16/03/2021 06:50 GMT+7

Mới 2, 3 tuổi đã 'chạy sô' học tiếng Anh

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - Sau buổi tan trường mầm non, nhiều phụ huynh lại đưa con đến trung tâm tiếng Anh để học. Nhiều em bắt đầu "sự nghiệp tiếng Anh" của mình khi mới 2, 3 tuổi.

Mới 2, 3 tuổi đã chạy sô học tiếng Anh - Ảnh 1.

Chuyên gia cho rằng tiếng Anh rất quan trọng nhưng phụ huynh không nên quá sốt ruột sẽ ảnh hưởng đến phát triển ngôn ngữ và ngoại ngữ của con.

"Đầu tư càng sớm càng tốt"

Chị L.T.Minh (con 3 tuổi, đang học mầm non ở Q.Phú Nhuận, TP.HCM) đều đặn cuối tuần đưa con đến trung tâm tiếng Anh thiếu nhi tại Q.Gò Vấp. Chị nói: "Sáng thứ bảy, chủ nhật tôi "xách" con tới trung tâm tiếng Anh để giáo viên nước ngoài dạy. Ở đó có nhiều em bằng lứa tuổi con mình, thậm chí nhỏ hơn học rất đông. Mỗi buổi 1 tiếng học phí 2,8 triệu đồng/tháng. Con thích tới lớp là một chuyện, quan trọng hơn là tâm lý vợ chồng tôi muốn đầu tư cho con học càng sớm càng tốt!".

Mặc dù ở trường đã học tiếng Anh 3 buổi/tuần, nhưng chị N.Hương (Q.1, TP.HCM) cũng cho con đến trung tâm. "Từ 2 tuổi con tôi đã học lớp tiếng Anh với giáo viên bản địa ở trung tâm. Học phí một khóa ba tháng là 7,5 triệu đồng. Cũng không rẻ nhưng gia đình thống nhất sẽ đầu tư dài hạn cho con" - chị N.Hương chia sẻ.

Trước một trung tâm tiếng Anh thiếu nhi cho trẻ từ 3-14 tuổi ở Q.1 (TP.HCM) khoảng 17h30 rất đông phụ huynh đưa con độ tuổi mầm non đến học. Trong vai phụ huynh có con 5 tuổi tìm lớp tiếng Anh cho con, chúng tôi đến trung tâm này để tìm hiểu. Tại đây, chúng tôi được tư vấn và "tiền trạm" các lớp học. "Con 5 tuổi là học hơi muộn rồi. Ở đây có bé 2 tuổi những đã học cấp độ 2, tức là vượt lớp vỡ lòng rồi.

Con sẽ học từ nghe, nói, đọc, viết... cứ lên dần theo từng cấp độ. Giáo viên hoàn toàn là người nước ngoài, mức học phí 8 giờ/tháng là 2,5 triệu đồng với cấp độ thấp nhất; tăng lên dần sẽ là 12 giờ/tháng với mức 3,7 triệu đồng..." - nhân viên tư vấn cho biết. Lớp học có sáu học sinh, em nhỏ nhất 2 tuổi đang học cùng cô giáo là người Philippines trong căn phòng khoảng 15m2. Xung quanh là hình ảnh đồ vật, màu sắc với từ vựng. Có em tập trung học, có em chạy đùa chơi quanh lớp.

Cô Nguyễn Thị Phương Thảo, giáo viên tiếng Anh một trường mầm non ở quận trung tâm của TP.HCM, chia sẻ rằng đa số trẻ mầm non tiếp cận tiếng Anh ở trường dưới hoạt động vui chơi là chủ yếu. "Tôi có gặp vài trường hợp các con 2-3 tuổi đã đi học tiếng Anh ở trung tâm. Có phụ huynh muốn đầu tư sớm cho bằng bạn bè, có người muốn xây "nền" cho mục tiêu xa là con đi du học..." - cô Thảo nói.

Độ tuổi nào thì phù hợp?

Một chuyên viên tiếng Anh của Phòng GD-ĐT Q.1, TP.HCM phân tích: "Hiện trên thế giới vẫn tranh cãi giai đoạn vàng học tiếng Anh tốt cho trẻ. Có ý kiến cho rằng trẻ mầm non 3-4 tuổi học song ngữ sẽ thông minh, hấp thụ tốt hơn. Ngược lại học song ngữ sớm trẻ gặp khó khăn tiếng mẹ đẻ để diễn đạt gây nhiễu loạn ngôn ngữ. Đó là chưa kể nguy cơ học không đúng giáo viên có nền tảng sẽ để lại hậu quả lâu dài, phương pháp hiệu ứng tâm lý không tốt. 

Theo tôi, khuynh hướng nào đi nữa cũng cần học tiếng Việt, tiếng mẹ đẻ trước vì tiếng Anh là học cả đời. Trẻ 3-4 tuổi chưa học thì lên 6 tuổi học liên tục, học đúng thầy tốt rất hiệu quả. Phụ huynh không nên nóng vội thúc ép con và mạo hiểm, đánh đổi giai đoạn vàng".

Cũng theo chuyên viên tiếng Anh này, giờ học tiếng Anh cho trẻ mầm non hiệu quả thì điều tiên quyết là không khí vui vẻ. Ngoài ra, giáo viên cần hiểu tâm sinh lý trẻ mầm non; dạy trong bối cảnh, ngữ cảnh thân thuộc và một hoạt động không kéo dài liên tục 10 phút, một buổi học không quá một tiếng...

Bà Lương Thị Hồng Điệp, trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM, cho rằng trẻ học tiếng Anh sớm là sự lựa chọn của phụ huynh. Bà Điệp nói: "Theo chương trình giáo dục mầm non của Bộ GD-ĐT có cho trẻ làm quen với chương trình tiếng Anh từ 3 tuổi trở lên, nguồn nhân lực giảng dạy có văn bằng chứng chỉ rõ ràng. 

Nếu học tiếng Anh là niềm vui, thích được học và học trong sự thoải mái là bình thường nhưng đừng ép con quá. Tôi biết nhiều trường hợp phụ huynh nghĩ con thích học. Nhưng thực chất đến trung tâm là vì nơi đây giống nơi vui chơi nên con thích chứ thực sự không học bao nhiêu".

Cũng theo bà Điệp, về giáo viên cũng cần phân biệt vì chưa chắc giáo viên nước ngoài là "xịn". Cần phân biệt giáo viên bản ngữ, tức là người Anh. Giáo viên nước ngoài các trung tâm thuê là người Singapore, Philippines, Indonesia... 

"Chưa kể những trung tâm không có giấy phép, giáo viên không được kiểm định thì sẽ dạy con không đúng phương pháp, phát âm sai, ngọng, lớn lên rất khó sửa. Ngược lại, giáo viên người Việt vẫn đạt hiệu quả tốt, được đào tạo ở các trường trọng điểm của thành phố" - bà Điệp nói.

Lưu ý sức khỏe của trẻ

Tiếng Anh rất quan trọng. Tuy nhiên nếu như cha mẹ "chạy đua" cho con trẻ "chạy sô" hết học ở trường lại đến trung tâm sẽ không tốt cho sức khỏe trẻ. Cả ngày xa cha mẹ rồi nên mối quan hệ giao lưu, trò chuyện trong gia đình sẽ tốt cho trẻ rất nhiều. Quan trọng ở độ 0-6 tuổi là thời gian vàng để phát triển thể chất: bò - đi - đứng - chạy trong 5 năm đầu đời về thể chất và vận động cơ bản, hoàn thiện thể chất bên trong.

Bà Lương Thị Hồng Điệp (trưởng phòng giáo dục mầm non Sở GD-ĐT TP.HCM)

'Tôi biết nhiều học sinh học chưa tốt tiếng Anh'

TTO - Là giáo viên THCS nhiều năm làm chủ nhiệm lớp, tôi biết nhiều học sinh học chưa tốt tiếng Anh.Nếu tính từ lớp 3 đến lớp 9, các em có 7 năm liên tục học tiếng Anh. Thế nhưng các em không ghi nhớ được nhiều từ nên không hiểu nghĩa của câu.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên