01/10/2015 06:00 GMT+7

​Mô hình trường học mới ở VN tốt cho cả thầy và trò

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN

TTO - Theo thông tin từ Bộ GD-ĐT, năm học 2015 - 2016, mô hình trường học mới VNEN sẽ tiếp tục được triển khai đối với bậc THCS tại 1.600 trường THCS trên cả nước.

Học sinh được chia theo từng nhóm nhỏ - Ảnh: T.V.Tâm

Thích vì tương tác cao

Mô hình trường học mới tại Việt Nam, gọi tắt là VNEN, đã được triển khai thí điểm tại 3.700 trường tiểu học trên cả nước. 

Học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, sáng tạo trong cách tiếp cận bài học, được nhìn sự vật trực quan, sinh động... là những điều mà mô hình trường học mới đem lại. 

Mô hình trường học mới hoạt động trên nguyên tắc lấy học sinh làm trung tâm. Giáo viên sẽ là người cụ thể hóa mục tiêu, thiết kế và tổ chức các hoạt động học phù hợp với học sinh. 

Trong khi đó, học sinh được chia thành các ban tự quản và chủ động, sáng tạo hơn trong việc tiếp nhận, chia sẻ kiến thức.

Mô hình này đề cao việc cá nhân tự trải nghiệm, khám phá và cũng chấp nhận sự khác biệt về thời gian, tốc độ học của học sinh. Giáo viên sẽ là người chủ động quan sát, phát hiện và kịp thời hỗ trợ cho những học sinh yếu.

Được biết, mô hình trường học mới bắt nguồn từ Colombia vào những năm 1995 - 2000 với những lớp ghép ở miền núi khó khăn.

Thay vì nhìn lên bảng xem cô giảng bài, mô hình trường học mới cho phép học sinh ngồi quây quần theo nhóm và tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới trên cơ sở “hướng dẫn học tập” của giáo viên.

Nhìn vào mô hình này, chị Thanh Mai (Q.9, TP.HCM) cho biết mình rất thích kiểu ngồi học mang tính tương tác cao như thế.

Trong khi đó, anh Văn Cương (Lào Cai), phụ huynh có con học theo mô hình VNEN, đánh giá điểm mạnh của phương pháp này là đem lại sự tự tin, đồng thời giúp học sinh phát triển kỹ năng và tư duy tốt hơn.

Một điểm đáng chú ý của mô hình này là các trường đã vận dụng được những đặc sản, những điểm riêng có của địa phương đưa vào bài học cho các em học sinh. Học sinh ở miền quê khi học về cây cỏ, lá hoa… có thể nhìn thấy trực tiếp những vật đó.

Có trường còn tổ chức nông trại nhỏ để học sinh tự trồng rau, cho bò ăn… Từ những tiết học thực tế sinh động này, học sinh dễ dàng tiếp nhận kiến thức hơn, thay vì chỉ là những câu chữ đôi khi có phần khô khan như trong sách giáo khoa trước đây.

Vai trò của giáo viên: cực kỳ quan trọng

Trường tiểu học Trưng Vương (P.2, TP Đà Lạt) đã áp dụng mô hình VNEN cho khối 2, 3 từ năm 2014 - Ảnh: Chính Thành

GS, nhà giáo nhân dân Nguyễn Võ Kỳ Anh đánh giá phương pháp mới sẽ kích thích tư duy sáng tạo trong học tập cho học sinh. Tuy nhiên, để làm được điều đó thì đội ngũ giáo viên phải rất vững về kiến thức, phương pháp dạy và phải luôn đặt cái tâm trong giảng dạy.

Bên cạnh đó, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh cho rằng những học sinh thông minh, có trí sáng tạo sẽ nắm bắt bài rất nhanh và kích thích các học sinh khác cùng tìm tòi, khám phá.

“Người thầy phải nắm được kỹ năng khi giảng dạy theo mô hình mới. Bên cạnh đó, những đứa trẻ trong nhóm cũng phải có sự khích lệ, động viên nhau để cùng hiểu bài. Trong giai đoạn đầu, những trẻ chưa quen với phương pháp tự học này sẽ đi chậm hơn một chút so với các bạn. Giáo viên phải là người nắm bắt và hướng dẫn thêm cho các em”, GS Kỳ Anh nói.

Về vấn đề này, thầy Phạm Văn Vân cho biết trường sẽ có những tiết học tăng cường để giúp đỡ các em học sinh chưa nắm vững kiến thức khi tham gia học theo nhóm. Điều này sẽ giúp các em nắm được kiến thức như các bạn và không bị tụt lại phía sau. 

Theo GS Kỳ Anh, vai trò của giáo viên là cực kỳ quan trọng. Họ không những là người dẫn dắt, cố vấn mà còn phải có khả năng bao quát toàn bộ lớp học nhằm phát hiện, đánh giá được năng lực thực của mỗi học sinh, từ đó có cách giúp mỗi em khắc phục khuyết điểm hoặc phát huy sở trường cho thật phù hợp.

“Giai đoạn “chạy đà” thì có thể còn nhiều khó khăn nhưng khi giáo viên vững về phương pháp, học sinh biết cách chủ động tìm hiểu kiến thức và phụ huynh cũng biết cách khuyến khích con tự học thì chất lượng của các em học sinh sẽ đồng đều hơn”, GS Nguyễn Võ Kỳ Anh nhận định.  

Những băn khoăn

Bên cạnh những mặt tích cực, mô hình trường học mới vẫn còn để lại nhiều băn khoăn.

Anh Văn Cương chia sẻ: “Trong quá trình học, những học sinh nào thông minh thì sẽ được chú ý, có cơ hội phát triển tốt. Còn những em yếu, nếu không có sự giúp đỡ của thầy cô giáo mà phải tự học thì sẽ rất dễ nản chí và bỏ cuộc. Thêm nữa, nếu giáo viên chỉ có vai trò quan sát, giao hết việc quản lý cho trưởng nhóm hay chủ tịch hội đồng tự quản thì những em yếu không được bổ sung kiến thức kịp thời”.

Một chuyên gia giáo dục tiểu học ở TP.HCM thì chia sẻ băn khoăn của mình về nội dung học tập của học sinh, cách học sinh học để thật sự nắm vững được kiến thức và phát triển nhân cách.

“Khi nhìn vào những cuốn sách hướng dẫn tự học thì dường như là mọi thứ đã được định sẵn, học sinh ít được chọn lựa cho dù vẫn là tự thực hiện. Trẻ em tự học thì vẫn phải có sự hỗ trợ từ người lớn chứ không phải là “giao khoán” hết cho cháu. Theo đúng tâm lý học của trẻ em thì để cho trẻ thực sự phát triển được khả năng của mình, bao giờ cũng cần sự hỗ trợ của người lớn. Đó phải là sự hỗ trợ theo các bước và dần dần để trẻ phát triển”, chuyên gia này đánh giá.

Một vấn đề khác, theo GS Nguyễn Võ Kỳ Anh, là không phải trường nào cũng đủ điều kiện để áp dụng mô hình này. Những trường không đủ điều kiện về năng lực học sinh, chuyên môn của giáo viên cũng như điều kiện về vật chất thì việc áp dụng sẽ khó khăn.

“Mỗi trường nên tự xác định xem mình có đủ khả năng và điều kiện để áp dụng chương trình mới này hay không chứ đừng vì chạy theo thành tích mà áp dụng không hiệu quả”, GS Kỳ Anh khuyến cáo.

Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:

>> Anh Văn Cương

>> Giáo sư Nguyễn Võ Kỳ Anh

>> Thầy Phạm Văn Vân

 

 

ĐẶNG TƯƠI - AN NHIÊN - MAI NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên