Trường tiểu học Trưng Vương (P.2, TP Đà Lạt) đã áp dụng mô hình VNEN cho khối 2, 3 từ năm 2014 - Ảnh: Chính Thành |
Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức thực tập đợt 1 cho giáo viên nhiều trường tham gia huấn luyện kỹ năng VNEN, và tiếp tục huấn luyện đợt 2 cho nhiều giáo viên vào ngày 17-7.
Có làm nhưng chưa được!
Chỉ tính riêng tại TP Đà Lạt, năm học 2013-2014 Phòng giáo dục TP Đà Lạt đã triển khai chương trình VNEN đến thêm năm trường tiểu học trên địa bàn gồm Lê Quý Đôn, Nam Hồ, Trại Mát, Đa Lợi và Cửu Long. Mô hình mới áp dụng cho hai khối 2 và 3, mỗi khối ba lớp. Tới năm học 2014-2015, nhiều trường tiểu học trên địa bàn TP Đà Lạt đã áp dụng VNEN.
Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng, trong thông tư số 41/2010/TT-BGDĐT do bộ trưởng Bộ GD-ĐT ban hành vào ngày 30-12-2010 có quy định mỗi lớp học không quá 35 học sinh. Vì vậy, dự thảo mới đây định hướng từ thông tư 30 không có gì mới mẻ. Tuy nhiên, trên thực tế con số 35 học sinh/lớp học không ít địa phương trên địa bàn tỉnh không đạt được.
Một cán bộ Trường tiểu học Trưng Vương, P.2, TP Đà Lạt cho biết nhiều năm nay, sĩ số trung bình của các lớp đều rơi vào con số khoảng 43 học sinh/lớp. “Sĩ số 35 học sinh/lớp Bộ GD-ĐT đưa ra là để các trường phấn đấu đạt chuẩn. Còn với chúng tôi quỹ đất hạn hẹp, muốn mở rộng trường lớp đạt chuẩn phải đề xuất với nhiều cấp ngành, không thể một sớm một chiều là làm được” - vị cán bộ này nói.
Theo tìm hiểu của PV, tại các trường khác như Trường tiểu học Đa Thành, Phan Như Thạch, Nguyễn Trãi..., sĩ số trung bình các lớp đều từ 40-45 học sinh/lớp. Thậm chí ở nhiều trường, khi làm theo hướng dẫn của thông tư 41, sĩ số học sinh còn nhích lên! Theo một phó hiệu trưởng Trường tiểu học Đa Thành (P.7, TP Đà Lạt), năm 2013 trường áp dụng VNEN cho học sinh khối 2, 3 với sĩ số tầm 40 học sinh/lớp. “Nhưng giờ do người nhập cư đông nên sĩ số đang có chiều hướng tăng chứ không giảm đi” - vị phó hiệu trưởng này nói.
Còn nhiều bỡ ngỡ
Nhiều phụ huynh tỏ ra ngỡ ngàng với một số quy định của mô hình VNEN. Bà Nguyễn Thị Cúc, phụ huynh một học sinh Trường tiểu học Mê Linh (P.4, TP Đà Lạt), cho biết: “Con tôi là lớp trưởng một lớp khối 2, từ đầu năm tới giờ tôi chưa hề nghe nhà trường nói gì về việc thay đổi chức danh của lớp trưởng. Con tôi cũng không hiểu những chức danh như vậy có ý nghĩa thế nào”. Còn bà Nguyễn Phương Nga, một phụ huynh có con học tại Trường tiểu học Trưng Vương, chia sẻ sự ngạc nhiên về buổi họp đầu năm 2014 mà nhà trường tổ chức để phụ huynh quan sát con em mình bầu các chức danh quản lý lớp. Bà Nga thừa nhận: “Thật sự chúng tôi không hiểu các chức danh chủ tịch, phó chủ tịch... nghe có vẻ rất người lớn có ý nghĩa thế nào với trẻ con. Bầu bán vậy chứ tụi nhỏ không hiểu gì đâu!”.
Một cán bộ Sở GD-ĐT tỉnh Lâm Đồng cho rằng sau khi Bộ GD-ĐT tập huấn cho một số trường từ năm 2013, việc áp dụng VNEN đã có nhiều tín hiệu khả quan: “Bộ không bắt buộc nhà trường phải áp dụng cứng nhắc theo điều lệ trường tiểu học, trong đó có quy định lớp trưởng được gọi là chủ tịch hội đồng tự quản. Trường vẫn có thể chọn mô hình lớp trưởng, lớp phó... như cũ.
Theo tôi, dư luận đặt nặng về mặt câu chữ, chứ thực tế lớp trưởng hay chủ tịch hội đồng tự quản là như nhau. Đặt chức danh như vậy cũng nhằm tập cho các em quen với làm việc nhóm, rèn luyện tính tự chủ. Ban đầu còn lạ lẫm, nhưng dần các em sẽ thấy thích mô hình giáo dục có nhiều ưu điểm này”.
Đắk Lắk: 87 trường đã áp dụng “trường tiểu học mới” Sáng 17-7, Sở GD-ĐT Đắk Lắk đã tổ chức tập huấn giai đoạn 3 mô hình trường tiểu học mới - VNEN cụm tỉnh cho 250 cán bộ quản lý, giáo viên các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông. Trong bốn ngày tập huấn, các học viên sẽ chia thành năm lớp học, mỗi lớp học sẽ mô phỏng theo mô hình VNEN. Theo đó, các giáo viên sẽ đóng vai học sinh và ngồi thành từng nhóm. Lớp học cũng sẽ bầu ra “chủ tịch”, “phó chủ tịch”, “hội đồng tự quản”, các nhóm và nhóm trưởng. Cách vận hành của lớp tập huấn cũng theo mô hình VNEN. Trước mỗi buổi học và sau giờ giải lao, học viên sẽ chơi trò chơi. “Hội đồng tự quản” sẽ điều hành lớp trong những phần thảo luận, hoạt động chung. Hai báo cáo viên chỉ dẫn dắt, gợi mở để học viên phát biểu ý kiến xoay quanh nội dung bài học. Bà Thái Thị Mỹ Bình - trưởng phòng giáo dục tiểu học Sở GD-ĐT Đắk Lắk, báo cáo viên của đợt tập huấn - cho biết học viên tham dự lớp học có 70% từ những trường đã ứng dụng mô hình VNEN và 30% “sẽ nhân rộng VNEN trong năm học tới”. Theo bà Bình, mô hình VNEN đã thí điểm tại Đắk Lắk bốn năm và hiện có 74 trường tiểu học áp dụng mô hình này theo đề án. “Ngoài ra, 13 trường khác thấy mô hình hay cũng xin nhân rộng. Những trường này không được cấp kinh phí từ đề án nhưng được sự hỗ trợ từ địa phương” - bà Bình nói thêm. Đánh giá sau bốn năm thực hiện VNEN, bà Bình cho biết: “Mô hình này có tính ưu việt cao khi tạo điều kiện cho học sinh trải nghiệm. Học sinh tự tin hơn, phát triển kỹ năng sống, phát huy năng lực của mình”. Bên cạnh đó, bà Bình cho biết thêm bước đầu ứng dụng VNEN cũng gặp một số khó khăn như trường ở trung tâm TP sĩ số đông, không có không gian cho học sinh hoạt động. Ở những trường vùng sâu, vùng xa hơn 40% học sinh là người dân tộc thiểu số. Các em chưa tự tin, vẫn còn nhút nhát, đòi hỏi nhiều sự hướng dẫn của thầy cô giáo... |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận