19/01/2013 07:22 GMT+7

Mỗi nơi giải quyết mỗi kiểu

D.NGỌC HÀ
D.NGỌC HÀ

TT - Hiện nhiều người dân được có đất nông nghiệp trồng cây hằng năm (thời hạn giao đất 20 năm, theo Luật đất đai 1993) nay thời hạn giao đất ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hết.

NIv6oVy3.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Hồng Vân bức xúc vì có nhà, có đất nhưng không thể thế chấp vay tiền làm ăn do đất hết hạn sử dụng - Ảnh: Ngọc Hà

Giải quyết vấn đề này mỗi nơi làm mỗi kiểu. Trong khi Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM đang chờ Bộ Tài nguyên - môi trường hướng dẫn thì tại một số địa phương như Tiền Giang, An Giang đã gia hạn và cấp giấy mới cho dân.

Ngưng mọi giao dịch

Bà Nguyễn Thị Hồng Vân (tổ 5, ấp Thượng, xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM) được cha mẹ cho một phần đất nông nghiệp năm 2003, có thời hạn sử dụng đất ghi trên giấy là năm 2012. Gia đình bà Vân kinh doanh nên thường thế chấp giấy đỏ, vay vốn ngân hàng (NH). Khi đến kỳ đáo hạn đầu năm 2012, bà Vân gom vốn trả nợ NH với dự tính trả xong sẽ vay lại ngay để tiếp tục kinh doanh. Đùng một cái, NH từ chối cho vay lại vì giấy đỏ hết thời hạn sử dụng đất, khiến việc kinh doanh của bà Vân khó khăn. “Tôi đã gõ cửa khoảng 15 NH ở huyện Củ Chi, nhưng phần lớn không chịu nhận thế chấp vì hết thời hạn sử dụng đất. Có NH đồng ý cho vay nhưng với điều kiện chỉ chuyển khoản tiền vay cho đối tác kinh doanh chứ không chi tiền mặt cho tôi. Hết đường xoay xở, tôi phải bán chiếc xe tải nhẹ để có vốn nhập hàng” - bà Vân nói.

Gia đình ông T. (ấp Trung, xã Tân Thông Hội) thuộc diện khó khăn, vợ ông bị bệnh hiểm nghèo nên được UBND huyện Củ Chi xét cho tách thửa đất nông nghiệp để bán đất lấy tiền chữa bệnh. Người mua đất đã đặc cọc, hẹn đến khi tách thửa xong sẽ công chứng hợp đồng. Ngày 3-1-2013, ông T. được tách thửa đất nhưng trên giấy đỏ lại ghi thời hạn sử dụng đất là năm 2012. Văn phòng công chứng không công chứng hợp đồng chuyển nhượng vì đã hết thời hạn sử dụng đất. Cuối cùng, người bán phải lách bằng cách ủy quyền cho người mua quản lý, sử dụng diện tích đất mà hai bên đã thỏa thuận mua bán để người mua trả hết số tiền còn lại.

Một người dân khác ở xã Tân Thông Hội mua đất, công chứng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vào cuối năm 2012. Sau khi làm xong các thủ tục thuế, phí ở Chi cục Thuế nhưng Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện từ chối đăng bộ, sang tên cho người mua bởi đã hết thời hạn sử dụng đất. Tình trạng đất hết hạn sử dụng tương tự cũng diễn ra với nhiều hộ dân khác ở xã Thái Mỹ (huyện Củ Chi), huyện Cần Giờ.

Chờ hướng dẫn

Ông Võ Văn An, giám đốc Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất huyện Củ Chi, cho biết văn phòng sẽ không đăng bộ cho những trường hợp giấy đỏ hết thời hạn sử dụng đất. “Cho dù hợp đồng đã công chứng mua bán thì chúng tôi cũng không đăng bộ, vì giấy đỏ đã hết thời hạn sử dụng, đăng bộ như vậy là sai quy định” - ông An khẳng định. Còn một lãnh đạo NH Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Củ Chi nói: “Nếu Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đồng ý đăng bộ, phòng công chứng công chứng hợp đồng thế chấp cho những trường hợp giấy đỏ đã hết thời hạn sử dụng đất thì NH mới nhận thế chấp và cho dân vay tiền”.

Lãnh đạo Phòng tài nguyên - môi trường huyện Củ Chi cho biết theo quy định của Luật đất đai, khi hết thời hạn sử dụng đất thì người dân vẫn được tiếp tục sử dụng nếu như người sử dụng đất phù hợp quy hoạch, không vi phạm và bị Nhà nước thu hồi đất. Tuy nhiên, phải có thủ tục gia hạn trên giấy đỏ thì người dân mới thực hiện được các giao dịch. Nhưng các quy định hiện hành không hướng dẫn thủ tục, hình thức gia hạn nên phòng không biết làm sao. UBND huyện đã đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường TP hướng dẫn hai lần nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi.

Ngoài các trường hợp sử dụng đất từ năm 1992 đến nay đã hết hạn, nhiều người dân khác tại TP.HCM sử dụng đất từ năm 1993 và sẽ hết hạn vào ngày 15-10-2013 trở đi cũng đang lo lắng sẽ gặp khó khăn nếu đến thời điểm trên không được gia hạn sử dụng đất. Vừa qua, UBND các huyện Nhà Bè và Bình Chánh cũng đã đề nghị Sở Tài nguyên - môi trường TP hướng dẫn thủ tục gia hạn thời hạn sử dụng đất cho người dân nhưng hiện vẫn chưa nhận được trả lời của sở.

Một lãnh đạo Sở Tài nguyên - môi trường TP nói sở đã có công văn đề nghị Bộ Tài nguyên - môi trường hướng dẫn nội dung thắc mắc của các huyện nhưng đến nay vẫn chưa nhận được văn bản hướng dẫn của bộ. Trong khi đó, theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai Bộ Tài nguyên - môi trường, Luật đất đai năm 2003 quy định: khi hết thời hạn sử dụng đất, người dân được tiếp tục sử dụng đất, Nhà nước sẽ không thu hồi và chia lại ruộng đất. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũ (giấy đỏ) đương nhiên có giá trị cho đến khi Luật đất đai (hiện đang lấy ý kiến để sửa đổi) có hiệu lực. Người dân không bị hạn chế bất kỳ một quyền lợi nào khi giao dịch.

Cũng theo lãnh đạo Tổng cục Quản lý đất đai, hiện Bộ Tài nguyên - môi trường chưa nhận được phản ánh từ các địa phương về việc người dân bị hạn chế các quyền sử dụng đất do hết thời hạn sử dụng. Tổng cục sẽ đề xuất Bộ Tài nguyên - môi trường và các bộ liên quan ban hành văn bản liên tịch hướng dẫn các NH, phòng công chứng... về hiệu lực của giấy đỏ hết thời hạn giao đất lần đầu như trên để tạo thuận lợi cho người dân khi giao dịch.

Tiền Giang: người dân có nhu cầu sẽ được gia hạn

Khác với TP.HCM, ông Đào Văn Hải, phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh Tiền Giang, cho biết xung quanh chuyện thời hạn sử dụng đất nông nghiệp đã hết hạn sử dụng trong năm nay, Bộ Tài nguyên - môi trường đã có hướng dẫn gia hạn thêm phân nửa thời gian đối với những giấy đỏ hết hạn. Theo đó, đất trồng cây hằng năm (đất lúa...) sẽ gia hạn thêm 10 năm, còn đất trồng cây lâu năm gia hạn thêm 25 năm. Từ hướng dẫn này, các văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất tại các huyện, thành phố, thị xã sẽ tiếp nhận hồ sơ và cấp giấy đỏ mới theo yêu cầu của người dân.

Còn đối với những giấy đỏ của dân đang thế chấp ở ngân hàng hết hạn thì Sở Tài nguyên - môi trường tỉnh sẽ làm việc “tay ba” với ngân hàng và người dân để lập thủ tục cấp đổi giấy đỏ cho dân. Người dân chỉ cần có mặt ký tên, ngân hàng sẽ cung cấp danh sách, hồ sơ để ngành tài nguyên - môi trường in giấy đỏ mới có ghi thời hạn được gia hạn, sau đó sẽ giao trả lại cho ngân hàng.

Ông Võ Thanh Nhã, giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Tiền Giang, nói hiện ngân hàng và ngành tài nguyên - môi trường đang phối hợp rất nhịp nhàng trong việc cấp đổi giấy đỏ mới sau khi đo đạc lại diện tích thửa đất bằng máy và tách mỗi thửa đất/giấy đỏ cho dân.

“Đối với giấy đỏ cũ hết hạn nằm ở ngân hàng mà người dân muốn vay thêm tiền ngay lúc này thì sao?”. Ông Nhã cho biết theo quy định của pháp luật thì giấy đỏ dù hết hạn vẫn có giá trị nên ngân hàng sẽ tạo điều kiện cho người dân vay vốn bổ sung bằng tài sản thế chấp thể hiện trên giấy đỏ đó. Khi nào ngành tài nguyên - môi trường tiến hành gia hạn thì sẽ mời người dân đến ký hồ sơ.

Ông Lư Sanh Liêm, trưởng Phòng tài nguyên - môi trường TP Mỹ Tho, cho biết chủ trương tiếp tục công nhận giấy đỏ hết hạn đã được các cơ quan chức năng nắm rõ. Trường hợp người dân đi công chứng để vay vốn, giao dịch mà các phòng công chứng không giải quyết (đối với giấy sắp hết hạn) thì liên hệ với Phòng tài nguyên - môi trường, cơ quan này sẽ cung cấp văn bản của cơ quan thẩm quyền về vấn đề này để phòng công chứng làm cơ sở giải quyết hồ sơ. V.TR.

An Giang: căn cứ Luật đất đai năm 2003 để gia hạn cho dân

Ông Trần Đặng Đức, giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường An Giang, cho biết đối với những trường hợp hạn sử dụng đất nông nghiệp ghi trên giấy đỏ đã hết thì người dân đến phòng tài nguyên - môi trường, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất ở các huyện, thị xã làm thủ tục để cấp lại giấy đỏ. Nếu không phát hiện gì bất thường, hộ được giao đất vẫn quản lý, sử dụng bình thường thì UBND các huyện thị sẽ cấp giấy đỏ mới. “Luật đất đai năm 2003 đã quy định rõ trường hợp được giao đất có quá trình quản lý sử dụng hiệu quả, không vi phạm pháp luật thì khi hết thời hạn giao đất sẽ được tiếp tục giao đất để quản lý sử dụng tiếp. Chúng tôi căn cứ vào đó mà thực hiện, chứ không phải chờ hướng dẫn” - ông Đức giải thích thêm.

Đ.VỊNH

__________________

Ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường:

Các địa phương nêu lý do chờ hướng dẫn là không phù hợp

Trao đổi với Tuổi Trẻ tối 18-1, ông Nguyễn Mạnh Hiển, thứ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường (TN-MT), khẳng định các địa phương nêu lý do chưa có hướng dẫn để không gia hạn quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các hộ dân là không phù hợp với quy định tại điều 67, Luật đất đai 2003 là “khi hết thời hạn, người sử dụng đất được Nhà nước tiếp tục giao đất, cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng”. Đối với những trường hợp người dân gặp khó khăn trong giao dịch với ngân hàng, ông Hiển cho biết tới đây Bộ TN-MT sẽ có văn bản đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục thực hiện việc giao dịch, nhận thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp đối với những giấy chứng nhận sắp hết hạn vào thời điểm 15-10-2013.

Theo ông Hiển, ngày 2-3-2012, Bộ TN-MT đã có văn bản kiến nghị Chính phủ nêu rõ: Thứ nhất, về việc tiếp tục sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối thường trú tại địa phương đang sử dụng đất nông nghiệp có nguồn gốc đất do Nhà nước giao, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được điều chỉnh thời hạn sử dụng đất đến năm 2033 (thêm 20 năm nữa). Người sử dụng đất không phải làm thủ tục để được tiếp tục sử dụng đất mà áp dụng thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất trên giấy chứng nhận đã cấp (trang 4). Khi người sử dụng đất có nhu cầu thực hiện các quyền của người sử dụng đất (thế chấp, chuyển nhượng...) thì đến văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện để làm thủ tục điều chỉnh thời hạn trên giấy chứng nhận.

Thứ hai, về gia hạn sử dụng đất đối với hộ gia đình, cá nhân không thường trú tại địa phương sử dụng đất có nguồn gốc là đất nông nghiệp khó giao, khó chia, đất trống, đồi núi trọc, đất bãi bồi ven sông, ven biển, đất có mặt nước... được các địa phương cho đấu thầu, giao, cho thuê có thời hạn đến nay đã hết thời hạn, nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng thì được gia hạn sử dụng. Người sử dụng đất phải làm thủ tục để được gia hạn sử dụng đất.

Theo lãnh đạo Bộ TN-MT, với quan điểm rõ ràng như vậy, ngay từ tháng 3-2012 Bộ TN-MT đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến để các cấp, ban ngành của địa phương và người dân hiểu rõ pháp luật đất đai về tiếp tục sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất quy định tại điều 67 của Luật đất đai năm 2003 và điều 34 nghị định số 181/2004 của Chính phủ về thi hành Luật đất đai. Đồng thời kiến nghị Chính phủ giao Bộ Tư pháp chỉ đạo, hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng thực hiện các giao dịch về đất nông nghiệp; giao Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo, hướng dẫn các ngân hàng thương mại về việc nhận thế chấp quyền sử dụng đất nông nghiệp có nguồn gốc do Nhà nước giao đất với thời hạn 20 năm.

D.NGỌC HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên