Tiểu hành tinh 2018VP1 tiến sát trái đất vào tháng 11-2020 nhưng khả năng va chạm chỉ là 0,41% - Ảnh minh họa: clickondetroit.com
Theo Trung tâm nghiên cứu các vật thể gần trái đất (CNEOS) thuộc Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA, thiên thể đang lại gần trái đất nói trên được đặt tên là 2018VP1, có thể sẽ bay qua vùng gần trái đất chỉ một ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 2-11 tới.
NASA cho biết có ba tác động tiềm ẩn từ sự kiện này nhưng "căn cứ vào 21 quan sát thiên văn trong 12.968 ngày qua", cơ quan này nhận định 2018VP1 không có khả năng xảy ra tác động trực tiếp đến trái đất.
Đài quan sát Palomar tại California xác định được 2018VP1 lần đầu tiên năm 2018. Khi đó, nó không được coi là "vật thể nguy hiểm tiềm tàng" do kích thước nhỏ - đường kính 0.002km (2 mét).
Các vật thể nguy hiểm tiềm tàng, thường là tiểu hành tinh hoặc sao chổi là những vật thể có quỹ đạo đưa chúng đến gần trái đất và đủ lớn để gây ra thiệt hại đáng kể ở vị trí nếu xảy ra va chạm.
Trước đó trong tuần qua, một tiểu hành tinh vừa bay qua trái đất ở phía nam Ấn Độ Dương với khoảng cách chỉ gần 3.000km và là khoảng cách gần nhất với trái đất từng được các nhà khoa học ghi nhận.
Tiểu hành tinh đó được đặt tên là 2020 GC, có kích thước gần bằng một chiếc ôtô lớn, do một camera robot quét bầu trời phát hiện. Do sự bé nhỏ của nó, tiểu hành tinh 2020 GC không gây ra nhiều mối đe dọa cho trái đất vì có khả năng bị vỡ ra trong bầu khí quyển nếu hướng trực tiếp đến trái đất.
Nói về phát hiện này, Paul Chodas, giám đốc CNEOS, cho biết: "Thật vô cùng thú vị khi có thể nhìn thấy một tiểu hành tinh đến sát trái đất như thế này vì chúng ta có thể quan sát được lực hấp dẫn của trái đất bẻ cong quỹ đạo của nó đáng kể như thế nào".
Theo tính toán của CNEOS, tiểu hành tinh này đã bị chệch khoảng 45 độ do tác động của trái đất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận