18/04/2016 06:51 GMT+7

Mong một lần được thấy phố xá

MAI THÀNH DŨNG
MAI THÀNH DŨNG

TTO - Gần đến tháng 5, thầy Nguyễn Quang Tuấn, phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi (xã A Tiêng, huyện Tây Giang, Quảng Nam), lại tất tả ngược xuôi để tổ chức chương trình “Đưa học sinh vùng biên xuống giao lưu học tập ở đồng bằng”.

Bữa ăn của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, Tây Giang - Ảnh: Mai Thành Dũng
Bữa ăn của học sinh Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, xã A Xan, Tây Giang - Ảnh: Mai Thành Dũng

Mọi chuyện bắt đầu từ tháng 5-2015, khi hai em học sinh của trường bị đau thận lên cơn đau nặng, thầy Tuấn - khi ấy còn là phó hiệu trưởng Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng (xã A Xan, Tây Giang) - chở hai em xuống Bệnh viện Đa khoa Quảng Nam chữa trị.

Trở về, hai em khoe mãi với thầy rằng mình đã thấy phố xá. Cầm lòng không được, hơn hai tháng trời vận động kinh phí từ bạn bè, các nhà hảo tâm, để trong ba ngày 11, 12 và 13-5-2015, thầy Tuấn đã tổ chức cho 26 em học sinh của trường vượt gần 200km tham quan các địa điểm du lịch, di tích và giao lưu với các trường học ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Với các em, một lần được đặt chân xuống phố, được ngắm nhìn xe cộ, được ngồi trên vòng đu quay... là mơ ước lớn lao với những học sinh Cơ Tu vùng biên.

Muốn uống nước biển xem mặn thế nào...

Trong chuyến đi này, tất cả đều là lần đầu tiên với các em học sinh Cơ Tu. Lần đầu, các em được tham quan Bảo tàng Hồ Chí Minh, được thấy những bộ áo quần cũ, khẩu súng của các chú bộ đội ngày xưa, được thấy mô hình nhà sàn Bác Hồ mà các em đã nhìn qua tranh ảnh.

Tham quan công viên 29-3, công viên Châu Á, khu du lịch Non Nước, lần đầu các em được ngồi trên vòng đu quay, được ăn những cây kem thơm ngọt.

Đến Quảng Nam, lần đầu các em được trải nghiệm lớp học dưới xuôi là ngồi dự giờ lớp học ở Trường THPT Nguyễn Duy Hiệu và Trường THPT Phan Châu Trinh; đến Hội An lần đầu thấy biển, em nào em nấy vục từng ngụm nước uống để xem biển mặn thế nào.

Thầy Tuấn bộc bạch: “Mình nghĩ món quà vật chất giải quyết khó khăn trước mắt. Qua chuyến đi này, các em nhận được một món quà tinh thần, được thấy những hình ảnh của quê hương mà trước đó chỉ được nhìn qua tranh ảnh, được mở rộng tầm mắt, từ đó tạo thêm động lực để các em vượt khó, học tập tốt”.

Học sinh được các anh chị nhân viên các khu di tích, các thầy cô giáo dưới xuôi làm hướng dẫn viên nhiệt tình - Ảnh: Mai Thành Dũng
Học sinh được các anh chị nhân viên các khu di tích, các thầy cô giáo dưới xuôi làm hướng dẫn viên nhiệt tình - Ảnh: Mai Thành Dũng

Ước mơ sẽ không xa

Sau thành công của chuyến đi, thầy Tuấn trăn trở tại sao không tổ chức chương trình này định kỳ hằng năm, như một phần thưởng khích lệ các em học tập. Nên năm nay, thầy Tuấn tiếp tục tổ chức đưa học sinh Cơ Tu xuống đồng bằng tham quan những địa điểm du lịch, di tích và giao lưu với các trường ở Đà Nẵng, Quảng Nam.

Khác với lần trước, lần này thầy Tuấn tổ chức cho 42 học sinh của ba trường vùng biên Tây Giang: Trường PTDT bán trú TH-THCS Ch’ơm, Trường PTDT bán trú THCS Lý Tự Trọng, Trường PTDT bán trú THCS Nguyễn Văn Trỗi. Tham gia chuyến đi không chỉ có học sinh giỏi mà cả những học sinh có gia cảnh khó khăn, mồ côi cha mẹ.

Đầu năm nay, thầy Tuấn đã thông báo kế hoạch với các trường. Thầy Nguyễn Đông Vũ, hiệu trưởng Trường PTDT bán trú TH-THCS Ch’ơm, bày tỏ: “Nghe thông tin về chuyến đi, học sinh trường mình rất háo hức. Trường mình nằm sát biên giới Việt - Lào, được xuống đồng bằng một lần là mong ước rất xa vời với các em”.

Như năm ngoái, ngoài tiền túi tự bỏ ra, thầy Tuấn còn đăng thông tin kêu gọi lên Facebook, vận động bạn bè, người thân. Năm ngoái thầy nhận được sự trợ giúp từ nhiều nhà hảo tâm, tổ chức thiện nguyện dưới xuôi. Năm nay, tổng kinh phí dự tính cho chuyến đi là gần 30 triệu đồng, thầy đã vận động được 5 triệu đồng.

MAI THÀNH DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên