30/07/2018 15:22 GMT+7

Một cuộc đời lưu lạc

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Ở khu nghĩa địa của xóm Lương Tiến, xã Lạc Lương thuộc huyện Yên Thủy (Hòa Bình) vẫn còn ngôi mộ khắc tên liệt sĩ Bùi Văn Mảng - người lính được báo tử gần 30 năm.

Một cuộc đời lưu lạc - Ảnh 1.

Ngôi mộ của ông Mảng - Ảnh: MY LĂNG

Năm tháng, nắng mưa đã khiến lớp rêu trên mộ ngả màu xám đen. Phải nhìn rất kỹ mới có thể nhận ra dòng chữ khắc trên tấm bia: LS B.V.Mang (liệt sĩ Bùi Văn Mảng).

Hiện tại

Trước khi tìm về ngôi mộ của ông, chúng tôi gặp ông ở Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình tại huyện Kỳ Sơn, cách quê nhà ông khoảng 80km. Hiện ông 61 tuổi. 

Đã hơn sáu năm nay kể từ khi trở về đoàn tụ với người thân, ông được chăm sóc, nuôi dưỡng trong khoa quản lý tâm thần (từ tháng 1-2012). Con mắt trái của ông đã bị mù. Con mắt còn lại đen buồn, hoang hoải, xa xăm... 

Những năm tháng bị giam cầm, khổ sai, chạy trốn đã vắt kiệt sức khỏe của ông. Một ngón tay của ông mất một đốt. Suốt cuộc nói chuyện, ông chưa một lần cười. Gương mặt không toát lên xúc cảm nào của niềm vui, nhớ thì ít, quên lại nhiều.

Anh Nguyễn Văn Hoàng, điều dưỡng của Trung tâm Công tác xã hội tỉnh Hòa Bình, cho biết: "Ở trung tâm, ông là bệnh nhân duy nhất từng đi chiến đấu ở chiến trường. 

Lúc mới vào sức khỏe của ông yếu lắm. Sau thời gian được chăm sóc hợp lý, ăn uống đầy đủ, ông ổn hơn nhưng khi thay đổi thời tiết ông lại đau nhức. Hiện giờ ông vẫn uống thuốc an thần mỗi ngày".

Hồi đó tôi xây cho bố mẹ rồi xây luôn mộ cho anh bên cạnh. Trước khi xây, gia đình mời thầy cúng làm cái lễ gọi hồn, lấy cây dâu và quả đu đủ thế mạng vào đấy, gọi hồn vào đấy, cho vào quan tài chôn xuống mộ

Bà Mảnh

Ký ức chiến tranh với trận chiến sinh tử khốc liệt có lẽ vẫn còn nằm đâu đó trong tiềm thức người lính này. Theo người điều dưỡng chăm sóc ông, nhiều đêm khi đang ngủ mê, ông cứ hô: "Bắn, bắn! Nằm xuống!".

Một cuộc đời lưu lạc - Ảnh 3.

Ông Bùi Văn Mảng được điều dưỡng viên khám sức khỏe - Ảnh: MY LĂNG

Quá khứ

Tháng 5-1978. Bùi Văn Mảng nhập ngũ khi 21 tuổi rồi được điều động về tiểu đoàn 4 của sư đoàn 4 (Quân khu 9). Một năm sau, Mảng sang tiểu đoàn 5 và chiến đấu ở khu vực tỉnh Koh Kong (Campuchia).

Năm năm sau (năm 1984), trong lúc đang làm nhiệm vụ tại khu vực giáp ranh biên giới Campuchia - Thái Lan, Mảng cùng đồng đội bị địch tấn công. 

Con mắt trái của anh bị trúng đạn. Anh lịm đi. Tỉnh dậy Mảng thấy mình đang bị giam giữ ở Bangkok (Thái Lan).

Chờ đợi nhiều tháng không thấy Mảng trở về, đơn vị nghĩ anh đã bị địch giết mất xác. Năm 1992, giấy báo tử ghi tên Bùi Văn Mảng gửi về gia đình.

Đến giờ vẫn không ai hay biết cụ thể những gì ông đã trải qua suốt những năm tháng bị bắt, giam cầm, khổ sai. Tất cả chỉ là những thông tin vụn vặt, chắp nối từ ký ức vỡ vụn, rời rạc của ông.

Theo lời ông, năm 1990 trong khi vào rừng lao động, Mảng liều mình chạy trốn về phía biên giới Campuchia. 

Khi đến Mondoul Seyma của tỉnh Koh Kong (Campuchia), ông gặp được một ngư phủ Campuchia tên Tha thì kiệt sức và ngất xỉu. Tỉnh dậy, ông xin được ở lại làm thuê cho người này.

Năm 1999, ông Mảng đến tỉnh Kampot và được một chủ quán người Campuchia tên Khớt nhận làm em trai và cho ông phụ bán quán ăn. 

Mười năm sau, năm 2009, trong khi phục vụ khách, ông Mảng gặp Lâm từ Việt Nam sang Campuchia làm ăn. Sau một thời gian quen biết, ông Mảng nhờ ông Lâm dẫn mình về Việt Nam.

Về đến đất Việt Nam, ông Lâm đưa ông Mảng vào phòng chính trị của sư đoàn 4 thuộc Quân khu 9 đóng quân ở Kiên Giang nhờ giúp đỡ tìm thân nhân gia đình, quê quán. 

Lúc đó là đầu tháng 7-2010, tức 26 năm sau khi ông bị mất tích, trải qua sáu năm giam cầm, khổ sai và 19 năm lưu lạc ở Campuchia.

"Tôi nghe các anh kể lúc mới về đến Việt Nam, anh tôi sức khỏe rất yếu. Trên người anh có rất nhiều sẹo. Anh hay bị hoảng loạn, cứ lúc mê lúc tỉnh, không nhớ được gì về quê quán mà trong người lại không có bất cứ giấy tờ gì. 

Anh tôi được đưa vào bệnh xá để chăm sóc. Khoảng một tháng sau, sức khỏe hồi phục, anh tôi mới nhớ quê quán và tên anh chị em mình. 

Lúc đó Quân khu 9 gửi thông báo về Ban chỉ huy quân sự huyện Yên Thủy. Huyện đội gọi về xã, xã gọi cho gia đình tôi thông báo anh Mảng còn sống" - bà Bùi Thị Mảnh, em gái ông Mảng, kể.

Ngừng lại giây lát, bà bảo: "Tôi đâu có tin là anh mình. Suốt 18 năm trời gia đình tôi thờ cúng anh (1992-2010), làm sao tin được anh vẫn còn sống? "Cuộc trò chuyện đầu tiên qua điện thoại được kết nối. Ở bên kia, ông Mảng hỏi ngắn gọn: "Em à?". 

Bà Mảnh khóc nghẹn, hỏi lại: "Có thật là anh Mảng không?". Ông ấy bảo anh là Mảng đây, tên em là gì? Em tên Mảnh. Bố mẹ còn sống không? Bố mẹ chết cả rồi. Nghe đến đây ông Mảng khóc, không nói được gì nữa.

Biết thân nhân ông Mảng rất khó khăn, sư đoàn 4 đã hỗ trợ tiền xe, tiền ăn đưa ông Mảng ra bến xe và hẹn gia đình đón ở bến xe thành phố Ninh Bình. Bà Mảnh và anh rể ra tận bến xe đón ông Mảng. Đó là ngày 11-9-2010. 

"Nói thật là tôi không nhận ra anh - bà Mảnh kể - Lúc anh đi tôi còn nhỏ mà đã 40 năm rồi, làm sao nhận ra được. 

Đơn vị tả anh khoác balô, đội mũ, mặc quần áo bộ đội, bị hỏng mắt phải. Nhà xe nói đây là người mà gia đình đón về chúng tôi mới biết. Anh gầy lắm, tóc tai, râu ria nhìn thương lắm. Về đến nhà tôi vẫn còn nghĩ mình đang nằm mơ. 

Mấy anh em cứ ôm nhau mà khóc. Chúng tôi đưa anh ra nghĩa địa thắp hương cho bố mẹ. Ở ngoài đó vẫn còn cả mộ anh. Khi mọi người nói đây là mộ anh đấy, anh cười rồi khóc. Anh không còn nhớ được gì nữa. 

Chúng tôi đưa anh về nhà bố mẹ ngày xưa ở bên xóm Lương Tiến. Anh về đó cũng không nhớ ra được kỷ niệm gì".

Không còn gì!

2 - ky 3 lưu lạc 4(read-only)

Bà Bùi Thị Mảnh - em gái ông Mảng - Ảnh: MY LĂNG

Trở về sau 18 năm báo tử, cha mẹ không còn, người vợ mà ông cưới trước khi nhập ngũ đã đi bước nữa sau khi ông được báo tử.

Không tài sản, không nhà cửa, không vợ con lại hay đau ốm, ông đành nương nhờ vợ chồng người em gái.

"Nhiều đêm thấy anh hò hét đánh trận, hô xung phong, rồi anh đau nhức khắp người khi trái gió trở trời, ăn uống với chúng tôi lại kham khổ, thiếu chất. Sợ anh sẽ yếu hơn, vợ chồng tôi bàn với xã xin gửi anh vào Trung tâm công tác xã hội tỉnh để anh được chăm sóc tốt hơn" - bà Mảnh nói.

Kỳ tới: Một người mang ba cái tên

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên