27/10/2021 17:29 GMT+7

Mỏ đang cạn kiệt, có tăng khai thác dầu khi giá vượt 80 USD để bù ngân sách?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Nguyễn Phú Cường đề nghị tăng cường khai thác dầu thô để hưởng lợi tăng giá, bù đắp khi ngân sách khó khăn, nhưng liệu ngành dầu khí có đảm đương nổi khi các mỏ đang dần cạn kiệt?

Mỏ đang cạn kiệt, có tăng khai thác dầu khi giá vượt 80 USD để bù ngân sách? - Ảnh 1.

Người lao động làm việc trên các mỏ dầu khí - Ảnh: V.THÁI

Trước áp lực của ngân sách nhà nước khó khăn, kiến nghị mới đây tại Quốc hội, chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng hiện giá dầu tăng lên 70 - 80 USD/thùng thì có thể cân nhắc, xem xét tăng sản lượng khai thác để bù đắp, thu ngân sách.

Tuy vậy, ông Hồ Đức Phớc - bộ trưởng Bộ Tài chính - cho hay cũng đã đặt vấn đề này nhưng qua làm việc với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), khả năng tăng sản lượng khai thác dầu thô trong năm 2022 là khó.

Nguyên nhân là tài nguyên tại các mỏ khai thác lâu nay suy giảm, việc gia tăng sản lượng tiềm ẩn rủi ro cho an toàn các mỏ, ông Phớc cho hay việc khai thác dầu thô ở mức 7 triệu tấn là phù hợp.

"PVN cho hay không thể tăng sản lượng được. Bởi tăng khai thác tức là phải bơm nước dầu nổi lên thì không đảm bảo kỹ thuật nên không thể tăng sản lượng. Chính phủ đã tính rất kỹ về sản lượng khai thác dầu khí" - ông Phớc nói.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại biểu Quốc hội đoàn Cà Mau, ông Lê Mạnh Hùng - tổng giám đốc PVN - cho hay việc khai thác mỏ phụ thuộc nhiều vào việc đầu tư nhưng Luật dầu khí chưa sửa được, hiện ta chưa có mỏ mới, hợp đồng mới, cơ bản vẫn là các mỏ cũ.

Vì vậy, muốn tăng khai thác mỏ phải phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên, điều kiện kỹ thuật. Cụ thể, để tăng sản lượng với các mỏ đã khai thác, phải dùng giải pháp kỹ thuật song cũng chỉ là hỗ trợ, có thể thành công hoặc không.

Cũng theo ông Hùng, để có thể khai thác được mỏ dầu, cần phải đầu tư mất hàng chục năm, để thăm dò trữ lượng, tìm kiếm thăm dò, phát triển khai thác mới có sản lượng. Thời gian qua việc đầu tư bị hạn chế nên không có trữ lượng và không thể có sản lượng ngay được.

Thông tin thêm về vấn đề này, PVN cho hay hiện phần lớn các mỏ dầu khí đang khai thác ở nước ta đều được đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 1986 - 2015.

Nhiều mỏ đóng góp sản lượng lớn đều đã khai thác được 15 - 35 năm, đang ở giai đoạn cuối đời mỏ. Độ ngập nước trung bình của các mỏ này hiện đã ở mức 50% - 90% dẫn đến sản lượng suy giảm tự nhiên khoảng 15% - 25%/năm.

Trong khi đó, do hạn chế về cơ chế chính sách nên hoạt động tìm kiếm thăm dò, gia tăng trữ lượng giảm nhiều so với trước. Nguồn bổ sung vào khai thác hằng năm cũng hạn chế, tất yếu dẫn đến đà suy giảm sản lượng.

Ngoài ra, kế hoạch khai thác khí của PVN dự kiến cũng sẽ giảm do tình hình tiêu thụ khí hết sức khó khăn, đặc biệt là tiêu thụ khí cho điện giảm sút mạnh. Đơn cử, 9 tháng đầu năm, huy động khí cho điện chỉ bằng khoảng 72% so với cùng kỳ và bằng 70% kế hoạch, thấp hơn kế hoạch giao, làm ảnh hưởng chung khai thác các mỏ.

Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội Hoàng Văn Cường - phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân - cho rằng việc khai thác dầu cần phải theo kế hoạch và chiến lược chung của ngành. Trong thời điểm giá quá thấp thì có thể tính toán hạn chế khai thác để bù đắp chi phí, nhưng thời điểm giá tăng cao thì không nên hạn chế mức khai thác.

"Song không phải vì thế mà tăng công suất quá mức vì chưa chắc hiệu quả cao, tăng chi phí không cần thiết, tạo ra sự cạn kiệt nguồn tài nguyên không bền vững" - ông Cường khuyến nghị.

Sản lượng khai thác dầu liên tục sụt giảm

Theo thống kê từ năm 2015 đến nay, sản lượng dầu trong nước liên tục sụt giảm, từ mức 16,9 triệu tấn năm 2015; xuống 15,2 triệu tấn năm 2016; 13,4 triệu tấn năm 2017; 12 triệu tấn năm 2018; 11 triệu tấn năm 2019; 9,7 triệu tấn năm 2020 và dự báo tiếp tục giảm trong các năm tiếp theo.

Vì vậy, cùng với giải pháp để đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, gia tăng trữ lượng, PVN cho rằng cần giải quyết những vấn đề như xử lý các khó khăn vướng mắc liên quan đến 2 dự án trọng điểm về dầu khí là dự án khí Lô B và dự án khí Cá Voi Xanh để có thể đưa hai mỏ này vào khai thác theo kế hoạch. Sớm phê duyệt cơ chế hoạt động cho một số lô dầu khí, thay đổi các điều kiện phân chia giữa nhà nước và nhà thầu.

Cần cơ chế thu hút nhà đầu tư lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí Cần cơ chế thu hút nhà đầu tư lĩnh vực thăm dò khai thác dầu khí

Cùng với việc xây dựng cơ chế, chính sách nhất quán ổn định cho công tác thăm dò, cần có khung pháp lý về dầu khí nhằm khuyến khích nhà đầu tư tham gia vào lĩnh vực này.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên