Vị trí và hướng di chuyển áp thấp nhiệt đới - Ảnh: Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 7h sáng 22-7, áp thấp nhiệt đới đang ngay trên đất liền phía nam tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc), cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 110km về phía đông đông bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8.
Trong 24 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng đông nam và tiến vào vịnh Bắc Bộ. Đến 7h sáng mai, áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/h), giật cấp 8, ở cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 60km về phía đông đông nam.
Trong 24-48 giờ tới, áp thấp nhiệt đới có khả năng đổi hướng di chuyển theo hướng nam đông nam, mỗi giờ đi được 5-10km và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới nên vùng biển vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, sóng biển cao 2-3m, biển động.
Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau có gió Tây Nam cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, biển động mạnh.
Khu vực giữa và nam Biển Đông (bao gồm cả vùng biển quần đảo Trường Sa), vùng biển từ Bình Định đến Ninh Thuận có gió Tây Nam cấp 5, có lúc cấp 6, giật cấp 7-8, biển động, sóng biển cao 2-4m.
Từ nay đến ngày 24-7, ở khu vực Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt.
Riêng khu vực Đông Bắc và các huyện đảo Cô Tô, Bạch Long Vĩ có mưa rất to 100-250mm/đợt, có nơi trên 250mm/đợt.
Từ đêm nay đến ngày 25-7, khu vực từ Thanh Hóa đến Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến 50-150mm/đợt, riêng Thanh Hóa, Nghệ An có nơi trên 200mm/đợt.
Trên các sông suối khu vực Bắc Bộ có khả năng xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên 2-4m, khu vực Thanh Hóa, Nghệ An các sông suối thượng lưu có khả năng xuất hiện lũ với biên độ lũ lên từ 3-5m, hạ lưu từ 1-2m. Trong đợt lũ này, mực nước đỉnh lũ trên các sông suối nhỏ có khả năng đạt mức báo động 1.
Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại các tỉnh vùng núi và ngập úng cục bộ tại các vùng trũng, thấp ven sông, đặc biệt các tỉnh Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang, Lạng Sơn, Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.
Nguy cơ ngập úng cục bộ tại các khu đô thị, các tỉnh thành Quảng Ninh (TP Móng Cái, Hạ Long, Cẩm Phả, huyện đảo Cô Tô, huyện Vân Đồn, Đầm Hà, Hải Hà), TP Hải Phòng.
Từ sáng sớm, toàn miền Nam đã có mưa lớn
Từ sáng sớm 22-7, tại nhiều tỉnh miền Nam đã có mưa to kéo dài trong hơn 1 giờ, đặc biệt tại các tỉnh miền Tây mưa kèm theo dông gió lớn, TP.HCM cũng có mưa lớn khu vực phía nam, phía tây thành phố.
Trong ba ngày tới, miền Nam sẽ có mưa nhiều nơi - Ảnh: LÊ PHAN
Theo ông Lê Đình Quyết - phó trưởng phòng dự báo Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, nguyên nhân mưa sáng nay là do rãnh áp thấp có trục qua khu vực Bắc Bộ (hình thái gây mưa) nối với hoàn lưu bão số 3 và cơn bão IN-FA ở phía đông nam đảo Đài Loan.
Ba hình thái trên khiến gió mùa Tây Nam hoạt động với cường độ trung bình đến mạnh nên gây mưa cho khu vực Nam Bộ.
Lượng mưa đo được vào sáng nay tại một số trạm đo như Trà Ôn (Vĩnh Long) 53,2mm, Lê Minh Xuân (Bình Chánh) 52mm, Thủ Đức 39mm, Giồng Trôm (Bến Tre) 23,4mm, Tri Tôn (An Giang) 25,8mm.
Về xu hướng thời tiết những ngày tới, ông Quyết cho biết từ ngày 23 đến 25-7 mưa xảy ra ở nhiều nơi tập trung về trưa, chiều và tối, có nơi mưa vừa, mưa to, trong cơn dông đề phòng gió giật mạnh, lốc, sét.
Những ngày còn lại tới cuối tháng 7 thời tiết mây thay đổi, ngày nắng, chiều và tối có mưa rải rác, có nơi mưa vừa, mưa to và dông, đêm có mưa vài nơi.
Mưa dông gây thiệt hại cho một số tỉnh miền Tây
Những trận mưa lớn kèm dông lốc liên tục xuất hiện trong thời gian qua tại một số tỉnh miền Tây đã gây thiệt hại về nhà ở, cây trồng. Người dân đang gặp khó khăn vì dịch COVID-19, nay thêm ảnh hưởng do thiên tại lại càng khó khăn hơn.
Một ngôi nhà bị giông lốc làm hư hại tại tỉnh Bến Tre - Ảnh: M. T.
Tại Bến Tre, sáng 22-7 mưa lớn xuất hiện tại nhiều khu vực. Từ sáng sớm, mưa lớn kèm dông lốc kéo dài gần 1 tiếng đồng hồ tại nhiều xã trên địa bàn huyện Châu Thành. Đây là ngày thứ 3 liên tiếp Bến Tre xuất hiện những trận mưa lớn kèm dông lốc.
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bến Tre, trước đó trong ngày 20-7 xảy ra lốc xoáy mạnh khiến 1 căn nhà bị sập hoàn toàn, 14 căn nhà bị tốc mái khiến 1 người bị thương, ước tính tổng thiệt hại 104 triệu đồng.
Lực lượng chức năng đã lập danh sách và hỗ trợ thăm hỏi người bị thương, nhà bị hư hại và hỗ trợ mỗi trường hợp 2 triệu đồng. Dông, lốc đã gây thiệt hại về nhà ở, cây ăn trái trên địa bàn, chủ yếu ở hai huyện Ba Tri và Châu Thành.
Tại Sóc Trăng, ông Phạm Tấn Đạo - chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Sóc Trăng - cho biết tình hình thời tiết những ngày qua diễn biến phức tạp, chỉ riêng những ngày gần đây, mưa dông đã làm sập, tốc mái 114 căn nhà, sạt lở nhiều bờ bao, đường đan, cây ăn trái các loại bị đổ ngã 39ha, gãy 4 trụ điện và làm bị thương nhẹ một người.
Nặng nhất ở hai huyện Mỹ Xuyên và Kế Sách. Ước thiệt hại trên 7,4 tỉ đồng.
Một đoạn đường huyện lộ 6, dài 25m, rộng 6m (từ thị trấn Kế Sách, huyện Kế Sách đi Hậu Thạnh (huyện Long Phú, Sóc Trăng) bị trôi xuống sông Phụng An. Ngoài ra tuyến đường này cũng bị sạt 25m, dài 3m.
Ông Đạo cho biết Sóc Trăng đã chi hỗ trợ từ nguồn quỹ phòng, chống thiên tai 740 triệu đồng hỗ trợ cho 104 hộ bị thiệt hại về nhà ở, bị thương.
Tại TP. Cần Thơ, từ sáng sáng sớm nay cũng xuất hiện mưa dầm kéo dài gần 2 giờ. Cơn mưa chưa ghi nhận thiệt hại về tài sản, nhưng mưa khiến lực lượng làm nhiệm vụ tại nhiều chốt chặn kiểm soát dịch trên địa bàn các quận Cái Răng, Ninh Kiều, Bình Thủy gặp trở ngại.
M.TRƯỜNG - K.TÂM - H.T.DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận