Học sinh Trường THCS - THPT Thái Bình, quận Tân Bình, TP.HCM ăn trưa “giãn cách” trong tuần đầu tiên đi học lại - Ảnh: L.T.H.
Sau một tuần, nhà trường và phụ huynh đang mong muốn như thế nào và đã rút ra được bài học kinh nghiệm gì?
"Trường chúng tôi có 97% học sinh lớp 12 đã đến trường học trực tiếp, chỉ còn 3% chưa đến trường vì các em còn kẹt ở tỉnh hoặc đang là F0. Tuần đầu tiên thí điểm dạy và học trực tiếp đã trôi qua khá ổn. Nếu thời gian tới, tình hình được như thế này thì rất lạc quan" - ThS Lê Thị Hồng Anh, phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, cho biết.
Sàng lọc kỹ
Nói về bài học kinh nghiệm khi mở cửa trường, ThS Hồng Anh chia sẻ: "Trường Võ Văn Kiệt thực hiện sàng lọc học sinh khi các em còn ở nhà. Tức là sáng mai đi học thì mỗi học sinh sẽ khai báo thông tin sức khỏe của mình trên Google form vào các buổi tối hôm trước.
Không chỉ có các triệu chứng sốt, ho, khó thở... mà học sinh cho biết mình cảm thấy mệt mỏi, đau đầu, nóng sốt, khó chịu thì giáo viên chủ nhiệm cũng sẽ khuyên các em nên ở nhà để nghỉ ngơi, theo dõi".
Ông Trịnh Vĩnh Thanh - phó trưởng Phòng GD-ĐT quận Gò Vấp - thông tin quận Gò Vấp có hơn 92% học sinh lớp 9 đã đến trường học trực tiếp. Tuần đầu tiên, quận có 3 học sinh là F0 nhưng đều phát hiện tại nhà.
Các trường đã xử lý sự việc theo đúng quy trình phòng chống dịch của ngành y tế. Trong đó, học sinh là F1 được xét nghiệm tầm soát, tất cả đều có kết quả âm tính nên các em vẫn đi học bình thường.
"Không chỉ giáo viên, học sinh mà phụ huynh cũng đã được các nhà trường tập huấn về cách phòng chống dịch trong nhà trường nên họ yên tâm, tiếp tục cho con em đi học. Tôi mong sang tuần thứ hai mọi việc cũng ổn được như tuần đầu thì khả năng các khối lớp còn lại sẽ được đến trường sau thời gian thí điểm" - ông Thanh nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, hầu hết lãnh đạo các trường THCS, THPT trên địa bàn TP đều thừa nhận khi mở cửa trường, việc học sinh, giáo viên bị nhiễm COVID-19 là điều không thể tránh khỏi. Nhưng nếu học sinh, giáo viên phát hiện mình là F0 khi đang ở nhà thì mọi việc sẽ nhẹ nhàng và đơn giản hơn rất nhiều so với việc phát hiện F0 đang ở trong trường học.
Dạy học trực tiếp chắc chắn không thể tránh khỏi trường hợp bị nhiễm COVID-19. Cái chính là thái độ ứng xử đúng đắn và văn minh khi phát hiện có F0 trong nhà trường. Trường chúng tôi xây dựng bộ công cụ nhận biết và ứng xử văn minh khi có dấu hiệu nghi nhiễm COVID-19 tại trường học. Trong đó, học sinh được hướng dẫn về những dấu hiệu nhận biết khi nhiễm COVID-19, những việc cần phải thực hiện, nhất là phải nghe thông tin chính thống từ nhà trường chứ không nghe tin đồn rồi lo lắng".
ThS LÊ THỊ HỒNG ANH (phó hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt, quận 8, TP.HCM)
Niềm vui được đi học
"Con tôi mới trở lại trường có mấy ngày mà tinh thần cháu phấn chấn hẳn lên. Cháu cười nhiều hơn, hào hứng kể chuyện trường, chuyện lớp trong bữa ăn gia đình khiến cả nhà tôi vui theo. Tôi mong học sinh tiếp tục được đi học trực tiếp, nếu chưa thể tổ chức bán trú thì dù học một buổi/ngày cũng có ý nghĩa rất lớn, nhất là giải tỏa tâm lý cho các cháu" - bà Vũ Thị Huệ, phụ huynh có con học lớp 9 ở Trường THCS Ngô Sĩ Liên, quận Tân Bình, chia sẻ.
Không những thế, nhiều phụ huynh còn mong học sinh các khối lớp nhỏ cũng được đến trường.
"Con lớn của tôi học lớp 12 thì đã được đi học, còn con nhỏ đang học lớp 7 vẫn phải học trực tuyến. Tội nghiệp lắm, ngày nào cháu cũng đọc báo mạng xem có thông tin cho học sinh lớp 7 đến trường hay không. Con nói con muốn được đi học như anh hai chứ ở nhà học online thấy chán và bức bối lắm" - bà Nguyễn Thu Vân, phụ huynh ở quận Phú Nhuận, kể.
Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay hầu hết các trường THCS, THPT công lập trên địa bàn TP mới tổ chức dạy trực tiếp một buổi/ngày ở một số môn có liên quan đến kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và thi tốt nghiệp THPT. Số môn học còn lại học sinh vẫn học trực tuyến.
Tuy nhiên, do nhu cầu của phụ huynh muốn gửi con học bán trú để yên tâm đi làm nên hiện đã có Trường THCS Nguyễn Du và Trường THCS Quang Trung (quận Gò Vấp) thí điểm nhận học sinh bán trú.
Riêng khối các trường phổ thông tư thục thì đa số đã nhận học sinh nội trú và bán trú để đáp ứng yêu cầu của phụ huynh.
Tăng cường truyền thông
Qua một tuần TP thí điểm cho học sinh khối lớp 9, 12 trở lại trường học, Sở GD-ĐT nhận thấy phần lớn các đơn vị đã tổ chức dạy và học hiệu quả, đảm bảo các quy định về phòng chống dịch.
Sở GD-ĐT TP yêu cầu các nhà trường tiếp tục tăng cường công tác truyền thông: truyền thông với đội ngũ để thầy cô nắm bắt được các hoạt động cụ thể trong phòng chống dịch; truyền thông với phụ huynh để họ có sự phối hợp tốt với nhà trường và địa phương khi học sinh đến trường học trực tiếp; truyền thông với học sinh để các em có kiến thức và ý thức phòng chống dịch.
(Trích phát biểu của ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM -
tại cuộc họp ngày 17-12 với các đơn vị giáo dục trên địa bàn TP
sau một tuần thí điểm cho học sinh khối lớp 9, 12 đến trường)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận