31/03/2022 05:15 GMT+7

Mỗi quận vài F0 cách ly, có cần duy trì mỗi quận 1 cơ sở cách ly theo quy định?

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU

TTO - Hiện số ca mắc COVID-19 cần cách ly, điều trị ở khu cách ly tập trung trên cả nước rất thấp. Nhưng theo kịch bản mỗi quận, huyện ở TP.HCM và Hà Nội vẫn phải tiếp tục duy trì một cơ sở cách ly. Việc này có còn cần thiết?

Mỗi quận vài F0 cách ly, có cần duy trì mỗi quận 1 cơ sở cách ly theo quy định? - Ảnh 1.

Điểm cách ly tập trung người bệnh COVID-19 của Bệnh viện Đa khoa Đống Đa (Hà Nội). Ảnh chụp tháng 12-2021 - Ảnh: NAM TRẦN

Theo thống kê của Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện cả nước có gần 860.000 bệnh nhân mắc COVID-19 đang cách ly tại nhà, hơn 2.400 bệnh nhân đang điều trị, cách ly tại cơ sở cách ly.

Mỗi địa phương chưa đầy 200 ca ở các khu cách ly

Cũng theo cục này, tính đến ngày 29-3, Hà Nội ghi nhận thêm trên 8.990 ca bệnh COVID-19 mới trong vòng 24 giờ, tổng số ca mắc cộng dồn là trên 891.840 ca.

Hiện địa phương này đang có 212.850 ca cần theo dõi và điều trị, trong đó gần 1.500 ca điều trị tại bệnh viện, hơn 211.000 ca theo dõi, điều trị tại nhà và chỉ có 192 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly tập trung.

Số bệnh nhân chuyển độ tại cơ sở thu dung trong ngày là 0 ca. Như vậy, số ca F0 điều trị, cách ly tập trung chỉ chiếm 0,09% số ca đang theo dõi và điều trị tại Hà Nội.

Còn tại TP.HCM hiện đang theo dõi, điều trị 52.434 ca mắc COVID-19. Trong đó 48.958 ca đang theo dõi, điều trị tại nhà; 146 ca đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly; 3.330 ca đang điều trị tại 77 bệnh viện. Tỉ lệ số ca F0 đang theo dõi, điều trị tại khu cách ly trên tổng số ca đang theo dõi và điều trị là 0,28%.

Một lãnh đạo Trung tâm y tế quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết cơ sở thu dung tại Đại học Thủy Lợi đã trả về trường để sinh viên học tập. Cơ sở thu dung tại khu Đền Lừ đang trong quá trình tiếp nhận bàn giao, chưa đưa vào sử dụng.

Hiện những trường hợp là F0 điều trị tập trung đang "gửi" tại cơ sở Đền Lừ là của Bệnh viện Đống Đa.

Vị này cho hay: "Hiện nay, theo ý kiến chỉ đạo của TP, các quận duy trì ít nhất 1 cơ sở thu dung điều trị, tiếp nhận ca nhiễm COVID-19. Tuy nhiên, hiện nay số ca thu dung rất ít, từ Tết Nguyên đán đến nay có khoảng 20 F0 được thu dung điều trị tại cơ sở chúng tôi quản lý.

Quận Đống Đa vẫn đang nghiên cứu để thiết lập 1 cơ sở tiếp nhận thu dung như yêu cầu của TP. Khi có cơ sở chúng tôi sẽ đưa cán bộ y tế vào để túc trực, tiếp nhận người bệnh. Chủ yếu vẫn phải duy trì để dự phòng khi trường hợp dịch bùng phát trở lại sẽ kịp thời xử lý".

Bác sĩ Lâm Phước Trí - trạm trưởng Trạm y tế phường Tân Quý, quận Tân Phú (TP.HCM) - cho biết hiện cơ sở cách ly tập trung của quận đang cách ly khoảng 30 bệnh nhân COVID-19 không đủ điều kiện cách ly tại nhà, người thuộc nhóm nguy cơ... Dù số lượng ít nhưng quận vẫn phải duy trì khu cách ly này theo chỉ đạo của TP.

"Địa phương luôn trong tâm thế sẵn sàng và phải dự trù những tình huống dịch chuyển biến xấu. Bên cạnh đó, trong tiêu chí đánh giá cấp độ dịch cũng dựa vào khả năng quản lý, theo dõi F0 tại cơ sở cách ly, số ca mắc mới và tỉ lệ tiêm chủng. Vì thế, hiện nay chưa thể giải thể khu cách ly tập trung", bác sĩ Trí nói.

Nằm trong kịch bản, chủ động ứng phó dịch tăng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chánh văn phòng Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Thị Huỳnh Mai cho biết việc duy trì các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly là một trong những chiến lược của ngành y tế TP để đáp ứng các kịch bản khi có sự cố dịch không mong muốn xảy ra như số ca nhiễm, bệnh nặng, tử vong vì COVID-19 gia tăng.

Theo bà Mai, hiện phần lớn F0 được cách ly, điều trị tại nhà, và chỉ có số ít cách ly, điều trị ở các cơ sở thu dung, bệnh viện dã chiến. Kết quả này có được là do độ bao phủ vắc xin hiện đã cao, cùng với việc chăm sóc bệnh nhân COVID-19 tại nhà đã tốt hơn so với giai đoạn trước.

Trước thực tế số F0 cách ly tại các bệnh viện dã chiến ở TP.HCM ít, Tuổi Trẻ đặt vấn đề có thể gây tốn kém nhân lực và cơ sở vật chất, bà Mai cho hay công tác chống dịch của TP vẫn dựa trên tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả theo nghị quyết 128 của Chính phủ.

Hiện mỗi bệnh viện dã chiến của các quận, huyện có 2 - 3 nhân viên y tế và quản lý, chăm sóc cho khoảng vài chục bệnh nhân COVID-19. Số lượng nhân viên y tế này linh động và phù hợp với số lượng bệnh nhân. Trong trường hợp không có bệnh nhân, họ sẽ trở về đơn vị công tác ban đầu để tiếp tục làm việc.

Bà Mai cho rằng thời gian tới, nếu kết quả đánh giá dịch COVID-19 của các phường, xã đều thuộc vùng xanh thì UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức có thể đề xuất Ban chỉ đạo phòng chống dịch TP, ngành y tế giải thể khu cách ly tập trung.

"Mỗi lần dịch tăng là ngành y tế như "nín thở". Nếu ca bệnh tăng nhiều nhưng họ không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì phải đưa đến cơ sở cách ly tập trung, để phòng cho những người còn lại, đặc biệt là người thuộc nhóm nguy cơ.

Trước đây tình hình dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp thì cần duy trì bệnh viện dã chiến tại các địa phương trong một thời gian để đánh giá lại, sau đó xin ý kiến TP", bà Mai chia sẻ.

Còn tại quận Hoàn Kiếm (Hà Nội), một lãnh đạo trung tâm y tế quận cho biết hiện vẫn duy trì 1 cơ sở thu dung. "Tại cơ sở luôn có 4 cán bộ y bác sĩ túc trực, cùng với lực lượng dân phòng, thanh niên tình nguyện. Hiện cơ sở tiếp nhận khoảng hơn 20 ca nhiễm COVID-19", vị này cho hay.

Không nhất thiết quận nào cũng phải có cơ sở thu dung

Chia sẻ về việc cơ sở thu dung vẫn hoạt động trong khi chương trình phòng chống dịch COVID-19 đã thay đổi chuyển từ kiểm soát số ca mắc sang kiểm soát số ca nhập viện do COVID-19, một lãnh đạo Trung tâm y tế quận Hoàn Kiếm bày tỏ: "Tôi nghĩ việc duy trì các cơ sở thu dung là cần thiết, tuy nhiên việc duy trì như thế nào thì cần xem xét để phù hợp với công tác phòng chống dịch hiện nay".

Để dự phòng tình huống dịch bùng phát lại, theo vị này, TP có thể duy trì các khu cách ly tập trung lớn như trước, khi dịch mới bắt đầu xuất hiện chứ không nhất thiết quận, huyện nào cũng cần có cơ sở thu dung.

Thực tế, các ca F0 thu dung gần như không chuyển viện do đã tiêm đủ vắc xin và triệu chứng nhẹ. TP nên giao cho địa phương tự quyết định việc có cần duy trì thu dung hay không hay kích hoạt thu dung vào lúc nào.

Trong khi đó, một chuyên gia trong Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng không nhất thiết phải mỗi quận, huyện phải có bệnh viện dã chiến.

Theo kế hoạch của TP, các bệnh viện cũng có khoa và đơn vị điều trị COVID-19 thì người F0 không đủ điều kiện cách ly tại nhà có thể vào đây. Vị này còn lưu ý cần bảo vệ nhóm người có nguy cơ cao và chú tâm điều trị bệnh nền song song với COVID-19 vì đây là nguyên nhân khiến bệnh nhân dễ trở nặng.

TP.HCM cảnh báo giả mạo nhân viên HCDC đòi đưa người đi cách ly y tế TP.HCM cảnh báo giả mạo nhân viên HCDC đòi đưa người đi cách ly y tế

TTO - Dù tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM đã "hạ nhiệt" nhưng vẫn có tình trạng giả mạo nhân viên của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP (HCDC) yêu cầu người dân cung cấp thông tin để được đưa đi cách ly.

XUÂN MAI - DƯƠNG LIỄU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên