16/02/2012 09:14 GMT+7

Mở đất từ bãi bồi lấn biển - Kỳ 2: Bàn tay tóe máu

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH

TT - Gần 2km đê đang kiên cường chặn đứng những ngọn sóng cuồn cuộn nối tiếp nhau mùa biển động. Bên trong, các ao tôm, cá vẫn bình yên chờ ngày thu hoạch. Dẫn chúng tôi đi tham quan bãi đầm lấn biển của mình, mắt anh Phan Văn Cường rực ánh nghị lực: “Ngày xưa tôi móc từng cục đất lấn biển đến tóe máu ngón tay chỉ mong có cái bén lửa nồi cơm. Giờ tôi vẫn ra biển vì còn bao người lao động trông cậy mình”.

Kỳ 1: Cha, con và “cuộc chiến” lấn biển...

egJIPwuF.jpgPhóng to
Chủ đầm Phan Văn Cường bên bãi bồi của mình - Ảnh: Q.V.

Ra biển vì chén cơm

Dẫn chúng tôi đi dạo mỏi chân vẫn chưa hết đầm rộng 60ha cho thu hoạch hàng tỉ đồng mỗi năm ở xã Nam Phú, huyện Tiền Hải, Thái Bình, anh Cường tâm sự đó là hình ảnh của hôm nay, còn gia đình trước kia nghèo lắm. Anh sinh năm 1962, vào đúng mùa bão mà cha mẹ kể nhiều đêm chỉ biết cắn răng, lấy lưng mình che mưa gió cho con. Tuổi thơ Cường là những ngày máy bay ném bom ì ầm trên đầu, còn anh bì bõm ngoài bãi biển hoang vu để tìm nhặt thêm cái bỏ vào miệng. Bãi bồi ven biển khi ấy còn thiếu đê bao, rừng chắn, nguy hiểm lắm. Không chỉ trẻ em mất mạng mà nhiều người lớn cũng không về được trong nỗ lực đi nhặt nhạnh thêm miếng ăn trong thời chiến khó khăn.

Ở trong đồng, nồi cơm hụt vơi của nhà anh Cường cũng như bao nhà khác chỉ trông đợi vào mấy sào lúa cấy tập thể trên mảnh đất chua mặn. Nhiều khi quần quật làm, rồi tính điểm xong họ lại còn thấy mắc nợ thêm hợp tác xã. Nỗ lực lấn biển Tiền Hải đã manh nha từ thời ông Phan Văn Thịnh, cha anh, cùng người dân bước ra biển từ những năm 1968, 1972 để đắp đê, trồng cây phi lao phòng hộ. Tuy nhiên, cách làm tập thể thuở ấy chưa đem lại lợi ích kinh tế rõ rệt cho mỗi gia đình. Hô hào thì mọi người cùng vác cuốc ra bãi, còn không thì thôi. Chẳng ai thấy rõ giọt mồ hôi mình đổ xuống sẽ làm đầy thêm chén cơm cho vợ con.

Rồi Cường gia nhập quân ngũ. Khi anh rời tay súng, về lại quê biển cũng là lúc đất nước bước vào thời kỳ đổi mới. Người dân Tiền Hải cũng như cả nước đã thấy rõ từ đây mồ hôi mình nhỏ xuống sẽ làm đầy chính nồi cơm mình. Lúc mới về, Cường được mời làm kế toán và đội trưởng sản xuất nhờ có chút chữ nghĩa. Lương anh được quy ra thóc, chẳng đến mức đói nhưng vẫn phải cân đong từng bữa và điều đáng buồn nhất là chẳng biết ngày mai sẽ ra sao. Trong lúc Cường mang máng cảm thấy có gì đó bế tắc, một hôm bố anh kêu con lại nói: “Hay là con ra đấy quai đê, lấn biển, nuôi con cá, con tôm”.

Nghe bố khuyên trúng điều mình trăn trở lâu nay, năm 1988 Cường quyết định tiến ra biển. Không có vốn liếng và phương tiện làm việc, anh kêu gọi 11 người bạn cùng hợp tác quai đê, lấn 60 ha đất bãi bồi trước biển xã Nam Phú, huyện Tiền Hải. Trước khi nhát cuốc đầu tiên chạm xuống, khu vực này là bãi bồi hoang rậm lau sậy, chìm nổi theo thủy triều.

Đối mặt với biển, Cường và bạn bè vừa trực tiếp đào đắp vừa thuê thêm người quai đê bảo vệ 60 ha bãi. Đó là một trong những công trình lấn biển quy mô của người dân Tiền Hải bấy giờ. Con đê dài 1,4km, cao 2m, có bề mặt rộng 2m và chân đê 7m. Đất bãi bồi nhão nhoẹt. Nhiều khi đê vừa đắp nổi lên lại bị sóng đánh vỡ ngay. Có những đoạn họ vật vã đắp đi đắp lại 4-5 lần vẫn chưa hoàn tất nổi. Nhiều ngày bàn tay Cường móc đất bị mảnh bom, vỏ nghêu hàu cắt đến tóe máu, làm độc tưởng phải cắt bỏ. Cố gắng hoàn thành con đê chắn sóng trước mùa bão 1989, anh chạy vạy vay mượn 160 chỉ vàng để thuê thêm hàng trăm lao động. Ròng rã suốt nửa năm, khi con đê bảo vệ được bãi bồi cũng là lúc Cường kiệt vốn và kiệt cạn cả sức lực.

Sau khi hoàn thành đê bao, Cường cố lắm cũng chỉ đầu tư thêm nổi sáu cái cống sắt để điều tiết mực nước trong đầm. Thời ấy sắt thép khan hiếm, nhất là sắt ống lớn làm cống. Tính ra họ phải chi gần 2 lượng vàng cho mỗi cống. Cường và các bạn lại đôn đáo đi vay nợ làng trên xóm dưới. Không dám nói ra nhưng anh thầm nghĩ: “Nếu thất bại thì bán cả nhà cũng chưa đủ trả nợ, chỉ còn cách dắt díu vợ con đi biệt xứ”.

Ý chí đã thắng biển

Thời gian đầu toàn bộ 60ha đầm bãi được để tự nhiên cho tôm cá ngoài biển theo cống vào. Đến vụ, họ chỉ điều tiết mực nước để khai thác. Cách nuôi tự nhiên này không tốn nhiều chi phí nhưng cũng chẳng thu lợi được bao nhiêu. Được đồng nào Cường tích cóp dành dụm. Bạn bè làm chung muốn chuyển đầu tư qua lĩnh vực khác, anh mua lại phần góp vốn của họ để tiếp tục bám biển. Hết hạn 10 năm thầu bãi đầm lần thứ nhất và năm năm gia hạn, đến năm 2004 Cường lại bỏ thầu và trúng thầu lần hai. Lần này thời hạn giao đất 20 năm mãi đến 2024 để anh có thể yên tâm sản xuất.

Mặc dù phải tăng thuế đóng cho địa phương lên 2,6 triệu đồng/ha/năm nhưng Cường rất vui: “Quyết định giao đất dài hạn đã khích lệ tôi tiếp tục đầu tư. Người dân quai đê, lấn biển mà mới giao đã vội thu hồi thì mồ hôi nước mắt đổ xuống bãi chưa kịp khô lại trắng tay rồi”. Hầu như mỗi mùa mưa bão, anh đều gia cố thêm đê lấn biển của mình. Lượng đất đắp vào đến nay đã tăng gấp ba lần so với bờ đê đầu tiên hồi năm 1989.

Sau thời gian nuôi tự nhiên, Cường vét tiền bạc dành dụm, tiếp tục cải tạo đầm, chuyển một phần diện tích sang nuôi tôm, cua quảng canh cải tiến và cá vược. Bước ngoặt kinh tế trên mồ hôi nước mắt lấn biển bắt đầu từ mô hình này và lợi nhuận thu được cao nhất từ khi anh chuyển thêm 4ha sang nuôi nghêu. Lúc nào anh cũng có hơn 20 người làm việc thường xuyên với lương 2-3 triệu đồng/tháng. Vào vụ khai thác, nhân công còn tăng lên gấp ba lần, giải quyết được một số lao động nông nhàn tại quê. Tâm sự chuyện này, Cường hào hứng: “Lúc mới ra bãi bồi tôi cứ nghĩ mình gắng bỏ chút tiền thuê dân phụ quai đê một lần. Sau đó, mọi việc sẽ tự tay mình làm, được bao nhiêu ăn bấy nhiêu. Nhưng bây giờ suy nghĩ đó đơn giản và ích kỷ quá. Trách nhiệm và thành công của tôi cũng được đo bằng chính sự yên vui của người lao động của mình”.

Hiện anh Cường vẫn ở căn nhà cấp 4 cũ để tiền đi thầu làm thêm bãi đầm mới. Tuy nhiên, anh tâm sự niềm vui lớn nhất của mình chính là các con đều học hành đàng hoàng, trong đó cô con cả đang học thạc sĩ. “Nhiều khi tôi lẩn thẩn nghĩ nếu ngày trước mình không dám liều lấn ra biển mà cứ ôm vài sào lúa, chẳng biết bây giờ thế nào nữa” - anh Cường bật cười trước biển.

__________

Từng đi đầu lấn biển từ năm 1964, người cựu chiến binh già khi cởi áo lính lại tiếp tục đổ mồ hôi xuống bãi bồi. Nhưng hành trình lấn biển của ông đẫm nước mắt khi mất con, lại trắng tay vì mất đất.

Kỳ tới: Nước mắt của biển

QUỐC VIỆT - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên