​Một lần “đụng độ” sao đỏ

TƯỜNG CAO
TƯỜNG CAO

TT - “Giáo viên cũng sợ... sao đỏ” - đọc xong bài viết này (Tuổi Trẻ ngày 23-12), tôi thật sự ngỡ ngàng vì không ngờ đến bây giờ chuyện này vẫn còn.

Giáo viên cũng sợ sao đỏ - Ảnh: Tư liệu TTO

Cách đây tám năm, tôi học tại một ngôi trường THCS ở quận 1, TP.HCM. Từ năm lớp 8, gia đình tôi chuyển ra sống tại Thủ Đức nên việc đi học của tôi vất vả hơn nhiều. Mặc dù đã cố dậy sớm, nhưng do giao thông hồi ấy thường ùn tắc bởi “lô cốt” mọc lên rất nhiều, nên có vài bữa mẹ tôi đã cố hết sức trong việc chở con đến trường nhưng tôi cũng bị trễ vài phút.

Đã đến trường trễ thì dĩ nhiên là có lỗi, nhưng các thầy cô đều thông cảm khi nghe tôi lễ phép trình bày việc nhà xa đến 15km. Ấy vậy mà các bạn sao đỏ lại chẳng hề có một chút nào chia sẻ. Cứ mỗi lần tôi đi trễ dù chỉ 1, 2 phút là ghi tên rồi bắt viết kiểm điểm. Mối quan hệ của tôi với các bạn sao đỏ không tốt từ đó.

Và đỉnh điểm là một lần đụng độ khi một bạn sao đỏ bắt tôi phải nhặt rác ngay dưới chân bạn ấy. Tôi lấy danh dự ra khẳng định với bạn ấy rằng rác ấy không phải do tôi ném, và tôi chưa hề xả rác bậy bất cứ nơi đâu. Và một khi rác không phải do tôi ném thì tôi và bạn ấy đều có trách nhiệm giống nhau trong việc giữ gìn cho ngôi trường được sạch đẹp.

Khi ấy ai ở gần rác hơn thì người ấy có trách nhiệm phải nhặt. Đôi co qua lại, tôi có nói một câu rằng: ”Ba mẹ các bạn đi làm vất vả lo cho các bạn đến trường để học chữ, học làm người chứ không phải học thói rình mò”.

Câu chuyện này đã được đẩy lên đến cô hiệu trưởng. Trước cô hiệu trưởng, tôi vẫn một mực khẳng định rằng mình không xả rác, và đứng trước rác - một khi không xác định được người vứt - thì tất cả học sinh đều có nhiệm vụ phải nhặt. Không lý gì rác ở dưới chân bạn sao đỏ nhưng lại không nhặt mà bắt tôi ở xa hơn phải nhặt.

Cuối cùng, cô hiệu trưởng cũng chấp nhận lý lẽ của tôi, nhưng có góp ý rằng câu nói của tôi khá nặng lời.

Sau này tôi có được học bổng du học, và trong năm năm học tại Úc tôi vẫn hay tìm hiểu về cách tổ chức trong lớp học từ cấp lớp nhỏ trở lên. Tôi thấy người ta không hề có lực lượng kiểu như sao đỏ của chúng ta trong trường, cũng không có lớp trưởng hay đội ngũ gọi là cán bộ lớp như ở ta.

Nhưng có ai bảo rằng trường học ở xứ người thiếu kỷ luật, mất vệ sinh không? Nếu học sinh thường xuyên đi trễ, thầy cô sẽ làm việc với phụ huynh. Việc xả rác lại càng hiếm thấy khi mà ngay ở ngoài đường người ta cũng ý thức nhặt rác bỏ vào thùng chứ không chỉ trong trường học. Thói quen ấy đâu phải nhờ sao đỏ mà có!

Sau tám năm, tôi nghĩ rằng sao đỏ đã không còn, ai ngờ vẫn tồn tại và còn đầy đủ những chuyện không hay như hồi tôi còn học THCS.

Vẫn biết không phải bạn nào làm sao đỏ cũng thế, nhưng tôi rất tán đồng với ý kiến của tác giả Anh Nguyên, đó là: ”Chúng ta đã nói với nhau rất nhiều về việc học sinh Việt Nam thiếu kỹ năng hợp tác, kỹ năng làm việc nhóm, và rằng kỹ năng hợp tác và làm việc nhóm là cần thiết trong thời kỳ hội nhập.

Thế nhưng kỹ năng ta đã và đang hình thành cho học sinh của chúng ta ngay từ tiểu học là: sự bí mật dò xét, tố giác lẫn nhau. Văn hóa hợp tác không thể nào được xây dựng trên sự đố kỵ, dò xét lẫn nhau. Là một người mẹ, tôi xin các nhà giáo dục hãy thật cẩn thận với tất cả những gì mình đang xây dựng và hình thành cho thế hệ trẻ”.

TƯỜNG CAO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên