Shakira hát Islands của The XX tại Glastonbury Festival
1. Càng ngày càng khó để định vị một ca khúc thể loại nào, ngay cả những dòng nhạc tưởng chừng tách biệt nhất cũng có thể nhập lại làm một, như country và rap, còn những thể loại gần gũi hơn như pop, rock, R’n’B thì thường xuyên được nhào trộn.
Ranh giới của chính thống và độc lập cũng nhòa đi. Kể từ khi Jay-Z và Beyoncé xuất hiện tại một đêm nhạc của Grizzly Bear hay Shakira hát lại ca khúc của nhóm The xx tại Festival âm nhạc Glastonbury, việc một ngôi sao lớn bắt tay với những tên tuổi vô danh chẳng còn là chuyện hi hữu.
Người ta còn nhớ giây phút khi ban nhạc độc lập Bon Iver nhận giải "Nghệ sĩ mới xuất sắc" của Grammy hồi năm 2012, không chỉ người trao giải phát âm sai tên của họ mà trên Twitter còn rộ lên câu hỏi "Bon Iver là ai?", thậm chí tức cười hơn, "Bonny Bear (Gấu Bonny) là ai?". Vậy mà chỉ vài năm sau, tới lễ trao giải Grammy 2018, có tận 40% giải thưởng thuộc về những hãng ghi âm độc lập.
Bon Iver nhận giải "Nghệ sĩ mới xuất sắc" của Grammy
2. Với sự ra đời của Spotify, sự bành trướng của YouTube, những nền tảng đưa âm nhạc dễ dàng tiếp cận tới khán giả khắp địa cầu, ranh giới địa lý đã tan biến. Tất nhiên cả ranh giới ngôn ngữ cũng không còn ý nghĩa gì.
Trong số những MV ca nhạc được xem nhiều nhất thập kỷ vừa qua, tuy nhạc Âu Mỹ vẫn chiếm thế thượng phong nhưng xếp đầu là Despacito, một bản nhạc Latin; cũng đừng quên cơn sốt Gangnam Style của Psy đã thay đổi thế giới như thế nào với điệu nhảy ngựa tưởng như ngớ ngẩn.
Và "The Beatles" tiếp theo được dự đoán không đến từ nước Anh, mà đến từ Hàn Quốc. Khi nhóm nhạc K-pop BTS xuất hiện trên Good morning America, cảnh tượng những người hâm mộ tại New York đã hò hét đến ngất xỉu không khác là bao so với cơn sốt Beatlemania thuở nào.
Khoảnh khắc đáng tự hào hơn cả của nhạc đại chúng có lẽ là khi Kendrick Lamar nhận giải thưởng Pulitzer cho album DAMN. Một album nhạc rap được thừa nhận bởi một hội đồng chấm giải vốn chỉ ưa thích nhạc cổ điển và jazz, đó thực sự là giây phút mà ranh giới tưởng không thể xô đổ của âm nhạc - sự hợm hĩnh, sự phân chia đẳng cấp ngấm ngầm - không còn nữa.
Kendrick Lamar nhận giải thưởng Pulitzer cho album DAMN
3. Những nhóm nhạc đình đám một thời cũng dẹp qua những ranh giới đã chia cắt họ để thi nhau tái hợp, từ Gun ‘n’ Roses, ABBA đến Westlife, Spice Girls. Ngay cả hai huyền thoại Jimmy Page và Robert Plant sau nhiều năm mặt nặng mày nhẹ cuối cùng nhún nhường để đưa Led Zeppelin trở lại.
Nhà soạn nhạc vĩ đại Irving Berlin từng nói: "Âm nhạc không biết đến một ranh giới nào cả". Câu nói từ hàng chục năm trước bỗng chốc diễn tả thật chính xác nền âm nhạc thế giới trong thập kỷ vừa qua.
"Những linh hồn chết" trở về
Công nghệ hologram đưa ca sĩ - nhạc sĩ người Mỹ Roy Orbinson trở lại sân khấu - Ảnh: BASE Holograms
Ranh giới giữa sự sống và cái chết cũng bị hô biến mất. Mặc dù thập niên vừa qua đón nhận nhiều mất mát không thể nào bù đắp với sự ra đi của những tâm hồn âm nhạc thuần khiết như Aretha Franklin, Leonard Cohen, David Bowie, Prince, Whitney Houston, Amy Winehouse; nhưng chúng ta lại được đón chờ "những linh hồn chết" trở về.
Roy Orbinson đã nằm dưới đất được 30 năm, nhưng bằng công nghệ hologram, giờ đây người ta không những tái tạo được ông mà còn cho ông đi lưu diễn khắp nơi. "Cha đẻ rock ‘n’ roll" là Chuck Berry mất vào năm 2017, có sao đâu, người cha khác của rock ‘n’ roll là Buddy Holly - tuy đã tạ thế từ năm 1959 - lại được "dựng dậy" bằng hologram và đi biểu diễn ngay sau đó.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận