Ngày 4-7, Bệnh viện Bạch Mai thông báo vừa tiếp nhận ca bệnh biến chứng liên quan đến phương pháp tháo thụt cà phê thải độc.
Cụ thể, chị P. đã sử dụng phương pháp thụt cà phê qua đường hậu môn hai lần, mỗi lần cách nhau một tuần tại một phòng khám tư. Đến lần thứ ba, ngay trong quá trình thụt tháo, chị thấy đau dữ dội vùng bụng dưới kèm chảy máu qua hậu môn.
Sau đó chị P. được đưa đến Bệnh viện Bạch Mai cấp cứu. Kết quả thăm khám và làm các xét nghiệm cần thiết, chụp cộng hưởng cho thấy hình ảnh tụ dịch khí khoang sau phúc mạc, nghi ngờ vỡ trực tràng. Các bác sĩ quyết định phẫu thuật cấp cứu để xử lý tổn thương.
Quá trình phẫu thuật cho thấy tổn thương vỡ trực tràng 1/3 dưới, gây áp xe khoang sau phúc mạc. Kíp phẫu thuật đã tiến hành khâu chỗ vỡ trực tràng, đồng thời dẫn lưu rộng rãi khoang sau phúc mạc và làm hậu môn nhân tạo đoạn đại tràng Sigma.
Sau 14 ngày, bệnh nhân xuất viện và đã ăn uống, sinh hoạt bình thường, tuy nhiên chị P. cần một cuộc phẫu thuật nữa sau vài tháng để đóng lại hậu môn nhân tạo.
Theo bác sĩ Nguyễn Thành Khiêm, khoa phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy Bệnh viện Bạch Mai: thụt tháo là một biện pháp dùng chất lỏng bơm ngược từ hậu môn vào trực tràng, các chất lỏng này có tác dụng làm mềm phân.
Đây là phương pháp được chỉ định trong các trường hợp táo bón khó đi ngoài, cần làm sạch đại tràng để làm thủ thuật, phẫu thuật hay một số trường hợp đặc biệt cần thụt thuốc để chẩn đoán, điều trị.
"Trên thực tế, việc bơm cà phê vào hậu môn sẽ làm trực tràng bị giảm kích thích, lâu dài làm mất phản xạ của trực tràng, không thụt cà phê là không đại tiện được.
Đồng thời, việc mất phản xạ của trực tràng cũng làm tăng nguy cơ vỡ trực tràng trong những lần thụt tháo sau, do bệnh nhân không còn cảm giác buồn đại tiện nữa. Vì vậy, rất dễ bơm quá nhiều thuốc vào trực tràng gây vỡ.
Không những vậy, đưa thuốc theo con đường trái tự nhiên, sẽ đẩy hệ vi sinh đường ruột vào trạng thái mất cân bằng. Thụt cà phê có thể gây viêm đại trực tràng, có nhiều báo cáo khoa học về việc này.
Trường Y Harvard đã khuyến cáo việc làm sạch ruột sẽ gây nguy cơ mất nước, mất cân bằng điện giải, suy giảm chức năng ruột và phá vỡ hệ vi khuẩn đường ruột", bác sĩ Khiêm thông tin.
Đã có 3 người chết liên quan đến thụt cà phê
Bác sĩ Lương Tuấn Hiệp, khoa phẫu thuật tiêu hóa - gan mật tụy Bệnh viện Bạch Mai, cũng dẫn chứng Viện Y tế quốc gia Hoa Kỳ (U.S. National Institutes of Health) cho biết trên trang web của viện này: "Không có bất kỳ bằng chứng thuyết phục nào cho thấy các chương trình detox thải độc hoặc làm sạch thực sự loại bỏ độc tố khỏi cơ thể hoặc cải thiện sức khỏe".
Ngoài ra, các quy trình làm sạch đại tràng hoặc thụt rửa - một phương pháp giải độc phổ biến, "có thể có tác dụng phụ, một số trong đó có thể nghiêm trọng".
Viện Nghiên cứu ung thư Hoa Kỳ (U.S. National Cancer Institute) đã có báo cáo về 3 trường hợp tử vong có thể liên quan đến thụt cà phê. Các tạp chí y khoa uy tín như Endoscopy, American Journal of Gastroenterology, Mayoclinic cũng thông báo trên trang của họ về thực tế việc làm sạch ruột có thể gây hại, bỏng trực tràng, thậm chí tử vong.
Các bác sĩ khuyến cáo thụt tháo đại tràng là một phương pháp điều trị cần được chỉ định bởi các bác sĩ chuyên khoa và được thực hiện tại các cơ sở y tế có cấp phép. Mỗi người nên tự bảo vệ hệ tiêu hóa bằng cách uống nhiều nước, ăn nhiều trái cây, rau củ...
Đồng thời hạn chế bia rượu, thịt đỏ, đồ ăn nhiều dầu mỡ. Thường xuyên vận động cũng giúp hệ tiêu hóa khỏe mạnh hơn mỗi ngày.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận