11/01/2013 07:30 GMT+7

Mong sớm có câu trả lời Thủ tướng

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)

TT - Câu hỏi nhẹ nhàng mà nhức nhối của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đăng trên Tuổi Trẻ ngày 9-1 đã khơi gợi nhiều phản hồi của bạn đọc với tâm trạng đồng cảm và mong chờ sự thay đổi từ câu hỏi này.

8hIQ2IVg.jpgPhóng to
Bữa cơm đạm bạc của các em học sinh trọ học tại khu bán trú dân nuôi Trường THCS Mường Lý, huyện vùng cao Mường Lát (Thanh Hóa)- Ảnh: Hà Đồng

Chúng tôi xin giới thiệu hai trong số các ý kiến đó.

Nhiều nghịch lý cần lý giải

Từ câu hỏi của Thủ tướng, bất kỳ ai chắc cũng cảm thấy tim mình se sắt, nhói đau. Bởi câu hỏi quá đúng, quá trúng với nhiều nghịch lý. Tôi mong rằng đã có câu hỏi của người đứng đầu Chính phủ, ắt phải có câu trả lời đầy đủ của người có trách nhiệm về những nghịch lý hiển hiện mà ai cũng thấy, nhưng chưa được lý giải thấu tình đạt lý: “Là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng nhiều trẻ vùng cao đang thiếu những bữa cơm no!”; “Có những nguyên do khách quan hay chủ quan nào khiến việc trao cho các em (trẻ vùng cao) miếng thịt cá, đơm cho các em bát cơm vẫn còn chậm trễ và nhọc nhằn đến thế!”.

Ai đã có dịp đến vùng cao biên giới phía Bắc càng thấu hiểu sự thiếu thốn, thiệt thòi mọi bề của trẻ em cùng đồng bào nơi đây. Đồng bào các dân tộc phía Bắc, nhất là vùng rẻo cao, có thể nói là những nơi còn nhiều khó khăn nhất so với cả nước. Như tỉnh Hà Giang với “3 không”: không đủ đất sản xuất, không đủ nước dùng, không đủ chất đốt cho sinh hoạt; lương thực chủ yếu là ngô được chế biến thành món mèn mén, là nguồn lương thực chủ lực nuôi sống con người nơi đây từ đời này sang đời khác. Từ thực tế đó, tôi xin gửi thêm một câu nhờ Thủ tướng hỏi: “Là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng sao đồng bào các vùng cao chưa đủ gạo làm cơm?!”.

Hiện nay cả nước có rất nhiều hoạt động tương trợ, nhân ái của các tổ chức, cá nhân có tấm lòng chia sẻ với đồng bào còn nhiều khó khăn nơi vùng cao tuyến đầu của Tổ quốc, nhưng không thể mang lại sự công bằng và chu đáo. Cần lắm những chính sách mang tầm vóc quốc gia nhưng phải được tổ chức thực hiện đồng bộ, thực chất và hết lòng vì dân.

Chưa quá muộn để chúng ta xây dựng và tổ chức thực hiện toàn diện, đồng bộ, kịp thời, có hiệu quả các chính sách an sinh xã hội dựa trên nền tảng sự công bằng giữa các vùng, miền theo hướng chính sách phải được ưu tiên đối với đồng bào ở những nơi gian khó nhất của đất nước. Chính sách đồng bào vùng cao, biên giới, hải đảo... đã có nhiều, như trăm hoa đua nở trên các lĩnh vực, nhưng xem ra hiệu lực, tính kịp thời, đồng bộ trong tổ chức thực hiện vẫn còn nhiều bất cập, khoảng cách.

Nhân “câu hỏi của Thủ tướng” và những đề nghị “xin Thủ tướng hỏi thêm”, chúng ta chờ đợi câu trả lời với một sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao, ít khẩu hiệu, nhiều thực hành của những người hoạch định chính sách, thực thi chính sách ở các cấp, các ngành; để tư tưởng của Bác Hồ, chủ trương của Đảng và mong đợi của nhân dân ta sớm thành hiện thực: Ai cũng có cơm ăn, ai cũng có áo mặc, ai cũng được học hành.

VÕ THỊ DUNG (đại biểu Quốc hội, phó chủ tịch thường trực Ủy ban MTTQ VN TP.HCM)

Ưu tiên đầu tư cho vùng cao

Câu hỏi của Thủ tướng, nhìn từ quan điểm phát triển, là hệ quả của sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền ở nước ta. Nhiều địa phương phát triển rất nhanh, trong khi một số địa phương khác lại chậm phát triển. Quá trình phát triển không đồng đều tạo nên sự bất bình đẳng về chất lượng cuộc sống, về phát triển con người giữa các vùng, miền.

Mức sống thấp, nhất là nghèo hoặc đói sẽ là rào cản lớp trẻ tiếp cận giáo dục. Cái vòng luẩn quẩn nghèo - thất học - nghèo sẽ có tác động liên thế hệ tạo nên “vòng kim cô” kiểm soát các nhóm yếu thế, đặc biệt là dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng cao, miền núi. Điều này dẫn đến hiện tượng “nghèo hóa” khu vực miền núi, vùng cao. Số liệu thống kê cho thấy trong mười tỉnh có tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước có tám tỉnh thuộc vùng trung du và miền núi phía Bắc, hai tỉnh thuộc vùng Tây nguyên.

Những năm qua, Đảng và Chính phủ đã có những chính sách xã hội nhằm hạn chế khoảng cách phân tầng, bất bình đẳng giữa các nhóm xã hội, vùng miền. Mặc dù vậy, cần nhận thấy rằng trong những nhóm nghèo, yếu thế còn có một bộ phận thường ỷ lại vào sự “bao cấp” của Nhà nước, đã không chịu khó lao động, làm ăn lại còn cờ bạc, rượu chè... Cộng thêm vào đó là quá trình thực hiện các chính sách xã hội còn có những lãng phí, thất thoát... nên đã hạn chế mức độ hiệu quả của các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội.

Để không còn cảnh “con cháu mình trong cảnh cháu mang mì, cháu mang ngô, cháu mang khoai đến lớp rồi phải lợp chòi nấu ăn”, cần thực hiện nhiều biện pháp một cách đồng bộ, đó là:

Thứ nhất, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia, địa phương cần thực hiện một cách hiệu quả, không lãng phí, thất thoát. Thực tiễn cho thấy sự thất thoát, lãng phí hoặc làm ăn không hiệu quả còn tổn thất nhiều hơn so với tham nhũng. Nếu chúng ta ngăn chặn được những tổn thất này thì thừa kinh phí xây dựng trường sở khang trang, trợ cấp cho các em bé miền núi, vùng cao đến trường học không thua kém các em ở thành phố.

Thứ hai, cần có chính sách ưu tiên đầu tư phát triển miền núi, vùng cao. Không chỉ là các chương trình xóa đói giảm nghèo mà cần có chính sách ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào những vùng khó khăn để phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học.

Thứ ba, việc xóa đói giảm nghèo và phát triển sẽ không thể bền vững nếu chỉ dựa vào “ngoại lực”. Nói cách khác, những chính sách xã hội, chương trình phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia chỉ là điều kiện cần chứ chưa đủ. Điều quan trọng là ở mỗi địa phương hoặc vùng miền cần xây dựng kế hoạch/chiến lược phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm kinh tế, văn hóa, địa lý của mình. Trong đó cần chú ý xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực cao tại địa phương, để người dân địa phương tự mình có thể xây dựng cuộc sống trên mảnh đất mà họ từng gắn bó. Muốn vậy, chính quyền các cấp ở mỗi địa phương không nên chỉ quan tâm đến phát triển kinh tế (cho dù đây là một lĩnh vực quan trọng), mà cần chú trọng đầu tư giáo dục, y tế, quan tâm đến phát triển con người và tạo điều kiện thuận lợi cho con người phát triển.

PGS.TS HOÀNG BÁ THỊNH (Trường đại học KHXH&NV, ĐHQG Hà Nội)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên