17/07/2023 12:48 GMT+7

Mùa hè không có tiếng ve kêu - Kỳ 4: Nghỉ hè, lên thành phố kiếm tiền đi học

TP.HCM mấy hôm nay cứ chợt mưa chợt nắng, trời mới quang tạnh lại đổ mưa rào. Trên đường Hương lộ 2 (quận Bình Tân, TP.HCM), cô bé Thạch Linh Giang cầm xấp vé số còn dày trên tay mà lo lắng vì đã xế trưa mất rồi.

Bé Linh Giang được ai mua số cũng dạ, cảm ơn rất ngoan - Ảnh: MẠNH DŨNG

Bé Linh Giang được ai mua số cũng dạ, cảm ơn rất ngoan - Ảnh: MẠNH DŨNG

Chỉ còn hơn hai tiếng nữa là công ty xổ số, nhưng cô bé vẫn còn nhiều vé số chưa kịp bán. Bà cháu cô bé là người mới đi bán, phải trả trước toàn bộ tiền mua vé số cho đại lý. Nếu đến 16h30 mà bán không hết, họ sẽ bị lỗ vào số vốn ít ỏi của mình.

Những xấp vé số đẫm mồ hôi tuổi thơ

Thạch Linh Giang năm nay mới 10 tuổi mà có vẻ như đã 14, 15. Khách hỏi chuyện, bé khoanh tay trả lời rất ngoan và rõ rọt từng ý. Nhà ở huyện Trà Cú (tỉnh Trà Vinh), năm nay bé vừa lên lớp 5 tại trường quê. Ba mất sớm, mẹ bỏ đi, bé ở với bà ngoại. Nhà quê khó kiếm tiền, tranh thủ mùa hè bé theo bà lên TP.HCM bán vé số để có điều kiện chuẩn bị vào năm học mới. 

"Dạ, bà con bán một trăm tờ, con cũng bán trăm tờ, nhưng mấy hôm nay con chỉ bán bảy chục tờ vì mưa nhiều, khó bán", cô bé nói câu nào cũng có chữ dạ rất dễ thương.

Khách mua giúp mấy tờ vé số, Linh Giang cũng khoanh tay cảm ơn thật ngoan. Khách ái ngại hỏi chuyện vì sao bé sớm bị hư một mắt phải, cô bé trả lời rõ rọt: "Dạ, con bị bệnh đau mắt rồi không thấy gì luôn. Bà có dẫn đi bác sĩ, bác sĩ dặn bà phải cho con đi khám mắt thường xuyên vì con có thể hư luôn cả mắt còn lại...". 

Khách thương tình, mua giúp 30 tờ vé số, cô bé vui mừng cảm ơn rối rít. Khách hỏi cô bé thích ăn gì, Linh Giang trả lời thật thà thích ăn bánh mì thịt nhưng bà cháu chỉ nấu cơm một bữa, còn lại ăn cơm nguội mang theo, "có hôm bà cũng cho con ăn mì gói ngon ơi là ngon". Và khi được khách tặng ổ bánh mì kẹp thịt cùng ly nước sâm bán bên đường, cô bé lại ngoan ngoãn khoanh tay cảm ơn.

Trò chuyện với khách, cô bé bán vé số lại trở về sự sớm chững chạc khi nghe khách dặn dò: "Hết hè, con về quê học tiếp nghe. Đừng bỏ học mai mốt khổ lắm đó nghe con". "Dạ, con về học tiếp chứ. Hè con lên đây bán vé số là để kiếm tiền phụ bà cho con đi học tiếp mà", cô bé trả lời rồi khoanh tay chào khách để xin đi bán. Trời ngả về chiều lại chuyển cơn mưa, không biết bà cháu cô bé có kịp bán hết xấp vé số còn trên tay.

Hai bà cháu vừa khuất bóng trên phố, một cậu bé quê nữa lại lò dò xuất hiện với xấp vé số trên tay. Cậu bé 11 tuổi, cũng quê ở Trà Vinh và làm mọi người chú ý khi một tay cầm vé số, một tay cầm con sóc nhỏ có vẻ như đã chết. Có người khuyên cậu nên bỏ con sóc đó đi, nó chết rồi, coi chừng lây bệnh tật, nhưng cậu cứ khăng khăng "em bé chưa chết, mới ngủ thôi, con vừa mới lượm nó chạy rớt trên dây điện xuống". 

Lên thành phố đã gần 2 tháng, cậu bé gốc Khmer tên Thạch Huy này kể chỉ có mẹ nuôi bốn chị em nên cả nhà cùng đi bán vé số mưu sinh.

Những tháng còn đi học, Thạch Huy bán vé số tại quê vào buổi chiều nhưng ít người mua, nên hè theo mẹ lên TP.HCM ở trọ, bán vé số quanh quẩn tại khu vực quận Bình Tân và quận 6. "Con chưa biết đường, sợ đi lạc nên không dám đi xa. Còn mẹ con và mấy anh chị mỗi người một hướng nhưng cũng gần gần nhau thôi", cậu bé hồn nhiên nói qua cuối tháng 8 sẽ về quê đi học tiếp. 

Tới một góc công viên có trò chơi ngoài trời, cậu vui vẻ hết trèo lên xích đu rồi máng trượt. Nhưng chỉ được một lát đã thấy cậu nằm co quắp lim dim dưới khay máng trượt như muốn ngủ. Cậu kể hôm qua trời mưa nên vé số ế, phải theo mẹ đi bán tới gần 2h sáng ở các quán nhậu khuya...

Bé Thạch Huy trên đường đi bán vé số đã dừng lại chơi trò chơi ngoài trời và lim dim ngủ luôn trên máng trượt - Ảnh: MẠNH DŨNG

Bé Thạch Huy trên đường đi bán vé số đã dừng lại chơi trò chơi ngoài trời và lim dim ngủ luôn trên máng trượt - Ảnh: MẠNH DŨNG

15 tuổi làm phụ hồ để đi học tiếp

Cách con đường Hương lộ 2 (quận Bình Tân), nơi bé Linh Giang và Thạch Huy đi bán vé số, không xa là một công trình xây dựng đang hối hả hoàn tất đổ mẻ bê tông trước cơn mưa. Em Trần Văn Tú đang tất bật khiêng cát, đá trong cái thùng nhựa kê trên vai để đổ vào máy trộn bê tông. 

Em vừa quá tuổi 15 nhưng trông như đã ngoài 18 với nước da sạm đen vì nắng gió và bụi bặm công trình. Lẫn trong các phụ hồ khác, em cũng làm việc y như họ mặc dù kém tuổi, khi cần uốn sắt em cũng uốn sắt, khi cần vác gạch em cũng vác gạch, rồi sàng cát, trộn hồ...

"Em mới vô làm nên được trả 280.000 đồng một ngày, mấy anh lớn phụ hồ lâu rồi thì được thầu trả 350.000 đồng. Nhưng em sẽ chỉ làm được hơn một tháng nữa thì phải về quê để đi học tiếp lớp 10", Tú nói. 

Mẻ bê tông cuối cùng đổ xong cũng hết giờ làm việc, Tú vừa rửa mặt dính đầy bụi xi măng vừa nói chuyện. Cậu thật thà kể ngày công 280.000 đồng là lớn lắm ở quê Bình Phước của mình. Mấy mùa hè trước, cậu cũng sớm xin phụ làm vườn điều nhưng năm nay ở quê ít việc, không ai gọi. 

Tú kể: "Trong xóm có mấy anh đi làm hồ đã xin việc giúp em. Em đi xe khuya, 7h sáng vô làm việc luôn. Ngày lương đầu tiên đủ trả tiền xe đò. Giờ em đã lãnh lương 4 tuần rồi, được tới 7.840.000 đồng lận", Tú nói chính xác cả con số tiền lẻ mà mắt lấp lánh niềm vui. Chưa bao giờ em có trong tay số tiền lớn như vậy. Ngoài nhín lại tiền ăn và chia sẻ tiền trọ, cậu đã gửi được về cho mẹ 4 triệu đồng để chuẩn bị vào năm học lớp 10.

Tú vui vẻ nói thêm qua tháng 8 bác thầu công trình này hứa trả đủ lương cho cậu 350.000 đồng một ngày, "nhưng em chỉ làm được đến ngày tựu trường thôi". Cậu kể tính cố gắng làm việc từng ngày để thêm được tiền vì 9 tháng học sẽ không được đi làm nữa. 

"Em đã hỏi bác thầu nếu có việc thì cho em làm tới sát ngày khai giảng. Em có thể làm tới chiều rồi đi xe đêm về để sáng mai vào nhập học luôn. Một ngày công mấy trăm ngàn đồng, ở quê em khó tìm ra lắm. Ba mẹ cũng đỡ phải lo cho em", Tú tâm sự sâu sắc như người đã trưởng thành.

Khi nghe hỏi chuyện em đi làm suốt ngày như vậy thì có tranh thủ học thêm được gì không? Cậu trả lời mình học các môn khác đều khá, riêng môn tiếng Anh còn yếu. Mùa hè, cậu đi làm kiếm tiền phụ ba mẹ và cũng tranh thủ học thêm tiếng Anh trên máy điện thoại. Trong năm lớp 9, ba mẹ đã dành dụm mua cho cậu cái điện thoại cũ có giá hơn 1 triệu đồng. 

"Em tải chương trình học thêm trên điện thoại cũng được. Lên thành phố ban ngày em đi làm, buổi tối tự học tiếng Anh khoảng một, hai tiếng. Chủ nhà trọ cho em sử dụng nhờ WiFi để tải bài học trên điện thoại" - Tú cười khoe thêm là từ hồi có điện thoại thông minh để luyện nghe nói tiếng Anh, "giọng em đã đỡ cứng cua cứng còng, chắc cũng sắp hát tiếng Anh được rồi".

Tâm sự chuyện gia đình, cậu bé 15 tuổi nói chuyện trách nhiệm như người thanh niên đã trưởng thành. Cậu kể ba mình là tài xế bị tai nạn, không chạy được nữa, giờ chỉ loanh quanh việc nhẹ vườn tược ở nhà. Gánh nặng gia đình đặt lên vai mẹ và chị gái, mà mấy năm giá hạt điều bấp bênh nên gặp khó khăn.

Cậu học sinh sắp vào lớp 10 kể mình đã biết đi làm thêm từ năm lớp 6 ở quê, nhưng đây là mùa hè đầu tiên cậu đi xa và kiếm được nhiều tiền nhất. Năm học mới này, ba mẹ cậu sẽ đỡ được chút vất vả...

Em đã hỏi bác thầu nếu có việc thì cho em làm tới sát ngày khai giảng. Em có thể làm tới chiều rồi đi xe đêm về để sáng mai vào nhập học luôn.
TRẦN VĂN TÚ

-----------------------

Kỳ cuối: Làm thêm để... hiểu đời

"Cho một phần mì gà thập cẩm!" - nghe khách gọi, cô sinh viên 19 tuổi Lương Huyền Trân nhanh nhẹn đáp lời và bưng phần mì ra cho khách.

Mùa hè không có tiếng ve kêu - Kỳ 3: Những đồng tiền chắt chiu đầu đờiMùa hè không có tiếng ve kêu - Kỳ 3: Những đồng tiền chắt chiu đầu đời

Hơn tháng nay, thay vì tận dụng hè để ngủ nướng bù lại thời gian đi học trong năm thì hơn 5h30 sáng là Bảo Anh phải dậy chuẩn bị để 6h có mặt tại chỗ làm cách nhà trọ khoảng 500m, bắt đầu công việc tại một cơ sở sản xuất hộp nhựa đựng thực phẩm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên