08/12/2016 09:25 GMT+7

Mỗi ngày, ngày trên Trái Đất dài thêm... 1,8 mili giây

DUY LINH
DUY LINH

TTO – Đó là kết luận của một nhóm các nhà khoa học người Anh trong công trình nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Hội khoa học hoàng gia Anh ngày 7-12.

Bình minh tại thành phố Dubai, Các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất (UAE) - Ảnh: AFP

Đây hẳn là tin vui của nhiều người có quá nhiều việc trong ngày bởi thay vì có 1.440 phút mỗi ngày, họ sẽ có thêm hẳn…1 phút để làm thêm vài việc gì đó. Nhưng đó là câu chuyện sau…3,3 triệu năm nữa.

Leslie Morrison – một nhà thiên văn học, đồng chủ nhiệm nhóm nghiên cứu cho biết quá trình này diễn ra rất chậm đến mức hầu như không ai cảm nhận được thời gian đang ngày càng bị kéo dài ra thực sự.

Theo nhóm nghiên cứu, tính trong 27 thế kỷ gần đây nhất, trung bình mỗi thế kỷ, một ngày trên Trái Đất đã dài ra thêm 1,8 mili giây. Tính ra như vậy là “còn chậm” theo ông Morrison bởi trước đó, tốc độ này là 2,3 mili giây/ngày, nghĩa là chỉ mất 2,6 triệu năm để mỗi ngày có thêm 1 phút.

“Những ước tính này là gần đúng bởi các hiện tượng địa vật lý vận hành theo trục quay của Trái Đất không phải là bất biến trong một thời gian dài”, ông Morrison nói.

Trong nghiên cứu mới, cơ sở lý thuyết được nhóm của Morrison sử dụng là các thuyết hấp dẫn về chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời và Mặt Trăng quanh Trái Đất.

Trên cơ sở đó, nhóm sẽ tính toán thời gian xảy ra nhật thực và nguyệt thực có thể quan sát được từ Trái Đất. Nhóm các nhà nghiên cứu sau đó tiếp tục tính toán xem những hiện tượng đó có thể quan sát được từ địa điểm nào trên Trái Đất, từ đó so sánh với những quan sát về hiện tượng thiên thực đã được ghi chép lại trong các sách cổ của Babylon, Trung Quốc, Hy Lạp, Ả rập và thời châu Âu trung cổ.

Nguồn tư liệu cổ này đến từ các nhà sử học và những dịch giả cổ văn chuyên nghiệp, Morrison cho biết.

Kết quả, họ tìm thấy được sự khác biệt giữa nơi mà theo tính toán của họ, là có thể quan sát được thiên thực và nơi trên thực tế hiện tượng này đã được nhìn thấy trong lịch sử.

Nhà thiên văn học Morrison nhấn mạnh: “Sự khác biệt này chính là thước đó cho thấy quá trình tự quay quanh trục của Trái Đất đã biến đổi như thế nào kể từ năm 720 TCN”

DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên