Phóng to |
Tổng giám đốc điều hành Microsoft Steve Ballmer (trái) và giám đốc điều hành Skype Tony Bates tại cuộc họp báo ngày 10-5 - Ảnh: Reuters |
Vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử của Microsoft được ấn định hôm 10-5, tức chỉ hơn một tháng sau khi hãng đưa ra đề nghị đầu tiên đối với Công ty đầu tư Silver Lake, một trong những cổ đông lớn nắm giữ 39% cổ phần của Skype. Trước đó, nhóm các chủ sở hữu Skype dẫn đầu bởi Silver Lake nộp đơn xin phát hành cổ phiếu lần đầu vào tháng 8-2011 và đã thảo luận việc mua bán với nhiều đối tác.
Giám đốc điều hành của Skype Tony Bates sẽ chuyển sang làm chủ tịch của phân mảng Microsoft Skype, tên mới của Skype sau khi sáp nhập. Vụ thâu tóm sẽ chính thức được hợp pháp hóa vào cuối năm nay.
Bước đi thần tốc trong cuộc đua
Được thành lập năm 2003, Skype đã trở thành một công nghệ làm thay đổi thị trường viễn thông. Với tổng số hơn 660 triệu người sử dụng, trong đó khoảng 170 triệu khách hàng kết nối dịch vụ mỗi tháng ở mức trung bình 100 phút/người, Skype đã truyền tải hơn 200 tỉ phút cuộc gọi thoại và video. “Trong đời sống, Skype đã trở thành một động từ” - ông Ballmer nói. |
Sự hào phóng của Microsoft đã giúp các chủ sở hữu Skype lời hơn 5 tỉ USD kể từ khi mua lại nó từ Công ty bán lẻ trực tuyến eBay với tổng giá trị của dịch vụ này được định giá 2,75 tỉ USD.
Đây cũng được đánh giá không chỉ là một trong những vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử 36 năm của Microsoft, bỏ xa vụ mua lại Hãng quảng cáo trực tuyến aQuantive với giá 6 tỉ USD vào năm 2007, mà còn là của ngành công nghệ nói chung.
Mức giá thỏa thuận gấp ba lần giá trị của Skype trong vòng 18 tháng và được trả hoàn toàn bằng tiền mặt cho thấy gã khổng lồ Microsoft đang “đói” những cơ hội để phát triển, đặc biệt trong thị trường Internet và điện thoại di động. Cơ hội của Microsoft ngày càng thu hẹp kể từ khi những sản phẩm sinh lời chủ chốt của hãng, như phần mềm Windows, ngày càng có dấu hiệu chậm lại.
Trong khi đó, dịch vụ tìm kiếm được hãng đầu tư rất nhiều là Binag vẫn bị đối thủ Google bỏ xa. “Microsoft giờ đây đang cố đuổi kịp những công ty công nghệ khác đang có tốc độ phát triển nhanh hơn” - Matt McCormick, quản lý tiền tệ của Công ty Bahl & Gaynor tại bang Ohio, nhận định. Trước đó hồi đầu năm, Microsoft cũng đã có được một thỏa thuận hợp tác đầy tiềm năng với hãng sản xuất điện thoại di động hàng đầu thế giới Nokia của Phần Lan.
Kiếm tiền từ dịch vụ gọi điện trực tuyến?
Tuy nhiên, việc giá trị của Skype tăng quá nhanh trong một thời gian ngắn khiến giới phân tích lo ngại sự hình thành của bong bóng mới trên thị trường Internet. Trong khi đó, tờ Wall Street Journal nhận định sự hợp tác giữa Skype và Microsoft là một sự cá cược của tổng giám đốc điều hành Steve Ballmer vào dịch vụ gọi điện và hội thoại video trực tuyến, điều mà nhiều công ty muốn kiếm lời đã thất bại.
Bài toán khó cho Microsoft là tìm cách thuyết phục người sử dụng Skype trả tiền cho dịch vụ này. Hiện nay chỉ 1% trong gần 200 triệu khách hàng của Skype chịu móc ví trả cho những dịch vụ cộng thêm, khi các dịch vụ miễn phí đã có chất lượng quá tốt so với những đối thủ khác.
Skype hiện nợ hơn 700 triệu USD từ sự thua lỗ của dịch vụ này trong thời gian gần đây. Tuy nhiên, đối với người dùng Skype sẽ không có nhiều thay đổi đáng kể về dịch vụ này.
Dù vậy, không thể phủ nhận việc cánh tay mới Skype sẽ giúp Microsoft tiến một bước lớn, mở rộng thị phần trên thị trường Internet đang phát triển như vũ bão. Steve Ballmer cho biết ông hi vọng Skype sẽ đem lại lợi nhuận cho Microsoft ngay trong năm đầu tiên. “Chúng tôi nhìn thấy cơ hội lớn để phát triển dịch vụ này” - ông Ballmer không giấu giếm sự kỳ vọng.
Microsoft cho biết đã lên kế hoạch mở rộng thêm nhiều quảng cáo trên Skype để thúc đẩy lợi nhuận. Bên cạnh đó, hãng đặt ra tham vọng sẽ đưa số người sử dụng lên con số hàng tỉ khi ghép Skype vào các sản phẩm khác của hãng như dịch vụ điện tử Xbox, các phần mềm và hệ điều hành cho máy tính cũng như các dòng điện thoại thông minh.
“Skype có đáng giá 8,5 tỉ USD hay không? Tôi không biết, nhưng điều đó phụ thuộc vào việc nó có thể phát triển lớn đến cỡ nào” - Meg Whitman, cựu giám đốc điều hành của Skype, nhận định.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận