Dấu ấn đó có thể nhìn thấy từ bố cục của tập sách, đó là lúc anh bàn về từ đồng âm, lớp từ Hán - Việt, lối đọc ngược xuôi của một văn bản... là ghi nhận các từ tiếng Việt được sử dụng thời gian gần đây, có thể từ sách, báo, truyền hình, quảng cáo, kể cả trên chiếu nhậu mà anh gọi "biên bản từ cuộc sống".
Cả hai phần này phối hợp nhịp nhàng, qua đó ta có thể nhìn ra ở Dương Thành Truyền một sự cần mẫn, yêu lấy tiếng Việt, luôn góp nhặt, ghi nhận về vốn từ tiếng Việt đã có và đang có, do đó không phải ngẫu nhiên khi anh bắt đầu có ý thức tìm về tiếng Việt, tôi nhìn ra và đã gọi anh là "người đi săn chữ".
Ở đây, ngoài tài liệu đã biết, Dương Thanh Truyền còn cập nhật thêm nhiều cách chơi chữ, cách nói mới, hầu hết mang sắc thái tếu táo, vui nhộn, phần nào phản ánh được tâm lý của lớp người trẻ đã "sáng chế" ra các cụm từ đó.
Thí dụ trong tiệc cưới nọ, anh chàng dẫn chương trình nói năng có duyên tệ: "Chúng tôi xin trân trọng ra mắt cô dâu (tên riêng).
Nàng như cây trúc xinh đứng đâu cũng xinh, nàng như sơn Nippon sơn đâu cũng đẹp. Cùng chú rể (tên riêng). Hàng Việt Nam chất lượng cao. Uy lực dũng mãnh, hiệu quả tức thì. Hạ gục nhanh, tiêu diệt gọn"...
Bàng bạc trong tập sách này, Dương Thành Truyền đã thu nhận cách nói ấy, từ nhiều ngữ cảnh khác nhau hết sức lý thú.
Khác với những người làm công tác nghiên cứu chữ nghĩa trong phòng giấy, anh chú tâm hướng ra phía ngoài của bụi bặm, nắng gió, vòm xanh, vỉa hè... phía bên ngoài đời sống. Cứ lặng lẽ từng ngày đi "săn chữ", không phải nhờ vào tiếng vỗ tay náo nhiệt nào cả.
Tục ngữ Pháp có câu: "Ngay cả bụi cây nhỏ nhất cũng có cái bóng của nó". Đời viết của mỗi người không khác gì đâu. Và cứ thế, chẳng gì nôn nóng, chẳng gì huếnh hoáng, chúng ta - những người sống bằng nghề viết - lại tiếp tục "săn chữ".
Khi viết về tiếng Việt, bàn về tiếng Việt, nghĩ cho cùng mục đích cuối cùng của chúng ta hướng tới vẫn là mong muốn truyền cảm hứng cho người khác cùng chung tay góp sức. Bởi không một ai, kể cả các nhà ngôn ngữ học tài ba nhất, cũng không thể hiểu hết từ tiếng Việt.
Không những thế, ngoài tiếng nói toàn dân, còn có phương ngữ vùng miền.
Ngoài tiếng Việt "thuần túy", còn có cả từ vay mượn mà chắc chắn không một ai, dù tài thánh đến đâu, cũng có thể giải thích cặn kẽ; bên cạnh đó, còn là các từ cổ tiếng Việt trải theo năm tháng đã phai dần ngữ nghĩa khiến thế hệ sau khó có thể hiểu rõ...
Với Tình ca Tiếng nước ta, Dương Thành Truyền chia sẻ: "Sách này chính là những câu chuyện kể lại từ hành trình ngắm nhìn thế giới chữ nghĩa đã và đang đi cùng chúng ta mọi lúc, mọi nơi.
Hành trình này có thể nói là bất tận. Không chỉ những lúc ngồi bên trang giấy, trước màn hình, qua mạng xã hội; ngay trong lúc vừa đánh bài, chơi cầu lông, xem bóng đá, đi trên phố, bù khú với bạn bè... ai ai cũng có thể khám phá và tận hưởng.
Và khi cùng chia sẻ những câu chuyện này, rốt lại mọi người sẽ thấy tràn ngập trong lòng mình một tình yêu sâu đậm dành cho tiếng mẹ đẻ - tiếng nói của quê hương, tiếng nói của dân tộc, tiếng nói của lịch sử".
Rõ ràng, anh đã phát huy được sở trường, thế mạnh vốn có của một nhà báo; thế nhưng có khác ở chỗ là anh đã ý thức sắp xếp, hệ thống lại chỉn chu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận