Kỳ 1: Thực - hư mộng đại ngànKỳ 2: Những cuộc giải cứu ngoạn mụcKỳ 3: Săn kỳ nam ở... nước ngoài
Phóng to |
Cho và lấy
Ngồi trước hiên căn nhà ba tầng lộng lẫy trên đường Dũng Sĩ Thanh Khê (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng), Doãn Thanh Tài mới 28 tuổi, nước da sậm đen, không ngớt lời khi nhắc đến chuyện xưa với những tháng ngày “ngậm ngải tìm trầm” nơi rừng thiêng nước độc.
Trong bốn người từng trúng đậm kỳ nam thuộc hàng lớn nhất ở Đại Lộc vào năm 2005, hai anh em Doãn Thanh Tuấn và Doãn Thanh Tài là những người may mắn nhất. Sáu năm sau ngày lên đời, cơ ngơi còn lại của anh Tài là ngôi nhà và một ít vốn liếng nhưng mọi thứ cũng dần cạn kiệt bởi những cuộc đầu tư đầy phiêu lưu trong cơn ám ảnh của trầm, kỳ.
Ông Cao Văn Nhạc - chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa - lắc đầu khi nói đến ma lực của kỳ nam: “Thú thật với anh, bây giờ ở Nghĩa Tây mà có đám ma thì khổ nhất là tìm người khiêng”. Người trúng thì ít, người thua thì nhiều, người tán gia bại sản không ai biết, những cái chết đau lòng tận rừng xanh chẳng ai hay. Ông Nhạc đếm đầu ngón tay, gần hai năm qua trong xã có bốn người đi mà không thấy về, một người chết do sét đánh, người bị lũ cuốn mất hút giữa rừng già. Nếu như Đại Nghĩa với những vụ trúng kỳ nam dồn dập thì bên kia sông, làng Mỹ Hảo (xã Đại Phong) - khu làng đầu tiên tìm thấy và trúng đậm tiền tỉ kỳ nam - giờ này khá hiu hắt. Cụ Nguyễn Bường, 75 tuổi, chống gậy đứng bên đình làng nói khẽ: “Phúc hay họa không biết. Kẻ được thì ít, bỏ làng đi tứ tán đâu đâu. Nhưng cái hỏng lớn chính là lớp trẻ không chịu học hành mà cứ trông mau lớn để đủ sức lên núi tìm kỳ nam”. |
Rít hơi thuốc thật sâu, hàng lông mày nhíu lại dưới làn tóc phơ phất, anh Tài tiếc nuối: “Nếu lô hàng đó mà giá như bây giờ thì bán không dưới 1.000 tỉ đồng. Khi đó tôi trúng kỳ nam thực thụ, còn bây giờ người ta trúng tiền vì kỳ nam quá cao giá!”.
Anh Tài nhẩm tính, lúc đó “bầu” bốn người của anh trúng 100kg kỳ nam loại thượng hạng nhưng giá bán chỉ có 270 triệu đồng/kg. Bây giờ loại này giá không dưới ngưỡng 10 tỉ đồng/kg, quả là điều không tưởng tượng được.
Sau khi bán chia đều mỗi người được hơn 6 tỉ đồng, nhóm bốn người của anh dắt díu nhau rời làng Mỹ Hảo ra thành phố. Ba người ra TP Đà Nẵng mua đất lập nghiệp là hai anh em Tài, Tuấn và anh Giác. Người còn lại là Lợi tìm vào TP.HCM sinh sống.
“Tôi biết mọi thứ rồi sẽ hết, nên tranh thủ làm lại mồ mả cho dòng tộc, dựng lại nhà thờ, từ đường. Số tiền lớn đó tôi mua cho hai đứa em mỗi đứa một lô đất ở Đà Nẵng. Đưa tiền cho chị gái đầu tư một lô đất tại TP.HCM. Tôi xây căn nhà này và cưới vợ, sinh con” - anh Tài thổ lộ.
Sau ngày trúng đậm kỳ nam, tiền tỉ vào nhà, nhóm của anh Tài bỏ quê đi biệt 15 ngày. “Đi là để tránh mọi điều xui rủi. Cũng như người trúng vàng hời phải đi như vậy, nhưng mình đi ăn chơi là chủ yếu. Hết Đà Nẵng đến Nha Trang, từ Nha Trang lên Đà Lạt rồi vào Sài Gòn. Đi đến đâu các “tài kê” đều lo mọi thứ tận răng cho mình” - anh Tài bảo.
Tuy vậy, sau khi trúng lớn kỳ nam, những ám ảnh về núi rừng, trầm, kỳ vẫn còn đâu đó. Sống giữa thị thành với những tháng ngày nhàn hạ nhưng những người đàn ông này vẫn nhớ rừng khôn nguôi.
Và một cuộc đầu tư tái diễn về rừng với hình thức khác. “Tôi cùng mấy anh em bỏ ra mấy trăm triệu đồng sắm chuyến sang tận Campuchia để tìm trầm, kỳ. Qua bên đó thuê hẳn nhân công dẫn đường vào núi, ngoài việc trả lương, mỗi ngày mình “boa” cho họ 100.000 đồng. Tất cả đều vui vẻ! Hàng trăm tay “điệu” từ Việt Nam được đưa sang Campuchia lùng sục khắp các cánh rừng. Nhưng trời không cho, một năm làm ăn thất bại. Tiền đống ra đi...” - anh Tài nhớ lại.
Sau thất bại đó, anh chuyển sang mở xưởng cưa xẻ gỗ tại Đắk Lắk, nhưng rồi xưởng cưa giờ cũng sang lại cho người khác. Căn nhà ba tầng ở Đà Nẵng ban đầu mở bán cà phê nay cũng khép lại.
“Hiện tôi đang sống ly thân. Vợ và con trai 2 tuổi về sống bên ngoại” - anh Tài buồn bã. So với người cùng hội thì xem ra anh Tài vẫn còn may mắn hơn, bởi theo lời anh: “Lợi sau khi vào Sài Gòn mua đất làm nhà vì không rành nên bị lừa một vố khá đau. Nghe đâu cuộc sống của Lợi cũng khó khăn lắm” - anh Tài kể.
Gặp may, mấy người...
Hơn nửa tháng trôi qua nhưng nhóm trúng đậm kỳ nam bảy người đầu tháng 6-2011 vẫn còn biệt tích. Như bao nhiêu người trúng kỳ khác, những người dân trong làng Nghĩa Tây (Đại Nghĩa) không quá ngạc nhiên bởi sự ra đi này.
Ông Cao Văn Nhạc, chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa, tâm sự: “Dân làng trúng thì mình vui. Họ cũng làm nhiều điều có ích, chỉ mong sao cuộc sống họ được êm ái và đừng bất trắc gì là được”. Lo lắng của ông Nhạc không phải không có lý do. Bởi rất nhiều người sau khi trúng đậm kỳ nam đều bỏ quê đi tứ tán, đến ngày sa cơ lại quay về quê. L.N.D. ở làng Mỹ Hảo là trường hợp như vậy. Năm 2005 sau khi trúng kỳ nam bán được hơn 5 tỉ đồng, D. dắt díu vợ con ra phố mua nhà, rồi tiêu xài tứ tán.
Đầu năm 2011, khi chúng tôi tìm đến nhà D. ở Đại Lộc gặp cảnh vợ cùng ba con nhỏ nheo nhóc của D. đang ở trong một căn nhà tôn gần cánh đồng. Vợ D. bảo: “Nhà cửa ngoài phố vợ chồng em cho thuê nhưng không ai thuê. Năm người ngồi giữa phố không có việc làm, không bà con thân thuộc, mỗi tháng tốn gần chục triệu bạc, buồn quá nên vợ chồng đành quay về quê. Anh D. đi núi gần nửa tháng nay rồi”. Về quê, còn ít chút vốn, vợ chồng D. mua đất dựng lại căn nhà cách xa làng Mỹ Hảo gần 4km, cánh cửa khép hờ phủ bụi.
Ông Nguyễn Văn Cúc, nguyên chủ tịch UBND xã Đại Phong, nói như trách móc: “Năm 2005, cả làng nhốn nháo vụ trúng đậm kỳ nam hàng chục tỉ bạc, nhưng làng này được chi mô. Họ đi biệt rồi ngày hết tiền lại quay về”.
Còn chủ tịch UBND xã Đại Nghĩa có vẻ tự hào về những tấm lòng nghĩa hiệp của người trúng kỳ nam quê ông. Nhóm chín người trúng 34 tỉ đồng năm 2010 đều đóng góp làm đường sá, cầu cống và trường học.
“Gác kiếm” sau những ngày tất tả giữa rừng sâu, ngồi trước mái hiên nhà ở thị trấn Ái Nghĩa, ông Tuấn trông không còn sương gió như những ngày đầu chúng tôi bắt gặp. Ông tâm sự: “Thật ra đời người không dễ gì gặp may. Trúng kỳ còn khó và khổ hơn trúng số. Tôi trúng thì ai cũng biết nhưng trước đó những tháng ngày nếm mật nằm gai giữa đại ngàn chẳng ai hay. Thôi thì lộc trời cho cũng nên chia sẻ. Trúng thì vui nhưng tình cảm, làng quê, dòng họ mới là thứ lâu bền”.
Đón đọc số tới: Trở về từ biển cả Đó là những hành trình “mò kim đáy biển” của lực lượng hải quân để tìm kiếm hài cốt đồng đội giữa mênh mông biển cả, đưa các anh hùng liệt sĩ trở về quê hương bản quán trong niềm thương yêu, mong đợi của gia đình... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận