Phóng to |
Một “cò” vé chợ đen bán vé cho khách - Ảnh: MẬU TRƯỜNG |
Cầm trên tay hơn mười vé tàu ga Sài Gòn về ga Đồng Hới vào những ngày cận tết, “cò” B. Đen cười tươi rói khoe: “Nếu bán hết chừng này vé thì cầm chắc trong tay gần 3 chai (3 triệu đồng) rồi”. Nói xong, B. Đen xách chiếc ghế nhựa ra ngồi sát mép đường Nguyễn Phúc Nguyên (Q.3) bắt đầu vẫy tay chào mời khách như bán một thứ hàng rong: “Vé đây! vé tàu tết đây!”.
Đầu cơ vé
“Vé đi ngày nào, giờ nào cũng có”. D. Què, một trong những “cò” lâu năm nhất ga Sài Gòn, cho biết có rất nhiều cách để đầu cơ vé như nhờ người nhà hoặc đích thân “cò” trực tiếp vào nhà ga xếp hàng mua vé hay mua lại vé của hành khách có nhu cầu trả vé. D. Què có 31 năm gắn liền với việc “cò” vé nhưng ông cho biết chưa bao giờ phải nói với khách hai từ “hết vé”.
Tại ga Sài Gòn, Đ. Bóng được biết đến như một tay “cò” vé cực kỳ thành công. Khác với nhiều “cò” tại ga Sài Gòn, do thông thạo Internet nên những đợt ga Sài Gòn cho đăng ký vé tàu qua mạng, Đ. Bóng đã mượn được nhiều CMND của bạn bè để đăng ký mua vé. Mỗi CMND được phép mua đến tám vé nên sau đợt 2 mua vé qua mạng và mua trực tiếp tại ga, Đ. Bóng “săn” được cả trăm vé tàu để bán lại cho hành khách hưởng tiền chênh lệch (từ 250.000 - 300.000 đồng/vé). “Thằng đó là “cò” làm ăn thời vụ thông minh, một năm nó chỉ bán tại ga này hai đợt là mùa thi và mùa tết nhưng thu nhập của nó cao gấp mấy lần tụi này làm cả năm” - một “cò” vé tại ga nói về Đ. Bóng đầy vẻ ngưỡng mộ.
Trong khi đó, nhiều “cò” vé chợ đen quen thuộc như Trang, Linh, L. Mập... thì bám chặt tại quầy bán vé để tìm nguồn vé. Họ không trực tiếp bắt số thứ tự để mua vé mà chỉ nhờ người khác mua giùm. Trong buổi sáng 11-12, “cò” Trang đã nhiều lần xuất hiện tại quầy bán và mua được tổng cộng hơn mười vé về các ga Quảng Ngãi, Diêu Trì, Huế. Chỉ cần có chừng đó lượng vé kiếm được trong ngày và bán lại trót lọt, họ đã kiếm đủ “sở hụi “làm ăn trong ngày.
Mùa làm ăn
Từ cuối tháng 11 hằng năm trở đi, lượng “cò” vé trước cổng ga Sài Gòn tăng đột biến. Theo thống kê của chúng tôi, nếu tính cả “cò” chuyên nghiệp lẫn “cò” thời vụ, nơi này có không dưới 30 “cò” hoạt động. Thậm chí con số đó sẽ cao hơn nhiều nếu tính thêm những người thân trong gia đình “cò” được biệt phái vào ga đóng vai hành khách để xếp hàng mua vé.
L. Ken, một tay “cò” có 28 năm tuổi nghề, cho biết việc “cò” vé tuy không làm giàu được nhưng cũng đủ sống. Vào những dịp cao điểm, thu nhập một ngày làm việc của “cò” có thể lên đến cả triệu đồng, thậm chí cao hơn nhiều nếu may mắn để bù lại những tháng vắng khách trong năm.
Sau năm ngày bán vé trực tiếp tại ga Sài Gòn, ngày 15-12 lượng vé từ ga Diêu Trì trở ra đã trở nên khan hiếm. Chiều cùng ngày, chúng tôi có mặt tại quầy bán vé tết của ga Sài Gòn và được biết vé chính về các ga Vinh, Đông Hà, Đà Nẵng, Diêu Trì từ ngày 14 đến 21-1-2012 (21 đến 28-12-2011 âm lịch) đã bán hết. Thậm chí một số ga cũng đã ngừng bán ghế phụ. Lợi dụng tình hình này, giới cò vé bắt đầu đẩy giá vé chợ đen lên cao, đồng thời bán vé những ga trọng yếu như ga Vinh, Thanh Hóa, Hà Nội. Dù nhà ga thông báo ga Đà Nẵng chỉ còn ghế phụ nhưng khi tôi muốn mua ba vé về Đà Nẵng trong ngày 18-1-2012 (dương lịch) thì họ đồng ý ngay và đòi tiền công 300.000 đồng/vé.
Theo quy định của Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn, vé tàu tết từ ga Vinh trở ra phải đúng số CMND của người đi tàu. Công ty cũng đã khuyến cáo người dân không nên mua vé của “cò” sẽ tiền mất tật mang vì các vé tàu không đúng số CMND không có giá trị lên tàu. Tuy nhiên, tất cả “cò” đều lấy “danh dự nghề nghiệp” để đảm bảo rằng hành khách chắc chắn sẽ đi được tàu. Trong những ngày tìm hiểu ở ga, chúng tôi nhận thấy 100% vé tàu mà “cò” bán cho hành khách từ ga Vinh trở ra đều không đúng số CMND.
Không giải quyết vé chợ đen?
Theo ông Thái Văn Truyền - phó trưởng ga Sài Gòn, năm ngoái những vé không đúng số CMND người đi tàu đã được nhà ga đổi và thu lệ phí thêm 30% giá trị vé để tạo điều kiện cho hành khách được về quê đón tết. Còn năm nay điều đó sẽ không xảy ra do nhà ga không muốn hành khách tiếp tục tiếp tay cho giới “cò” vé chợ đen làm ăn.
Trả lời câu hỏi có hay không việc nhân viên ga tàu tiếp tay cho “cò” để tuồn vé ra ngoài, ông Truyền cho biết tất cả vé bán ra đều phải được xác nhận qua phiếu đặt chỗ (đều có lưu tại ga đầy đủ) nên nhân viên nhà ga không thể tuồn vé ra ngoài (vì tất cả vé đều phải có tên, số giấy tờ tùy thân đúng với tên và số trên phiếu đặt chỗ của hành khách). Hơn nữa trước khi vào chiến dịch bán vé tết, 100% cán bộ công nhân viên nhà ga làm cam kết không tiêu cực và sẽ bị xử lý nghiêm khắc nếu vi phạm.
Những vé ngoài chợ đen bán một phần có thể là của một số người mua được qua mạng nhưng không đi nên bán lại cho “cò”. Bên cạnh đó, qua website tất cả mọi người dân, kể cả thành phần đầu cơ vé, đều có thể đặt chỗ, mua vé, thậm chí “cò” vé thuê người lên mạng đăng ký mua giùm. Theo quy định của nhà ga, một số thứ tự có thể mua được tám vé (cả chiều khứ hồi) nhằm tạo điều kiện cho hành khách mua giùm vé cho người nhà, bạn bè. Đây cũng chính là kẽ hở cho “cò” lợi dụng để đầu cơ vé.
Trước tình trạng “cò” vé chợ đen hoạt động rầm rộ tại ga Sài Gòn trong mỗi mùa vé tết, ông Truyền cho biết phía nhà ga đã và đang phối hợp với công an ba phường 9, 10, 11 (Q.3) để xử lý nhưng mới chỉ dừng lại ở việc đuổi ra khỏi khu vực ga chứ chưa có biện pháp chế tài nào.
Thanh tra bán vé tàu tết Ngày 26-12, đoàn thanh tra Bộ Giao thông vận tải đã làm việc với Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn và ga Sài Gòn về công tác bán vé tàu Tết Nhâm Thìn 2012. Báo cáo đoàn thanh tra, ông Vũ Tá Tùng - tổng giám đốc Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn - cho biết hiện ga Sài Gòn đã bán được hơn 100.000 chỗ tàu tết với doanh thu hơn 95 tỉ đồng. Hiện vẫn còn khoảng 10.000 chỗ chiều TP.HCM - Hà Nội trước tết và khoảng 4.000 chỗ chiều ngược lại sau tết bán trực tiếp tại các ga cho hành khách có nhu cầu, nhưng số chỗ còn lại chủ yếu là ghế phụ. Đánh giá việc bán vé tàu qua mạng năm nay có nhiều tiến bộ, nhưng lãnh đạo Công ty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn cũng thừa nhận “rất đau lòng” khi không đáp ứng được hết mọi nhu cầu của hành khách. Cụ thể, dù đã nâng cấp đường truyền nhưng website vetau.com.vn chỉ phục vụ được khoảng 10.000 lượt truy cập một lúc, trong khi thời gian cao điểm có tới 60.000 người truy cập dẫn tới tình trạng website quá tải và nghẽn mạng. Ngày 27-12, thanh tra Bộ Giao thông vận tải kiểm tra phần mềm bán vé tàu do Ngân hàng Công thương cung cấp và công tác kiểm tra, soát vé, đảm bảo an ninh trên tàu và khu vực ga... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận