
Bản đồ dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất trong mùa khô năm nay - Ảnh: Viện Khoa học thủy lợi miền Nam
Ông Nguyễn Hồng Khanh - phó cục trưởng Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ Online ngày 21-2, về tình hình xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2024-2025.
Theo ông Khanh, từ đầu mùa khô đến nay, xâm nhập mặn xuất hiện ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm và mùa khô năm 2023-2024. Riêng tại sông Cổ Chiên và sông Hậu xâm nhập mặn đã xuất hiện xấp xỉ và cao hơn năm 2023-2024.
"Trong các đợt triều cường, xâm nhập mặn đã ảnh hưởng đến việc lấy nước của các công trình thủy lợi cách biển 40-60km. Tuy nhiên xâm nhập mặn tăng nhanh chỉ trong 3-5 ngày triều cường, sau đó mặn giảm nên không tác động gay gắt.
Ngoài ra, trong tháng 1 và 2-2025, khu vực miền Tây vẫn có xuất hiện mưa trái mùa. Các địa phương cũng đã chủ động vận hành hệ thống công trình thủy lợi tích trữ nước vào hệ thống trước khi mặn tăng cao, nên hiện tại các vùng ven biển chưa xảy ra hiện tượng thiếu nước" - ông Khanh thông tin.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, phó cục trưởng Cục Thủy lợi - Ảnh: TÙNG ĐINH
Dự báo về xâm nhập mặn trong thời gian tới, ông Khanh cho biết từ ngày 24-2 đến 4-3, có khả năng xảy ra đợt xâm nhập mặn sâu nhất từ đầu mùa khô trên các cửa sông Cửu Long.
Chiều sâu dự báo ranh mặn 4g/l lớn nhất ở các cửa sông Cửu Long trong kỳ triều vào khoảng 45-62km, vùng hai sông Vàm Cỏ, chiều sâu xâm nhập mặn vào sâu từ 65-70km.
Từ giữa tháng 3 đến hết mùa khô năm 2025, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long còn các đợt xâm nhập mặn vào các kỳ triều cường 11 đến 15-3 và 30-3 đến 2-4.
"Với hai đợt xâm nhập mặn trong giữa và cuối tháng 3, trường hợp nguồn nước thượng lưu về hạn chế, chiều sâu xâm nhập mặn ở các cửa sông Cửu Long ở mức tương đương như trong tháng 2-2025. Đối với vùng hai sông Vàm Cỏ xâm nhập mặn có thể kéo dài sang tháng 4-2025 nếu khu vực chưa xuất hiện mưa" - ông Khanh cảnh báo.
Để ứng phó với xâm nhập mặn, ông Khanh đề nghị các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long tổ chức vận hành hợp lý công trình thủy lợi để tranh thủ lấy nước khi độ mặn ở mức cho phép để tăng cường tích trữ nước vào nội đồng ngay từ thời điểm này khi độ mặn ngoài sông còn thấp. Khi lấy nước tưới cho cây trồng, nhất là khu vực trồng cây ăn quả, cần kiểm tra chặt chẽ độ mặn ngoài sông.
"Đồng thời rà soát diện tích vườn cây ăn trái và vườn giống cây ăn trái, chủ động ứng phó với thời kỳ xâm nhập mặn tăng cao, sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ như rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình… hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc để giữ ẩm cho cây. Cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước" - ông Khanh khuyến cáo.
Xâm nhập mặn chưa gây thiệt hại đến sản xuất và sinh hoạt
Để ứng phó với hạn mặn trong mùa khô năm nay, ông Khanh cho hay Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức cung cấp sớm thông tin từ tháng 9-2024, và liên tục được cập nhật theo tuần/tháng.
Cùng với đó, xác định rõ các diện tích sản xuất nông nghiệp có nguy cơ bị ảnh hưởng do xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long khoảng 40.000ha lúa đông xuân, và 19.000ha vùng chuyên canh cây ăn trái.
Qua đó đã chỉ đạo đẩy sớm thời vụ gieo trồng từ tháng 10, 11, kết thúc trong tháng 12-2024. Các diện tích cây ăn trái các địa phương đã chủ động triển khai các giải pháp, chủ yếu là việc xây dựng và tích trữ nước trong các ao hồ phân tán quy mô hộ, nhóm hộ gia đình để bảo đảm đủ cung cấp trong các thời điểm xâm nhập mặn lên cao.
Cũng theo ông Khanh, một số dự án đầu tư xây dựng như các cống âu Nguyễn Tấn Thành (Tiền Giang), Vàm Bà Lịch (Kiên Giang), Rạch Mọp (Sóc Trăng) đã được đưa vào vận hành và khai thác trong mùa khô 2024-2025, góp phần bảo vệ sản xuất nông nghiệp và tạo nguồn nước thô cho các nhà máy cấp nước sinh hoạt trong khu vực.
Đến nay, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn cao điểm của xâm nhập mặn, nhưng hiện chưa gây thiệt hại đến sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận