13/09/2018 10:04 GMT+7

Một giá cước di động cho toàn ASEAN

THANH HÀ
THANH HÀ

TTO - Sáng kiến này của Việt Nam được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc công bố sáng 12-9 tại phiên thảo luận toàn thể 'Những ưu tiên của ASEAN trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0'.

Một giá cước di động cho toàn ASEAN - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên thảo luận - Ảnh: QUANG HIẾU

Đây là phiên thảo luận quan trọng nhất, chính thức khai mạc hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN 2018 (WEF ASEAN 2018) với sự tham dự của:

- Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng

- Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long (chủ tịch ASEAN năm 2018)

- Tổng thống Indonesia Joko Widodo

- Thủ tướng Campuchia Hun Sen

- Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith

- Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi

- Thủ tướng Sri Lanka Ranil Wickremesinghe

- Phó thủ tướng Trung Quốc Hồ Xuân Hoa

- Phó thủ tướng Thái Lan Prajin Juntong

- Giáo sư Klaus Schwab - người sáng lập kiêm chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới, cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế và gần 1.000 lãnh đạo các doanh nghiệp hàng đầu thế giới.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết tại WEF ASEAN lần này, Việt Nam đưa ra các sáng kiến mới về hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN, hợp tác trí tuệ bảo đảm an ninh mạng, hợp tác đào tạo nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao...

Một giá cước di động, càng thấp càng tốt, cho toàn ASEAN cũng là nội dung đáng chú ý trong phát biểu của quyền Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng tại buổi họp báo với các đồng chủ tọa WEF ASEAN sáng 12-9.

Trao đổi với Tuổi Trẻ về sáng kiến này, ông Phạm Đức Long, tổng giám đốc Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam (VNPT), cho biết: "VNPT hoàn toàn ủng hộ sáng kiến hòa mạng di động một giá cước toàn ASEAN. VNPT cũng có kế hoạch sơ bộ để sẵn sàng tham gia triển khai sáng kiến này theo tinh thần và chủ trương chung của Chính phủ".

Còn ông Hoàng Sơn, phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - viễn thông quân đội (Viettel), nhận định: "Đây là một sáng kiến tốt, sẽ tạo ra sự kết nối thực chất cho ngôi nhà chung ASEAN. Để thực thi được sáng kiến này, cần có sự đồng thuận rất cao của chính phủ các nước ASEAN để giải quyết vấn đề hòa mạng không phải về mặt kỹ thuật mà về các thỏa thuận liên quan đến kinh doanh.

Ở một số nước ASEAN, các doanh nghiệp viễn thông đa dạng về sở hữu, bao gồm cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp do nước ngoài đầu tư... Sáng kiến này của Việt Nam được sự hưởng ứng và quyết tâm thực hiện của các quốc gia khác trong ASEAN, sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân trong khu vực, thúc đẩy giao thương và du lịch...".

"Thế giới phẳng" trong viễn thông

Viettel là nhà mạng đi đầu trong việc từng bước thực hiện hòa mạng di động một giá cước tại các quốc gia ASEAN khi quyết định bỏ cước chuyển vùng (roaming) tại 3 nước Đông Dương từ ngày 1-1-2017 và mới đây là Myanmar.

Trả lời Tuổi Trẻ vì sao Viettel lại có sáng kiến này, đại diện Tập đoàn Viettel cho biết: Vào thời điểm cuối năm 2016, tại Hội nghị cấp cao khu vực tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam, thực hiện cam kết giữa thủ tướng ba nước, Viettel đã đưa ra chính sách áp dụng mức cước chuyển vùng quốc tế mới.

Theo đó, mức cước liên lạc gồm cuộc gọi, tin nhắn, lướt web giữa mạng Viettel (Việt Nam) - Metfone (Campuchia) và Unitel (Lào) sẽ được tính như cước trong nước.

Thực hiện chính sách này, Viettel hướng tới mục tiêu tạo ra một "thế giới phẳng" trong viễn thông, việc Viettel thực hiện bỏ cước roaming cho khu vực Đông Dương được dự báo sẽ tạo ra động lực quan trọng thúc đẩy việc giao lưu kinh tế - thương mại, văn hóa, du lịch, đồng thời thắt chặt mối quan hệ láng giềng gắn bó trong khu vực, tác động đến các khối kinh tế trên thế giới để lan tỏa chính sách này.

Hiện tại Viettel đã có chính sách cước roaming tại Myanmar với thương hiệu Mytel tương tự tại Lào và Campuchia. Trong thời gian phù hợp Viettel sẽ triển khai tại Đông Timor để có thể "phẳng hóa" các nước tại Đông Nam Á mà Viettel đầu tư.

Hoạt động của lãnh đạo Việt Nam tại WEF ASEAN 2018

asean

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp ông Hồ Xuân Hoa - ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc - Ảnh: TTXVN

Bên lề WEF ASEAN 2018, lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam đã tiếp lãnh đạo nhiều quốc gia và tổ chức quốc tế.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp thân mật Phó thủ tướng Quốc vụ viện Trung Quốc Hồ Xuân Hoa; Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Taro Kono đến chào nhân dịp hai lãnh đạo này sang thăm Việt Nam và dự WEF ASEAN 2018.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến với Tổng thống Indonesia Joko Widodo.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định quyết tâm khai thác tối đa tiềm năng để thúc đẩy hợp tác kinh tế, phấn đấu đưa kim ngạch thương mại hai chiều đạt 10 tỉ USD vào năm 2020 theo hướng cân bằng thông qua nhiều biện pháp, đặc biệt là tuân thủ đầy đủ và nghiêm túc các cam kết trong khuôn khổ ATIGA và WTO, đẩy nhanh thủ tục thông quan hàng hóa, không đặt thêm các rào cản kỹ thuật và rào cản thương mại đối với hàng hóa của nhau.

Tiếp người sáng lập và chủ tịch điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) Klaus Schwab, Thủ tướng đề nghị WEF ủng hộ các ý tưởng, sáng kiến của Việt Nam về thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và WEF trong thời gian tới.

Tiếp Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long, hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hai nước mở rộng đầu tư, kinh doanh tại mỗi nước; phối hợp tạo dựng khung chính sách an toàn, minh bạch, ổn định; kịp thời hỗ trợ giải quyết các vướng mắc, kiến nghị của doanh nghiệp nhằm không ngừng nâng cao kim ngạch thương mại và đầu tư hai chiều.

DIỆU AN

Ấn Độ nhấn mạnh chính sách hướng đông về ASEAN Ấn Độ nhấn mạnh chính sách hướng đông về ASEAN

TTO - Tối 1-6 tại khách sạn Shangri-La (Singapore), Thủ tướng Narendra Modi trở thành lãnh đạo Ấn Độ đầu tiên có bài phát biểu khai mạc Hội nghị an ninh châu Á - Đối thoại Shangri-La 2018.

THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên