Vị trí thận lạc chỗ vùng hố chậu của bệnh nhân bị sỏi thận biến chứng - Ảnh: T. LŨY
Ngày 19-2, bác sĩ Nguyễn Phước Lộc - trưởng khoa ngoại thận - tiết niệu, cho biết bệnh nhân là bà B.T.Đ. (66 tuổi, ở quận Cái Răng, Cần Thơ), nhập viện do đau vùng hông lưng trái, cơn đau ngày càng tăng, điều trị thuốc không giảm. Gia đình cho biết bà thường xuyên đau vùng hố chậu đã khá lâu nhưng không đi bệnh viện điều trị.
Qua thăm khám siêu âm và chụp CT- scan, các bác sĩ phát hiện bệnh nhân bị sỏi thận ở vị trí thận trái lạc chỗ nằm trên vùng hố chậu, có dịch trong thận; có biến chứng nhiễm trùng. Tiền sử bị đái tháo đường type 2 - tăng huyết áp và thiếu máu cục bộ cơ tim.
Các bác sĩ đã phẫu thuật lấy sỏi thận trái, sỏi khá to (kích thước 33x27mm), đồng thời bơm rửa thận trái ra nhiều sỏi bùn lẫn dịch mủ. Sau phẫu thuật, hiện tại tình trạng bệnh nhân ổn định, hết đau bụng, hết sốt.
Theo y văn, thận lạc chỗ là một dạng dị tật bẩm sinh đường tiết niệu, do quá trình của thời kỳ bào thai bị rối loạn, thận không ở đúng vị trí khi sinh ra. Thận lạc chỗ là dị tật hiếm gặp (đặc biệt trong hố chậu), ước tính 1 ca/1.000 người. Việc phát hiện thường tình cờ hoặc chỉ khi có bệnh lý đi kèm…
Thận lạc chỗ thường được phát hiện khi đã gây ra biến chứng như: nhiễm trùng đường tiết niệu, tắc nghẽn đường tiết niệu, sỏi thận, trào ngược bàng quang niệu quản. Các triệu chứng hay gặp là đau bụng, sốt, tiểu máu, tiểu gắt buốt…
Theo các bác sĩ, thận lạc chỗ nếu chưa xảy ra biến chứng thì không cần phải điều trị, tuy nhiên nên tầm soát từ nhỏ để phát hiện và chủ động đối phó; vì chỉ cần một chấn thương vào vùng bụng cũng là nguy cơ đối với thận lạc chỗ (do thận không được bảo vệ bởi khung xương sườn như bình thường). Nếu thận lạc chỗ ở bé gái, việc này có thể ảnh hưởng việc mang thai về sau.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận