15/09/2017 15:15 GMT+7

'Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn, mẹ ơi'

MAI VINH
MAI VINH

TTO - "Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn mẹ ơi" - Nguyễn Thị Vân Thu, tân sinh viên Đại học Đà Lạt đã cương quyết nói với mẹ như vậy. Để tiếp tục đi học, cô xin vào ở tại cơ sở dành cho người mù.

Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn, mẹ ơi - Ảnh 1.

Nguyễn Thị Vân Thu phải dùng kính lúp để soi từng chữ trên màn hình máy tính - Ảnh: M.VINH

Năm 9 tuổi, đang ngồi học, mắt Thu bỗng dưng mờ đi. Vài ngày sau, Thu mù. Trước mắt Thu, chỉ một màu đen. Thu phải nghỉ học để điều trị. Gia đình gom góp hết để điều trị cho cô. Mọi cố gắng cũng chỉ giúp Thu "khá hơn người mù một chút". 

"Tội con mẹ ơi"

Thu bị chứng teo gai dây thần kinh thị giác và gần như mù. Cô ý thức mình có thể mù bất cứ lúc nào nếu diễn tiến bệnh tăng nặng. 

Cho đến lúc con mù hẳn, con cũng sẽ tìm cách học tiếp. Con mù một lần rồi mẹ. Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn, mẹ ơi..."

Nguyễn Thị Vân Thu

Trong khoảng thời gian Thu điều trị tại TP.HCM, bố cô bị tai nạn trong một lần đi làm thuê, đến giờ ông chỉ có thể làm được việc nhà. Cũng khoảng thời gian ấy, gia đình Thu chính thức kiệt quệ sau vụ tai nạn giao thông khiến em trai chưa tròn 6 tuổi chấn thương sọ não. 

Mọi cố gắng điều trị cũng chỉ giúp em trai Thu giữ được mạng sống nhưng mất đi phần lớn hộp sọ.

Muốn nhận dạng được mặt chữ, Thu phải cọ trang sách, trang vở vào mặt cho đến khi chạm vào mũi. Thu nói vui, mình "ngửi" chữ.  Mẹ Thu năm lần bảy lượt bảo Thu nghỉ học. 

Bà Thân giải thích: "Bác sĩ bảo mắt cháu cần nghỉ ngơi, nếu không sẽ bị mù luôn. Nếu thế thì nó sống ra sao chứ. Giờ mắt chưa mù hẳn thì vẫn còn tốt hơn lúc không thấy gì mà". Thu nghe mẹ nói không dám nửa lời cãi lại. 

Ở tuổi lên 10, Thu mơ hồ biết mình nói gì với mẹ cũng vô ích, nhất là khi đã quyết. Năm đó, gần đến ngày khai giảng, Thu lôi sách vở cũ ra bọc lại cẩn thận. Nghe tiếng mẹ đang đứng gần, Thu khóc: "Con đi học lại. Mẹ đừng ép con nghỉ học. Mù mắt, mù chữ, tội con mẹ ơi". 

Bà Thân thấy tay con quờ quạng tìm nắm tay mình rồi nài nỉ, bất giác bà khóc oà. Bà mềm lòng, không những không la mắng Thu mà còn phụ bao bọc sách vở.

Sau một năm nghỉ học để điều trị, Thu đi học trở lại dù không nhìn thấy được những gì thầy cô viết trên bảng. Thu học bằng cách cố gắng nghe và nhớ lời thầy cô giảng. Vật bất ly thân của Thu từ khi không còn nhìn rõ là chiếc kính lúp do người bạn tặng. 

"Môn hình học, bạn bè và thầy giáo sau khi vẽ trên bảng thì xuống bàn vẽ lại thật to trong vở để em từ từ xem lại. Môn nào có những ký tự đặc biệt, quá nhỏ em dùng kính lúp soi thật chậm để nhận diện cho đến khi nhớ được" - Thu kể.

Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn, mẹ ơi - Ảnh 3.

Nguyễn Thị Vân Thu sống nhờ tại cơ sở dành cho người mù Trường Xuân (TP Đà Lạt) và tham gia phụ việc giúp đỡ những người khuyết tật khác - Ảnh: M.VINH

Nếu lỡ Thu mù

Voòng Ngọc Văn là một trong những người gắn bó với Thu từ ngày cô không còn nhìn rõ. Văn và Lã Thị Thuỷ thường xuyên chở Thu đi học cho đến khi mỗi người mỗi ngả sau kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. 

Văn biết Thu gần như mù nhưng Thu vẫn có thể tự bộ được nhờ vào khả năng đoán biết thông qua những hình ảnh mờ ảo thấy được. Do đó, khi đến chở Thu đi học, Văn không xuống nhà mà đứng chờ trên đầu dốc. 

Cho đến một lần, Thu đến trễ hơn mọi khi và lấm lem bùn đất đỏ. Hỏi thì Thu đáp: "Đêm qua thức khuya học cho xong bài nên sáng nay mắt mờ hơn, đi hụt chân liên tục rồi té vô ổ gà đầy bùn".

Văn hiểu hơn bệnh của bạn và chia sẻ bằng cách đến tận nhà đón bạn đến trường. Nhưng cũng từ đó, Văn biết giả thuyết Thu thường nói "Nếu lỡ Thu mù…" có thể thành sự thật. 

Văn bảo: "Bạn Thu sợ nhất đến một ngày sẽ mù vĩnh viễn, Thu ám ảnh điều đó và việc chăm chú nhìn vào sách vở có thể khiến Thu mù nhưng không ai có thể ép bạn thôi chăm học. Bạn miệt mài học như sợ đến lúc mù vẫn chưa tiếp thu được nhiều kiến thức. Em cảm nhận rõ, Thu chấp nhận đánh đổi chút thị lực còn lại để có thêm chữ nghĩa, có cơ hội vào đại học". 

Mỗi sáng đón bạn đi học, chỉ cần thấy bước chân Thu không vững, Văn biết đêm qua bạn mình đã thức thật khuya "ngửi " chữ.

Đến ngày làm xong thủ tục nhập học, Thu cũng chưa tin mình đã trở thành sinh viên. Được đến giảng đường là ước mơ của Thu từ khi không còn được nhìn rõ. "Nghe tiếng gọi tên mình đến lượt vào làm thủ tục, em hồi hộp, đi đoạn đường ngắn nhưng té mấy lần" - Thu kể. 

Để có được niềm vui ngồi trên ghế giảng đường, Thu chấp nhận mắt mình yếu thêm một phần. "Lần khám mới nhất sau khi thi tốt nghiệp, bác sĩ bảo mắt em yếu lắm rồi. Thị lực lúc tốt nhất chỉ 2/10" - Thu lo lắng. Kết quả khám bệnh khiến mẹ Thu tiếp tục ngăn cản con gái.

Trong khoảng sân Đại học Đà Lạt, Thu tươi cười: "Còn thấy chút chút thì ráng học. Lỡ mù hẳn rồi, muốn học cũng khó hơn nhiều. Em là sinh viên rồi đấy".

Mỗi ngày, nếu không có người xe ôm tốt bụng thường đứng trước cơ sở người mù Trường Xuân chở giúp, Thu sẽ đi bộ khoảng 1 tiếng đồng hồ để đến giảng đường. 

Ngày đầu ở giảng đường, không ai biết Thu là người khiến thị cho đến khi chứng kiến Thu "ngửi" chữ bằng tất cả khao khát học tập của người có thể bị mất đi chút ánh sáng cuối cùng trong đôi mắt vào một thời điểm không biết trước.

Mù mắt con sợ nhưng con sợ mù chữ hơn, mẹ ơi - Ảnh 4.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên