30/12/2012 04:45 GMT+7

Một năm yên bình cho bông hồng Thái Lan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TT - Bông hồng Thái Lan Yingluck Shinawatra năm 2012 đã chứng minh rằng ngoài sự duyên dáng bà cũng có nhiều gai nhọn, khi vượt qua sự đối đầu của phe đối lập một cách thuyết phục và được chọn là “chính trị gia tích cực nhất”.

Tuy nhiên, nhiều thử thách đang chờ đón nữ thủ tướng xinh đẹp này.

Ne4PEos3.jpgPhóng to

Không chỉ là nữ thủ tướng đầu tiên, bà Yingluck Shinawatra còn là thủ tướng trẻ nhất trong 60 năm qua của Thái Lan khi mới 45 tuổi - Ảnh: Eigenes Werk

Khi được bầu làm nữ thủ tướng đầu tiên của Thái Lan cuối năm ngoái, bà Yingluck đã thổi luồng sinh khí mới vào chính trường nước này và bước vào hàng ngũ những nữ lãnh đạo hiếm hoi tại khu vực. Hình ảnh nữ thủ tướng xuất hiện tại các sự kiện trong và ngoài nước luôn thu hút sự chú ý không chỉ bởi sự tươi tắn, mà còn bởi cách ăn mặc có gu mà theo Bangkok Post là một sự kết hợp thời trang giữa truyền thống và hiện đại.

Thế nhưng không chỉ có thế. Bà đã thể hiện khả năng cùng bản lĩnh lèo lái đất nước qua một năm được đánh giá là khá yên bình so với những năm đầy dông bão chính trị gần đây. Cùng với Đảng Pheu Thai, bà Yingluck đã giải quyết nhiều thách thức kinh tế, chính trị. Chính phủ của bà dễ dàng vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập vận động bằng những chỉ trích về tham nhũng trong chính sách can thiệp thu mua lúa gạo, hay sự lãng phí của việc trang bị máy tính bảng cho học sinh.

Hồi giữa năm, Tòa án hiến pháp cũng đứng về phía Thủ tướng Yingluck khi bác bỏ cáo buộc của phe đối lập cho rằng kế hoạch chỉnh sửa hiến pháp của chính phủ là nhằm lật đổ hoàng gia Thái Lan, điều có thể khiến chính phủ chưa đầy năm của bà bị giải tán. Bà Yingluck cũng khiến ngay cả quân đội Thái Lan cảm thấy dễ chịu khi sát cánh cùng một chính phủ chịu chi cho những “đồ chơi” quân sự.

Chính trị gia tích cực nhất

Theo kết quả khảo sát công bố ngày 26-12 của Trung tâm nghiên cứu Đại học Bangkok trên 1.275 người ở độ tuổi từ 18 trở lên về các nhân vật, sự kiện, tổ chức có nhiều thành tích nhất của Thái Lan trong năm 2012, hơn một nửa số người tham gia thống nhất chọn bà Yingluck là chính trị gia tích cực nhất. Đáng chú ý tỉ lệ ủng hộ bà là 52,1%, vượt xa 16,3% của nhân vật đứng thứ hai là chủ tịch Đảng Dân chủ đối lập Abhisit.

Trái ngược với cáo buộc của nhóm đối lập, chương trình thu mua lúa của nông dân được người dân đánh giá là chính sách đạt kết quả tích cực nhất của chính phủ. Tiếp đó là chương trình ưu đãi thuế cho người mua xe hơi lần đầu, tăng mức lương tối thiểu lên 300 baht/ngày, nỗ lực bài trừ ma túy, dự án phát triển các tuyến đường tàu điện cũng tạo được sự thỏa mãn trong người dân.

Nữ thủ tướng Thái Lan cũng được lòng nhiều cường quốc trên thế giới, như đồng minh thân thiết Mỹ. Trong chuyến thăm Bangkok hôm 18-11, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã công khai thể hiện sự ủng hộ đối với em gái của cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra dù trước đây Washington cảm thấy dễ chịu hơn với sự cầm quyền của bộ đôi hoàng gia và quân đội Thái Lan. Theo giới phân tích, có thể Mỹ nhận thấy chính phủ mà ông Thaksin để lại sẽ là một đồng minh vững chắc hoặc cũng có thể là do chính sách xoay trục của Washington. Theo đó việc kết thân với chính phủ mới của Thái Lan sẽ giúp Mỹ loại nguy cơ Thái Lan ngả sang phía Trung Quốc.

Tạp chí Forbes hồi tháng 8-2012 chọn nữ thủ tướng Thái Lan là một trong những phụ nữ quyền lực nhất thế giới. Bà Yingluck xếp hạng thứ 30 trong danh sách 100 người, đứng ngay sau nữ hoàng Elizabeth của Anh, Thủ tướng Úc Julia Gillard hay lãnh đạo phe thiểu số của Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi.

Những thách thức sắp tới

Tuy nhiên, các chính trị gia và giới phân tích Thái Lan nhận định vẫn còn nhiều thử thách mà bà Yingluck phải vượt qua trong thời gian tới. Trong khi phải thoát khỏi cái bóng của anh trai trong chính trị, bà Yingluck cũng được cảnh báo nên cẩn thận trong việc giải quyết những vấn đề nóng. Theo tờ Post Today, những quả bom hẹn giờ đang chờ đón nữ thủ tướng bao gồm việc viết lại hiến pháp và nỗ lực của Đảng Pheu Thai trong thúc đẩy tái hòa giải quốc gia nhằm mở đường cho sự trở lại của ông Thaksin.

Asian Correspondent nhận định thách thức lớn nhất của chính quyền bà Yingluck là tránh chà đạp người khác trong khi thúc đẩy các chính sách hòa giải quốc gia của mình. Nhưng việc này lại dẫn đến nguy cơ chọc giận phe áo đỏ muốn đòi lại công bằng cho những nạn nhân thiệt mạng trong đợt trấn áp biểu tình năm 2010.

Ngoài ra, nữ thủ tướng Thái Lan sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn trong kinh tế khi dự báo tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước này chỉ vào khoảng 5%. Đảng Dân chủ đối lập cho biết bà Yingluck cần bớt tập trung vào những vấn đề chính trị để dành nhiều quan tâm hơn vào việc cải thiện đời sống người dân như kiềm chế giá gas, đẩy giá các mặt hàng chiến lược như cao su và giải quyết tác dụng phụ của tăng lương là việc đội giá sản xuất và khả năng các công ty sa thải nhân viên để giảm chi phí.

Đối phó tham nhũng là một trong những vấn đề nhức nhối nhất mà bà Yingluck phải thực hiện khi mà cáo buộc tham nhũng xuất hiện trong hầu hết những dự án của chính phủ. Post Today cảnh báo tham nhũng không chỉ ảnh hưởng đến kinh tế mà còn có thể tác động ngược lại chính trị, như trở thành cớ để phe đối lập vạch tội chính phủ và khiến bà Yingluck mất sự ủng hộ của phe áo đỏ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên