Không điện, sóng điện thoại chập chờn, có người trực xuyên tết nhưng vẫn gắng bám trụ đến ‘hết dịch mới về’.
Mốc biên giới 112 ở thôn Cốc Phương (xã bản Lầu, huyện Mường Khương) là nơi thượng úy Triệu Tiến Ngân (39 tuổi, nhân viên đội phòng chống ma túy và tội phạm, đồn biên phòng bản Lầu, Bộ đội biên phòng Lào Cai) cùng 5 anh em trong tổ công tác trực chiến làm nhiệm vụ tuần tra biên giới, tuyên truyền về phòng chống dịch virus corona.
Thượng úy Triệu Tiến Ngân cùng các đồng đội đi tuần tra dọc biên giới Việt - Trung - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
25 ngày tính từ thời điểm nhận nhiệm vụ trực Tết Nguyên đán, thượng úy Ngân chưa về với gia đình. Trực tết xong, anh nhận luôn nhiệm vụ trực chiến về dịch nơi miền biên viễn.
"Ở đây sóng yếu, anh em phải lên nơi cao mới gọi điện được về. Vợ con gọi điện hỏi thăm nhưng mình nói mong vợ hiểu, thông cảm vì anh em ứng trực không về được. Vợ cũng lo lắng, căn dặn mình đeo khẩu trang cẩn thận", thượng úy Ngân trải lòng.
Biên giới những ngày này mưa gió rét buốt, thượng úy Ngân nhớ ngày đầu tiên dựng lều dã chiến mưa tầm tã, mất cả ngày trời anh em đi vận động đất của bà con trong thôn, san lấp nền mới dựng xong lều dã chiến. Từ bấy đến nay, anh em trong tổ công tác thay nhau túc trực, tuần tra nơi biên giới 24/24.
Trong căn lều dã chiến rộng vỏn vẹn chừng 12m2, kê hai chiếc giường với đầy đủ quân tư trang, anh em bộ đội thay nhau canh gác. Biên giới gần dân, họ thay nhau xuống bản kiếm thức ăn về nấu cơm ngay tại nơi lán tạm.
Tổ công tác tại mốc 112 đội kéo được đường điện chừng 500m trong dân về lều dã chiến - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Đến chiều 8-2, tổ công tác tại mốc 112 đội mới kéo được đường điện chừng 500m trong dân về lều dã chiến. Dù chỉ thắp sáng được một bóng đèn điện nhưng gương mặt ai cũng hồ hởi, có điện anh em yên tâm trực chiến. Dù chưa có kế hoạch cụ thể nhưng ai cũng nói theo tinh thần "hết dịch mới về".
"Chúng tôi là chiến sĩ biên phòng luôn sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ, khắc phục mọi khó khăn. Trong dịch bệnh trước hết đảm bảo an toàn cho bản thân, cho bà con, sau là tuyên truyền cho bà con hiểu về dịch bệnh", thượng úy Ngân chia sẻ.
Từ thời điểm có kế hoạch phòng chống dịch corona, đại úy Phạm Thiện Hãnh, chính trị viên phó đồn biên phòng Bản Lầu, cho biết đơn vị tổ chức 4 tổ tuần tra 24/24 nơi khu vực biên giới để chốt chặn, kiểm tra xuất - nhập cảnh của bà con nơi biên giới thuộc hai xã bản Lầu và Lùng Vai (huyện Mường Khương).
Các chiến sĩ thuộc tổ chốt chặn phòng chống dịch tại mốc 112 (huyện Mường Khương - Lào Cai) đi tuần tra dọc biên giới Việt - Trung - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Khó khăn nhất là hiện nay khu vực sông suối cạn, bà con dễ dàng đi lại qua hai bên biên giới Việt - Trung. "Tuy nhiên năm nay có dịch corona, trước đó bà con "đã thấm" sau dịch tả lợn châu Phi hay dịch SARS nên từ lúc bộ đội đeo băng rôn phòng chống dịch, bà con ít ra đường hơn, hạn chế mở hàng quán hơn", đại úy Hãnh cho hay.
Cùng với đó, đồn biên phòng phối hợp với chính quyền xã tuyên truyền cho bà con ở khu vực biên giới về cách phòng chống dịch trên loa phát thanh 2 lần/ngày, cử cán bộ nhắn tin qua Zalo cho bà con nhân dân, phối hợp với nhà trường nhắn tin cho phụ huynh.
Thời gian tới, lực lượng biên phòng tiếp tục tăng cường kiểm soát, chốt chặn tại khu vực đường biên, cửa khẩu, phối hợp với chính quyền địa phương cùng các lực lượng về công tác phòng chống dịch corona và kịp thời xử lý các tình huống có thể xảy ra.
Các chiến sĩ thuộc tổ chốt chặn phòng chống dịch chào cờ tại cột mốc 112 biên giới Việt - Trung - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thượng úy Triệu Tiến Ngân nhớ ngày đầu tiên dựng lều dã chiến thì trời mưa tầm tã, mất cả ngày trời anh em đi vận động đất của bà con trong thôn, san lấp nền mới dựng xong lều dã chiến. - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tổ công tác gồm 4 cán bộ thuộc bộ đội biên phòng và 1 dân quân địa phương có nhiệm vụ chốt chặn phòng dịch tại khu vực xã Bản Lầu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các thành viên trong tổ công tác chuẩn bị cho bữa cơm tối - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Thượng úy Triệu Tiến Ngân (trái) và đại úy Bùi Hữu Tư lắp đặt hệ thống điện trong lán - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Các cán bộ chiến sĩ đồn biên phòng Chi Ma (Lạng Sơn) sưởi ấm tại lán trại, thời tiết rét buốt khiến công tác trực chiến gặp khá nhiều khó khăn - Ảnh: VŨ TUẤN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận