Phóng to |
Bích Lan (trái) trả lời phỏng vấn trong chương trình Người đương thời của Đài truyền hình VN - Ảnh: Nhân vật cung cấp |
Chia tay những tuổi xanh
Những lúc tôi cảm thấy rõ trái tim yếu ớt của mình lỡ một nhịp đập hoặc đập nhanh một cách bất bình thường là những lúc niềm khát khao ấy trỗi dậy mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tôi muốn được sống thêm dù chỉ một ngày. Chỉ cần được sống để nhìn thấy ánh mặt trời của ngày mới với tôi đã là hạnh phúc, chứ chưa nói đến niềm hạnh phúc được ở bên những người ruột thịt, thân thương.
Tôi muốn sống để được nhìn thấy bóng dáng của bà tôi chầm chậm đi lại trong mảnh sân nhỏ, được thấy mẹ mải vội với công việc hằng ngày, được mong ngóng chị gái và em trai về thăm nhà, mừng rỡ bước vào dưới vòm cổng. Dù tôi vẫn phải quanh quẩn giữa bốn bức tường và vẫn phải chịu đựng những cơn mệt, vì những điều ấy tôi vẫn muốn sống.
Từ khi tôi ở viện về, học trò đến thăm tôi thường xuyên. Các em ngồi vây quanh giường tôi cố nói những điều vui, nhưng tôi biết các em buồn lắm. Nhìn các em, tôi cảm thấy có lỗi vì đã để cho ngày hè của các em trôi đi trong chờ đợi phí hoài. Tôi không biết bao giờ mình mới có thể tiếp tục dạy các em. Lần nào đến thăm tôi, học trò cũng nói sẽ đợi tôi khỏe lại để quay lại lớp Cây Táo. Tôi muốn vịn vào sự gắn bó, chờ đợi của những học trò ngoan ấy để vượt qua cơn mệt.
Mùa hè, rồi mùa thu cũng trôi qua. Tôi vẫn vật vã trong những cơn mệt. Linh cảm rằng mình sẽ chẳng bao giờ còn có thể dạy học được như trước nữa, tôi quyết định chấm dứt sự chờ đợi của học trò. Giữa những cơn mệt, tôi ngồi dậy cố gắng viết những bức thư chia tay gửi từng lớp học của mình. Tôi viết những lời chia tay mà cảm thấy buồn sâu thẳm trong lòng. Tôi cứ lấy hết can đảm để viết, rồi xé bỏ, rồi lại viết. Tôi cố gắng viết làm sao để học trò thấy được sự mạnh mẽ của tôi, để lý do chia tay vẫn được nhắc đến mà nỗi buồn chia tay lại được giấu đi.
Hơn hai tuần tôi mới xong cái việc cần làm ấy. Các học trò của tôi nhận thư, vẫn đến ngồi bên giường tôi. Các em nói vẫn sẽ đợi tôi. Tôi cố khuyên những em có ý định thi khối D tìm đến lớp dạy thêm của một giáo viên tiếng Anh lớn tuổi giàu kinh nghiệm nhất trong huyện. Tôi nói nếu cần tôi sẽ viết một bức thư cho người thầy ấy để gửi các em đến lớp ông. Tôi cố gắng thu xếp cho các em. Và tôi phải tự thu xếp nỗi buồn lòng mình.
Đó là một trong những thời điểm khó khăn nhất trong đời tôi. Tôi đã đóng cửa tất cả lớp học Cây Táo của mình. Ngày của tôi bị bao trùm bởi sự im lặng. Tôi im lặng đợi những cơn mệt qua đi. Tôi đợi từng ngày, từng tuần, từng tháng.
Cuối năm 2001, người bạn văn mách cô tôi rằng ở dốc Thọ Lão, phố Lò Đúc, Hà Nội có nhà thuốc Sinh Hòa cắt thuốc đông y chữa bệnh tim rất tốt. Cô tôi lập tức tới đó kể bệnh, cắt thuốc cho tôi. Lần đầu nhà thuốc chỉ cắt cho tôi ba thang uống thử. Tôi uống hết thuốc, vẫn chưa thấy đỡ. Cô tôi lại đến gặp thầy thuốc. Ông thầy thuốc tên Sinh đã điều chỉnh bài thuốc, bốc cho tôi ba thang mới, rồi ba thang mới nữa. Sau khi uống được hơn 20 thang thuốc bắc, tôi bắt đầu thấy dễ thở hơn chút ít. Từ đó, trong suốt hơn một năm trời, cô tôi và em trai tôi thay nhau đến nhà thuốc cắt thuốc cho tôi. Tháng nào em tôi cũng dành những ngày nghỉ cuối tuần vượt gần 100 cây số mang thuốc về cho tôi. Cậu ấy không quản vất vả làm việc đó cho đến khi tôi cảm thấy người đỡ mệt hẳn.
Tôi muốn tìm cách nào đó để hạn chế việc phụ thuộc vào các loại thuốc. Một số tài liệu trên sách báo nói rằng đi bộ tốt cho tim. Vậy nên, hằng ngày tôi lại bắt đầu tập đi bộ với hi vọng có thể ngăn chặn sự tái phát của cơn mệt. Tôi tập đi men hàng gạch sát tường trong hiên nhà để đề phòng những lúc chóng mặt, tôi có thể dựa vào tường hoặc bám vào song cửa sổ. Tôi không buồn vì phải tập đi như thế. Rất nhiều lần sức khỏe của tôi bị căn bệnh đánh tụt xuống những nấc đáng ngại. Buồn chẳng giải quyết được gì. Than thở cũng thế mà thôi. Phải tự cứu mình bằng những hành động cụ thể, phải thật kiên cường, thật bền bỉ. Tôi biết rõ như vậy.
Bản dịch đầu tay
Sau nhiều tháng trời không đọc nổi cuốn sách nào, giờ tôi có thể quay lại với thú vui đọc vốn đã ngấm vào máu từ thuở bé. Ban đầu, mỗi lần tôi chỉ đọc được vài trang. Dần dần, tôi có thể đọc nhiều hơn, nhiều tới mức vài ngày là ngốn hết một cuốn sách vài trăm trang.
Đã có lúc tôi hi vọng rằng chẳng bao lâu nữa tôi sẽ đủ sức mở lại lớp học.
Nhưng rồi tôi biết rằng ngày đó sẽ không đến nữa. Tôi biết rằng tôi không thể đủ sức giảng bài cho học trò khi mà một cuộc trò chuyện không hề căng thẳng vẫn khiến tôi cảm thấy mệt. Tôi biết mình đã bị loại khỏi việc dạy học, và tất cả những việc đòi hỏi phải nói nhiều.
Khi tôi không thể làm việc được, ngày của tôi lại chênh chao lắm. Những lúc không đọc sách, tôi cảm thấy sự trống rỗng quay lại xâm chiếm cuộc sống mình. Tôi day dứt vì thời gian của mình trôi đi vô nghĩa. Tôi thèm làm việc. Tôi vắt óc cố nghĩ ra việc gì đó không bắt buộc tôi phải nói, việc mà tôi có thể làm một cách độc lập trong im lặng.
Thế rồi, trong một lần về quê, cô tôi bỗng gợi ý rằng tôi nên thử dịch sách văn học. Thú thật nghe cô tôi nói đến dịch sách, tôi ngỡ cô đang nói chuyện trên trời. Hồi ấy tôi cảm thấy việc đó cao siêu lắm. Tôi cảm thấy tôi không thể với tới nó được. Cô nói rằng tôi đã đọc nhiều nguyên tác văn học tiếng Anh, rằng tôi biết viết truyện và nếu tôi kết hợp khả năng tiếng Anh với năng khiếu văn chương thì có thể dịch được sách văn học, rằng dù gì tôi cũng nên thử. Hóa ra trong chuyện này cô chú tôi đã nhìn rất xa.
Gợi ý ấy đã làm thay đổi cuộc đời tôi.
Sau chuyến về thăm quê ấy, cô tôi làm việc với phòng văn học nước ngoài của Nhà xuất bản Phụ Nữ, đề nghị họ cho tôi dịch thử. Sau khi trao đổi với cô, nhà xuất bản đồng ý giao cho tôi dịch thử cuốn tiểu thuyết dài hơn 200 trang của một nhà văn người Úc có tựa đề là Never boutb my love (Đừng nghi ngờ tình yêu của anh).
Mới dịch vài trang đầu, tôi đã ngộ ra việc mình làm nhiều thách thức đến mức nào. Căng thẳng là cảm giác thường trực. Khi dịch, tôi có cảm giác như mình đang ngồi giữa hai đối tượng, một bên là tác giả, một bên là một bạn đọc nước mình, và nhiệm vụ tôi phải làm hài lòng cả hai người này. Việc tìm cấu trúc, từ ngữ tương đương trong tiếng Việt để diễn đạt ý tác giả không hề đơn giản chút nào.
Hồi đó, tôi chưa có máy tính. Tôi dịch từng câu trong đầu và chép ra những trang giấy khổ A4. Nếu nhà xuất bản còn giữ bản dịch tay của tôi, thì ắt hẳn dấu vết sự run rẩy vẫn còn đó trong những trang đầu bản thảo. Đó là sự run rẩy của bàn tay yếu ớt cầm bút và tâm lý căng thẳng. Một lần nữa tôi lại gồng mình để vượt qua thách thức tưởng chừng không thể vượt qua nổi.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Tuổi 13 định mệnhKỳ 2: Những người thầy vô hìnhKỳ 3:Hai tay nâng một viên phấnKỳ 4:Nếu trời không cho sống
____________________
Trời đày Bích Lan bệnh tật, nhưng trời cũng ban tặng Bích Lan tình yêu và thiên khiếu văn chương trong tâm hồn nhạy cảm. Đó là hành trình rất dài của tài năng và đam mê sâu thẳm mà tự cô đã thốt lên rằng: “Tôi là người hạnh phúc”.
Kỳ cuối:Tôi là người hạnh phúc
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận