Nhiều vùng ở Phú Yên đang gặp khó khăn vì thiếu nước sinh hoạt trầm trọng do nắng hạn - Video: TRIỆU NAM
Những ngày qua, người dân ở xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) đã được "tiếp tế" nước sinh hoạt từ xe bồn do chính quyền thuê chở đến cung cấp.
Phú Yên: khắp nơi khô khát
Đứng chờ xe cấp nước, bà Huỳnh Thị Lệ Hoa (thôn Phú Tân 2, xã An Cư), kể rằng từ tháng 4 âm lịch đến nay, cả thôn thiếu nước sinh hoạt.
Giếng đào, giếng khoan đều cạn kiệt. "Mấy tháng liền không có giọt mưa nào, trời thì nắng khủng khiếp chưa từng thấy, ruộng đồng nứt nẻ, kênh mương khô khốc, giếng khắp nơi kiệt nước. Người đã khổ vì không có nước sinh hoạt, còn trâu bò thì đến nước uống cũng không có luôn. Trước khi chính quyền cấp nước, tụi tui phải đi mua nước về dùng với số tiền 35.0000 đồng/m3" - bà Hoa bày tỏ.
UBND xã An Cư (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) thuê xe chở nước sinh hoạt cấp cho dân - Ảnh: TRIỆU NAM
Đứng gần đó, ông Nguyễn Văn Luân cũng cho biết gia đình chỉ có 2 vợ chồng già với mấy con bò, sử dụng tiết kiệm lắm thì cũng phải tốn 60 lít nước/ngày. Tuy nhiên, mấy tháng qua giếng nhà không còn nước, giếng xóm giềng cũng tương tự, nhà ông mua nước xài tiết kiệm như… của quý hiếm.
Ông Luân nói: "Mấy ngày nay xã cho xe cấp nước bình quân mỗi ngày một người được 16 lít nước sạch. Ít ỏi vậy nhưng cũng quý lắm rồi. Chúng tôi mong tỉnh, huyện có phương án nào đó về lâu dài, chứ với tình hình này thì không chỉ năm nay nắng hạn mà những năm sau chắc cũng như vậy".
Ông Cao Thế Nhân - chủ tịch UBND xã An Cư, cho hay: nắng hạn kéo dài nhiều tháng qua khiến 1.172 hộ dân ở địa phương này thiếu nước sinh hoạt. "Theo chỉ đạo của tỉnh và huyện, xã An Cư xây dựng phương án cấp nước cấp bách cho người dân khó khăn" - ông Nhân cho hay.
Việc cấp nước sinh hoạt cũng chỉ giới hạn trong số hộ nghèo khó, chính sách, bị thiếu nước kéo dài chứ không phải là toàn bộ số hộ dân thiếu nước vì nguồn lực địa phương cũng như kinh phí phân bổ có giới hạn.
Người dân một số làng ở xã Sơn Định (huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) phải ra các vũng nước đọng trên suối cạn để giặt giũ, tắm táp - Ảnh: TRIỆU NAM
Còn ông Sô Minh Vương, một người dân ở thôn Hòa Bình (xã Sơn Định, huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên) hàng ngày phải ra vũng nước đọng còn sót lại của con suối khô khốc để giặt giũ áo quần và tắm táp vì giếng khô cạn mấy tháng qua. Ông cho biết nhiều khi không mua được nước sinh hoạt phải dùng tạm nước của con suối cạn kiệt này.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online trưa 21-8, ông Trần Hữu Thế - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên cho rằng: chưa năm nào địa phương bị hạn nặng như mùa khô năm nay.
Đến nay đã có khoảng 10.000 hộ dân ở 5 huyện: Đồng Xuân, Sơn Hòa, Sông Hinh, Tuy An, Tây Hòa và thị xã Sông Cầu bị thiếu nước sinh hoạt do nắng hạn kéo dài.
Hiện có khoảng 4.500 hộ với gần 20.000 người ở 2 huyện Sông Hinh, Tuy An và thị xã Sông Cầu không còn nguồn nước sinh hoạt nên chính quyền phải xuất kinh phí dự trữ để thuê xe chở nước sinh hoạt đến cấp cho dân trong giai đoạn cấp bách.
"Chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho cảnh sát PCCC dùng xe chuyên dụng, xe chở nước của bộ đội, xe bồn tưới cây của các công ty môi trường đô thị chở nước cấp cho những hộ dân không còn tìm được nguồn nước để sinh hoạt. Tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ hơn 1,3 tỉ đồng để cấp nước cho dân" - ông Thế cho biết.
Bình Định: lo số hộ thiếu nước gia tăng lại
Tương tự như Phú Yên, trong gần 1 tháng qua, tỉnh Bình Định cũng sử dụng xe chữa cháy để cấp nước cho dân vùng cạn kiệt nước sinh hoạt.
Xe chữa cháy của cảnh sát chở nước sinh hoạt cung cấp cho người dân huyện Phù Mỹ (tỉnh Bình Định) - Ảnh: TRƯỜNG AN
"Cao điểm nắng nóng trong tháng 7-2019, toàn tỉnh Bình Định có đến 13.130 hộ với khoảng 55.000 người thiếu nước sinh hoạt thuộc địa bàn 6 huyện, thị xã: Hoài Nhơn, Phù Mỹ, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước.
UBND tỉnh Bình Định phải cho xe chuyên dùng của cảnh sát PCCC thực hiện hàng trăm lượt xe chở nước cấp cho dân với định mức hỗ trợ 40 lít nước/người/ngày" - ông Nguyễn Hữu Vui -phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định cho hay.
Theo ông Vui, nhờ có vài trận mưa rào cuối tháng 7, đầu tháng 8-2019, nên tình trạng khô khát nước sinh hoạt giảm hơn, hiện còn khoảng 2.500 hộ được xe chở nước cấp hàng ngày khoảng 390m3. "Nhưng nắng nóng vẫn tiếp diễn thế này thì khả năng cuối tháng 8-2019, số hộ thiếu nước lại tăng cao như hồi cao điểm tháng 7 mà thôi", ông Vui nói.
Chiến sĩ cảnh sát PCCC Bình Định "cứu khát" cho dân - Ảnh: TRƯỜNG AN
Về giải pháp cho việc thiếu nước sinh hoạt, ông Trần Hữu Thế nói rằng: bên cạnh việc mua nước, cấp nước miễn phí cho dân vùng cao, vùng khô hạn nghiêm trọng, chính quyền các địa phương ở Phú Yên đã chỉ đạo khoan cấp bách các giếng nước tập trung để người dân sử dụng tạm.
Về lâu dài, tỉnh nghiên cứu xây dựng các công trình cấp nước công cộng ở những vùng thường xuyên cạn nước vào mùa khô, nghiên cứu các hồ treo, bể chứa nước trên cao trữ nước phục vụ cho dân miền núi…
Ruộng khô, rừng cháy
Theo UBND tỉnh Phú Yên, diện tích dất sản xuất bị hạn hán là 5.048ha, trong đó diện tích bị thiệt hại là 4.814ha, ngoài ra còn có gần 6.000ha khác nguy cơ thiệt hại do hạn hán.
Rất nhiều cánh rừng ở miền Trung đã cháy trong mùa khô năm nay - Ảnh: NG. T. THÀNH
Nắng nóng là nguyên nhân xảy ra 41 vụ cháy làm thiệt hại 500ha rừng; 2.750ha rừng khác bị chết do khô hạn. Tất cả các hồ chứa trong tỉnh đều xuống dưới mực nước thiết kế, lượng nước nhiều hồ chỉ còn 20-30% dung tích thiết kế. Phú Yên đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 57,3 tỉ đồng chống hạn và cấp nước cho dân.
Còn theo Sở NN&PTNT Bình Định, toàn tỉnh có 165 hồ chứa thủy lợi nhưng đã có tới 152 hồ cạn nước, dung tích nước các hồ chứa bình quân chỉ còn 12,9% dung tích thiết kế. Hơn 31.200ha lúa hè thu bị thiếu nước. Bình Định đề nghị Trung ương hỗ trợ gần 56 tỉ đồng để "giải hạn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận