19/05/2015 17:41 GMT+7

Môtô 400 phân khối đi đường cao tốc nguy hiểm không?

N.ẨN - MẬU TRƯỜNG
N.ẨN - MẬU TRƯỜNG

TTO - Sau khi Tuổi Trẻ đăng tin "Thí điểm cho môtô 400 phân khối vào đường cao tốc", nhiều bạn đọc có ý kiến khác nhau, nhiều người cho rằng sẽ rất nguy hiểm nếu cho môtô chạy vào đường này.

Một đoạn trên đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Ảnh: Hữu Khoa

 

Tuổi Trẻ lấy ý kiến một số người liên quan về việc này.

Lập phương án trình Thủ tướng cho thí điểm môtô vào đường cao tốc

Sáng 19-5, ông Khuất Việt Hùng - phó chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - cho biết lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã giao Tổng cục Đường bộ lập và báo cáo phương án thí điểm cho môtô vào đường cao tốc để bộ xem xét và sau đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Nên cho môtô chạy vào cao tốc

Môtô phân khối lớn chạy ở làn xe hỗn hợp có thể gây nguy hiểm cho xe máy và các loại xe khác, đây là xe chạy với tốc độ cao nên có thể cho chạy vào đường cao tốc. Ở nhiều nước trên thế giới họ đã cho loại xe này chạy chung với ôtô trên đường cao tốc. Cái quan trọng nhất để đảm bảo an toàn, theo tôi, đó là ý thức. Nếu anh chạy xe không có ý thức thì bất cứ ở đường nào cũng có thể gây nguy hiểm.

Ông Vũ Đức Thiệu - hiệu trưởng Trường cao đẳng GTVT trung ương III

Theo ông Hùng, Luật giao thông đường bộ không cho phép các loại môtô, xe thô sơ hai bánh và các loại xe tương tự vào đường cao tốc. Vì vậy việc cho phép thí điểm môtô vào đường cao tốc chỉ có Thủ tướng mới có quyền quyết định.

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia sẽ tham gia thế nào vào việc cho thí điểm môtô vào đường cao tốc?  Trả lời câu hỏi này, ông Hùng cho biết từ sau cuộc tọa đàm với Hiệp hội Môtô VN, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã trao đổi vấn đề trên với Bộ Giao thông vận tải và bộ đã giao cơ quan chức năng lập phương án thí điểm.

Như vậy, thời gian nào thực hiện thí điểm cho môtô vào đường cao tốc phải chờ Bộ Giao thông vận tải báo cáo và Thủ tướng Chính phủ có quyết định.

Sẽ rất nguy hiểm

Thường xuyên chở hàng từ Tiền Giang đi TP.HCM trên đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương, ông Trần Huy Dũng (39 tuổi, ngụ Q.8, tài xế xe tải) cho biết việc để môtô phân khối lớn vào đường cao tốc là rất nguy hiểm, nhất là vào ban đêm.

Ban đêm xe chạy trên đường cao tốc tuy không nhiều nhưng chạy với tốc độ rất nhanh. Trong đó, có nhiều xe khách chạy nước rút với tốc độ kinh hoàng và không giữ khoảng cách an toàn (khoảng cách giữa các xe 100m). Nếu thêm môtô luồn lách vào giữa các làn xe và giữa khoảng cách hai xe cùng chiều trên một làn nữa thì rất nguy hiểm.

Chưa kể vào những ngày mưa, một số chỗ trên tuyến đường cao tốc bị đọng nước. Khi ôtô chạy qua những đoạn đường đọng nước, nước bắn lên với lực rất mạnh có thể gây tai nạn cho một chiếc môtô chạy song song.

"Do đó, theo tôi, nếu thí điểm cho môtô chạy vào đường cao tốc thì nên hạn chế vào những ngày mưa và ban đêm vì thời điểm này chạy rất nguy hiểm cho chính người lái môtô lẫn các loại xe khác".                                                

Ông Nguyễn Văn Được (47 tuổi, tài xế xe hợp đồng loại 16 chỗ) cho rằng trên đường cao tốc, tốc độ tối thiểu là 60km/giờ và tối đa là 100-120km/giờ. Với tốc độ cao như vậy, rất khó cho tài xế xử lý khi xe trước gặp tai nạn bất ngờ vì hầu như xe chạy trên đường cao tốc đều không giữ đúng khoảng cách.

"Một bộ phận người lái môtô trên đường còn rất trẻ và hiếu thắng, nếu để họ chạy vào đường cao tốc thì thật sự rất nguy hiểm cho chính tính mạng của họ và cho cả những người lái ôtô như chúng tôi".

Nguyễn Thành Phương - chủ tịch Câu lạc bộ môtô Harley Saigon (HOG):
Quan trọng là ý thức của người lái xe

Nếu nói môtô chạy vào đường ôtô và đường cao tốc sẽ gây nguy hiểm cho các xe khác là không đúng. Cái quan trọng nhất là ý thức của người lái xe. Nếu ý thức không tốt thì dù chạy ở làn đường nào cũng sẽ gây ảnh hưởng đến xe khác… Chưa kể hiện các đường cao tốc đều có hệ thống camera quan sát, nếu những xe môtô không tuân thủ quy định thì cơ quan chức năng có thể đón hai đầu đường để xử phạt theo quy định.

Ở góc độ người chơi môtô phân khối lớn, tôi thấy rất cần thiết cho loại xe này được chạy vào làn đường ôtô và đường cao tốc theo đội hình và có sự hướng dẫn và điều khiển của trưởng đoàn.

Hiện nay có một bất cập là những người chạy môtô phân khối lớn riêng lẻ, họ có thể chạy thoải mái vào làn đường xe máy và làn xe hỗn hợp. Họ đánh võng, nẹt pô gây bức xúc cho dư luận. Trong khi những câu lạc bộ môtô được luyện tập bài bản, đi theo đội hình mỗi khi ra đường cũng phải chạy vào làn đường xe máy, làn xe hỗn hợp chật hẹp nên rất bất tiện. Do đó, theo tôi, đối với những môtô phân khối lớn chạy trên đường nên khuyến khích đi theo đội hình và mở rộng làn đường cho xe này chạy vào làn ôtô.

Mỗi năm, bản thân tôi đều có vài chuyến đi môtô phân khối lớn tại các nước ngoài. Phần lớn họ đều cho môtô phân khối lớn được chạy vào làn đường ôtô và đường cao tốc. Môtô khi chạy vào làn ôtô thường đi theo đội hình rất đẹp. Khi chuyển làn, đi chậm hay tăng tốc người trưởng đoàn trong đội hình dùng ký hiệu để những người đi sau hiểu và thực hiện theo.                                                                                              

[poll width="400px" height="174px"]146[/poll]

Nước ngoài quy định ra sao?

Phần lớn quốc gia trên thế giới cho phép xe hai bánh chạy trên đường cao tốc, tuy nhiên nhà chức trách áp dụng các quy định chặt chẽ về các phương diện như giới hạn tốc độ, hành khách… để đảm bảo an toàn.

Các nước Đông Á đưa ra các hạn chế rất gắt gao đối với xe máy trên đường cao tốc. Ví dụ, nhiều tỉnh ở Trung Quốc cấm xe máy đi vào đường cao tốc. Một số tỉnh cho phép nhưng với điều kiện xe máy phải đủ khả năng chạy liên tục với tốc độ trên 70km/giờ và không được chở theo hành khách phía sau.

Ở Nhật, chỉ xe gắn máy có động cơ trên 125 phân khối mới được đi vào đường cao tốc. Người lái xe phải trên 20 tuổi và có bằng lái trong ít nhất ba năm mới được phép chở hành khách phía sau.

Hàn Quốc cấm hoàn toàn xe gắn máy trên đường cao tốc, trừ các phương tiện khẩn cấp như xe cảnh sát, cứu thương, xe an ninh áp giải tù nhân…

Tương tự, vùng lãnh thổ Đài Loan cũng chỉ cho phép xe hai bánh phục vụ các vấn đề khẩn cấp được chạy vào đường cao tốc. Trước năm 2006, chính quyền Philippines cấm xe máy động cơ dưới 400 phân khối đi vào đường cao tốc nhưng hiện lệnh cấm này đã bị hủy bỏ.

Ở phương Tây, hầu hết các nước đều cho phép xe hai bánh chạy trên đường cao tốc với điều kiện là xe phải có động cơ trên 50 phân khối. Chỉ một số ít quốc gia như Ý yêu cầu xe máy phải có động cơ trên 148 phân khối mới được đi vào đường cao tốc. Dù vậy, vì vấn đề an toàn, các nước thường giới hạn động cơ tối đa của xe máy trên đường cao tốc là khoảng 80-100 km/giờ.

SƠN HÀ

 

N.ẨN - MẬU TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên