13/11/2013 08:18 GMT+7

Mệnh lệnh trái tim

ĐÀ TRANG
ĐÀ TRANG

TT - Giọng đọc của em, nụ cười trên di ảnh của em trong “Bản tin bão cuối cùng của nữ phóng viên Hồng Sen” (Tuổi Trẻ điện tử ngày 11-11) khiến trái tim không chỉ những người làm báo chúng tôi quặn thắt. Em ra đi sau một vụ tai nạn giao thông. Nhưng đó không phải là một vụ tai nạn như bao vụ tai nạn xảy ra hằng ngày. Em hi-sinh-trong-khi-làm-nhiệm-vụ.

Bản tin bão cuối cùng của nữ phóng viên Hồng Sen

Chỉ mới ít ngày trước, tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình: “Nhà báo đã ở đâu?” (trong suốt mười năm ròng rã ông Nguyễn Thanh Chấn kêu oan, Tuổi Trẻ ngày 6-11). Rộng hơn là “nhà báo đã ở đâu” trong những sự kiện đòi hỏi chúng tôi phải có mặt, phải lên tiếng. Thì nay, em như biểu tượng của câu trả lời. Em, một nữ phóng viên trẻ 27 tuổi đời, sáu tuổi nghề, đã ở nơi tuyến đầu phòng chống bão. Đồng nghiệp kể rằng lịch trực cơn bão Haiyan của Đài truyền thanh Đức Phổ (Quảng Ngãi) đã ưu tiên phóng viên nữ có thể sắp xếp về sớm với gia đình. Em và các nữ phóng viên khác nhất quyết làm việc như mọi người. “Thiên tai ai cũng sốt ruột, chia việc với anh em để mau xong việc rồi về lo việc gia đình. Với lại phải cập nhật thông tin sớm cho bà con biết đường mà lo liệu” (Tuổi Trẻ ngày 11-11). Đó là cách suy nghĩ và hành xử của một người làm báo điển hình, làm báo dấn thân vì cộng đồng.

Cũng chỉ ít ngày trước thôi, báo Tuổi Trẻ đăng tải loạt bài “Thảm họa câu view” tràn lan trên các trang điện tử. Thảm họa ấy đã và đang biến không ít người được cho là làm báo trở thành “kền kền”- một khái niệm không thể nặng lời hơn của bạn đọc dành “tặng” một bộ phận làm báo chụp giật, moi móc đời tư, câu view bằng mọi giá, bất chấp những nguyên tắc tối thiểu về pháp luật, nghiệp vụ và đạo đức nghề nghiệp. Trớ trêu thay, kiểu làm báo này vẫn sống, thậm chí “sống khỏe”! Thu nhập của họ vượt xa, rất xa con số mà phóng viên Hồng Sen bấy lâu nhận được. Bản tin của Tuổi Trẻ đã viết: “Sống cùng cha mẹ chồng đã cao tuổi, người chồng không có công việc ổn định và cậu con trai 3 tuổi, mọi chi tiêu trong gia đình trông cậy cả vào khoản tiền lương hơn 2,3 triệu đồng của Sen và vài sào ruộng”. Không biết những “nhà báo kền kền” nghĩ gì khi đọc tới đây?

Báo Tuổi Trẻ hôm qua truy tặng Hồng Sen danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi” kèm 7 triệu đồng và Chi hội Nhà báo Tuổi Trẻ hỗ trợ gia đình 5 triệu đồng. Món quà nhỏ nhưng mong chia sẻ phần nào nỗi đau của gia đình Sen lúc này. Nhiều tấm lòng đồng nghiệp, bạn đọc cũng đang kêu gọi trên mạng để có thể giúp gia đình em lâu dài hơn, nhất là với cậu con trai mới 3 tuổi đã mồ côi mẹ.

Ai đó có thể còn nghi ngờ và cho rằng thật khuôn mẫu khi nói “làm báo là một nghề đặc thù, phải có lý tưởng chứ không đơn thuần là một nghề kiếm sống”. Nhưng cuộc sống này luôn đòi hỏi điều đó, bạn đọc chân chính luôn yêu cầu điều đó. Không gì khác, làm báo dấn thân vì cộng đồng là sứ mệnh của nhà báo, là mệnh lệnh của trái tim.

Sự hi sinh của nữ phóng viên Hồng Sen thêm một lần nữa nhắc nhở những người làm báo phải tự nhìn lại chính mình.

ĐÀ TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên