ gia đình. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận