Kỳ 1: Cha, con và nỗi đau đất lở
Phóng to |
Ông Bảy Lộc (Dương Văn Lộc, 73 tuổi) ở khu dân cư ấp Long Hiệp, xã Long An, thị xã Tân Châu, An Giang tâm sự. Nói vậy nhưng ba người con của ông Bảy Lộc vẫn gắn đời mình với cồn bãi, nơi này lở thì sang xứ khác thuê đất làm rẫy mưu sinh, hệt như những người digan nơi thảo nguyên vậy...
Tâm sự ông Bảy Lộc
Trước năm 1975, cồn Tào nằm ở đầu nguồn sông Tiền, nơi dòng Mekong chảy vào đất Việt. Chiến tranh loạn lạc, tám anh em ông Bảy Lộc đã bỏ quê dắt nhau ra đây lập nghiệp. Thế nhưng cao điểm chỉ trong hơn chục năm (từ 1978-1990), cả cồn Tào dài gần 3 cây số đã bị “hà bá” nuốt mất. Lạ một điều, khi cồn Tào lở dần từ đầu nguồn xuống thì đồng thời phía đuôi cũng nổi lên một cồn khác, người địa phương đặt tên là cồn Béo. Theo lời ông Tống Văn Giấy (84 tuổi), sinh trưởng tại ấp Vĩnh Lạc, xã Vĩnh Hòa, thị xã Tân Châu, tên gọi này lấy theo tục danh của người đầu tiên đến khai phá. Cồn Béo dài tương đương cồn Tào đã mất nhưng hẹp hơn.
Cũng như nhiều gia đình khác, khi cồn Tào lở hết, gia đình ông Bảy Lộc đã qua dựng nhà bên cồn Béo tiếp tục sinh sống bằng nghề trồng rẫy. Tại đây vợ chồng ông Bảy Lộc đã khai mở được 3 công đất, rồi tích cóp mua thêm 2 công nữa. Chừng ấy đất cũng đủ cho gia đình ông có của ăn của để, bởi đất cồn mùa lũ năm nào cũng được bồi thêm cả tấc phù sa, trồng cây gì cũng tốt tươi, vốn ít mà lời nhiều. Trừ bốn tháng nước dâng ngập cồn (tháng 8 đến tháng 11), thời gian còn lại trong năm đất luôn xanh um bởi những vạt rau muống, cà chua, đậu xanh, bắp, ớt phủ từ đầu cồn tới cuối cồn.
“Xóm ở giữa sông” lúc nào cũng đông vui. Ông Bảy đã trù tính sau này sẽ chia cho mỗi người con một công đất làm của khi ra riêng, phần còn lại vợ chồng ông dành dưỡng già.
“Tại Đồng Tháp, tình trạng sạt lở đã diễn ra nhiều năm với mức độ thiệt hại vô cùng lớn. Sạt lở đã xóa nhiều cồn bãi, nhiều xóm làng ven sông Tiền, sông Hậu, làm hàng trăm gia đình mất tất cả nhà cửa, đất đai và xót xa nhất là mất luôn cả quê hương bản quán. Bản thân tôi cũng là nạn nhân của sạt lở khi làng Tân Hưng (thị xã Sa Đéc), nơi tôi gắn bó hàng chục năm, đã bị xóa tên” - ông Đặng Ngọc Lợi, phó giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Đồng Tháp, cho biết. |
Nhưng tạo hóa thật trớ trêu. Khi cuộc sống của dân cồn Béo đang lúc tái sinh sau tai họa sạt lở cồn Tào thì “hà bá” lại ùn ùn kéo tới. “Có bữa sạt lở lan đến mái hiên 4-5 căn nhà cùng lúc, bà con phải cột dây giật sập đặng bốc đi cho lẹ”- ông Bảy nhớ lại. Gặp sạt lở trong mùa nước thì đem ghe tới bơm nước vào cho chìm xuống đặng đút vô sàn nhà, sau đó tháo nước ra cho ghe nổi lên, chở nhà đi sâu vô trong ruột cồn dựng lại ở cho an toàn. Đợi nước rút lại ra dựng chòi làm rẫy tiếp. Đâu cuối mùa lũ năm 1999, ông Bảy Lộc phụ dỡ cả chục căn nhà, nhưng tới nhà ông thì không tháo kịp, sụp mất nguyên hàng cột trước cùng mấy tấm tôn.
Cồn Béo lở hết, vợ chồng ông Bảy Lộc chất tài sản xuống ghe cùng bốn đứa con, hai trai hai gái, đứa lớn nhất mới hơn 10 tuổi, xuôi về hạ lưu, đến ngã ba, nơi giao cắt giữa sông Tiền và sông Tân An thì dừng lại. Nơi ấy là bãi dâu, thuộc xã Long An, thị xã Tân Châu, cắm sào lên bờ thuê đất dựng lều tiếp tục nghề rẫy.
Vợ chồng ông lam lũ thêm 10 năm nữa, kịp khi các con biết phụ cha mẹ gánh nước, tưới phân thì cồn bãi dâu cũng lại rơi vô cảnh sạt lở. Tới nước này ông Bảy Lộc đành ngậm ngùi chia tay con sông bến nước, vào dựng nhà trong khu dân cư Long Hiệp, xã Long An cách đó hơn cây số. Hơn nửa đời người long đong qua “ba đời” cồn bãi, ông Bảy Lộc mới có được căn nhà sàn cấp bốn ở đất liền để ở, không còn phải nơm nớp lo chạy lở nữa. Đó cũng là căn nhà thứ 6, khép lại quãng đời 30 năm chạy lở.
“Chạy đất lở gần cả đời, khi có được căn nhà đúng nghĩa thì chỉ đôi vợ chồng già được ở, còn các con vì chuyện sinh kế lại xuống ghe rày đây mai đó, tiếp nối cái nghề sống đời cồn bãi của cha ông. Nghĩ mà đứt ruột” - ông Bảy tâm sự.
“Digan” cồn bãi
Lần theo địa chỉ do ông Bảy Lộc cung cấp, chúng tôi tìm đến cồn Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp. Những kỳ lão địa phương cho biết cồn mới nổi cách nay chưa tới chục năm, nằm trên nhánh bắc sông Tiền, lệch phía bờ trái. Đứng bên bờ Thường Thới Tiền ngó qua có thể thấy trọn cả cồn, dài độ hai cây số. Ở khoảng giữa cồn là căn chòi canh rẫy của vợ chồng anh Dương Văn Lựa (32 tuổi) và cậu em Dương Văn Phước (28 tuổi), con trai ông Bảy Lộc. Năm nào cũng vậy, cứ đến tháng 11 khi nước lũ rút lộ ra mặt cồn, hai anh em lại chất hết đồ đạc lên ghe, từ khu dân cư Long Hiệp xã Long An, xuôi sông Tiền xuống đây dựng lều trồng rau quả các loại.
“Năm rồi lũ rút trễ hơn bình thường tới ba tuần, xuống giống trễ kéo theo nguy cơ vụ hè thu năm nay bị lũ chụp, nên anh em tôi loay hoay cả ngày vẫn không hết việc” - anh Lựa vừa trò chuyện với chúng tôi vừa tranh thủ chuẩn bị thúng phân mang ra bón cho liếp ớt vừa cứng cây.
Vụ này anh em Lựa thuê được hơn 4 công đất với giá gần 2 triệu đồng/công/năm. Để không bị rơi vào cảnh trúng mùa mất giá, anh chia đất ra thành nhiều thửa, trồng nhiều loại rau màu: cà chua, bí rợ, ớt, rau muống, bắp. Phần đất giáp mé sông Tiền, nước lên xuống hằng ngày theo triều, không thể trồng cây màu, được tận dụng để sạ lúa. “Cả gia đình tôi chỉ trông vào mấy công rẫy này nên phải tính kiểu ăn chắc, lỡ như thứ này mất giá thì còn thứ khác kéo lại” - anh Lựa giải thích.
Anh em Lựa đều sinh ra ở cồn Béo, đi lại cách trở nên việc học chỉ quanh quẩn với thầy giáo làng, đến biết đọc biết viết thì nghỉ ở nhà phụ cha làm rẫy. Đã quen việc nhà nông nên ai nấy làm việc rất thuần thục từ lúc bước vào tuổi 13, 14, hệt như những người digan thực thụ, nhưng không phải trên thảo nguyên mênh mông mà trên những cù lao đầy trắc trở ở thượng nguồn sông Tiền. Quanh năm suốt tháng họ tất bật với việc gieo trồng, chỉ có những con nước lớn ròng bầu bạn. Khi có việc cần mua thêm bao phân, lọ thuốc trừ sâu vợ chồng anh Lựa mới có dịp ra chợ, nhân tiện tạt về thăm hai con, đứa lên 6, đứa lên 4 đang gửi ông bà nội trông giúp.
Ngó về phía thượng lưu chừng hơn cây số là thị xã Tân Châu. Vậy mà “có lẽ đã mấy tháng rồi tôi chưa qua đó. Nhưng có qua cũng không biết làm gì, đâu có ai quen biết, cũng không có nhu cầu mua sắm chi hết, anh thấy vậy có thua thiệt không” - anh Lựa hỏi mà như đã có câu trả lời.
__________
Không may mắn như vợ chồng ông Bảy Lộc, hàng trăm gia đình phải mưu sinh xa xứ trong nỗi nhớ cố hương da diết.
Kỳ tới: Thiếu quê hương
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận