29/07/2014 17:58 GMT+7

Mẹ già như chuối chín cây, không chờ tôn vinh được đâu...

MAI HƯƠNG
MAI HƯƠNG

TTO - “Chồng mất, con mất nhưng các mẹ vẫn cố gắng sống tốt quãng đời còn lại, bước thêm bước nữa để xây dựng hạnh phúc gia đình, vẫn thờ cúng chồng con, giữ đúng đạo lý dân tộc thì hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận."

Tái giá, không được làm Bà mẹ Việt Nam anh hùng?Tái giá bao nhiêu lần cũng là Bà mẹ Việt Nam anh hùng

CAnZG2ut.jpgPhóng to
Bà Trương Thị Mai- Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội phát biểu tại buổi làm việc ngày 29-7 - Ảnh Mai Hương

Ngày 29-7, Đoàn giám sát của Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội khóa XIII tiếp tục làm việc với UBND TP.HCM về tình hình thực hiện các chính sách ưu đãi cho người có công.

Lãnh đạo UBND TP, các sở, ban ngành và quận huyện đã tham dự. Hầu hết ý kiến của đại biểu bày tỏ sự cảm thông và đề nghị sớm giải quyết công nhận danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho vợ liệt sĩ tái giá.

“Hội chứng” suy diễn

Ông Huỳnh Văn Tính, đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang, Thành viên Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội bức xúc: Về việc phong tặng, truy tặng danh hiệu bà mẹ Việt Nam anh hùng- pháp luật đã có quy định rõ. Luật không có quy định nào nói là không được công nhận. Tự dưng không biết ai giải thích là không được, rồi cứ thế lan truyền ra thành cách giải quyết của nhiều nơi”.

Ông Tính cho biết khi ông đi tiếp xúc cử tri ở Tiền Giang, người dân rất bức xúc chuyện này. Ông Tính gọi cách giải thích và áp dụng chính sách kiểu này là một hội chứng suy diễn.

Liên quan đến việc một số địa phương căn cứ vào tài liệu Hỏi - đáp về chính sách của Cục người có công - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội để không giải quyết hồ sơ công nhận bà mẹ Việt Nam anh hùng cho vợ liệt sĩ tái giá, ông Nguyễn Duy Kiên, Cục phó Cục Người có công (thuộc Bộ lao động Thương binh và Xã hội) cho biết: “Theo quy định cũ thì Bộ Lao động là cơ quan hướng dẫn việc phong tặng, truy tặng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, nhưng hiện tại theo quy định mới thì trách nhiệm này của Bộ Nội vụ”.

Nghe đến đây, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội hỏi: “Thế những phần hỏi - đáp của ông về chuyện này là cái gì?

Ông Kiên trả lời: “Đó là tập hợp các giải đáp trước khi có quy định mới”. Ông Kiên cũng thừa nhận những hỏi đáp về chính sách này không không phải văn bản hướng dẫn thi hành, không có hiệu lực pháp luật mà chỉ có ý nghĩa tham khảo.

Theo ông Huỳnh Văn Tính, thực tế không chỉ xảy ra ách tắc chuyện công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng, vợ liệt sĩ tái giá cũng chịu nhiều thiệt thòi, chẳng hạn như không cho hưởng bảo hiểm y tế, nhiều nơi tự động cắt hàng loạt chế độ của người ta. Chuyện này rất vô lý vì ngay cả hộ nghèo, hộ cận nghèo còn được hỗ trợ Bảo hiểm y tế. Ông Tính nhận xét rằng pháp lệnh về chính sách ưu đãi người có công được người dân người ta rất đồng tình, nhưng rồi tình trạng văn bản hướng dẫn không có hoặc có không cụ thể, khiến việc áp dụng vướng quá nhiều thứ. Đặc biệt, văn bản hướng dẫn không chỉ chậm trễ mà có cái còn “vượt mặt” pháp lệnh, bó hẹp nhiều quyền lợi của người thụ hưởng

Về điều này, Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Giám đốc Sở Lao động Thương binh Xã hội TP.HCM đồng tình: “Thông thường, các pháp lệnh ban hành ra thì có nhiều chính sách tốt đẹp, nhưng khi xuống tới nghị định, thông tư thì không làm được gì hết vì bị vướng cái này cái khác.

Sớm giải quyết vướng mắc chuyện vợ liệt sĩ tái giá

“Chồng mất, con mất nhưng các mẹ vẫn cố gắng sống tốt quãng đời còn lại, bước thêm bước nữa để xây dựng hạnh phúc gia đình, vẫn thờ cúng chồng con, giữ đúng đạo lý dân tộc thì hoàn toàn xứng đáng được ghi nhận. Sao lại không công nhận Bà mẹ Việt Nam anh hùng cho người ta? Không nên khắt khe về chuyện này” – ông Trần Trung Dũng - Giám đốc Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP bày tỏ quan điểm.

Ông Dũng cho biết thêm: Trong năm 2014, trong đợt phong tặng vào tháng 5, từ lúc xong thủ tục, có quyết định đến lúc tổ chức lễ phong tặng thì có 3 mẹ mất. Đợt phong tặng thứ hai vào dịp 27-7 vừa rồi, từ lúc có quyết định cho tới lúc làm lễ chỉ trong vòng 1 tuần mà có đến 10 mẹ qua đời. “Mẹ già như chuối chín cây. Nếu chúng ta không làm nhanh thì các mẹ không còn kịp chờ đến ngày được tôn vinh”- ông Dũng nói.

NlCfeoU0.jpg
Ông Trần Trung Dũng- Giám đốc Sở Lao động Thương binh và xã hội TP.HCM bày tỏ quan điểm về việc công nhận mẹ việt Nam anh hùng với vợ liệt sĩ tái giá ngày 29-7 - Ảnh: Mai Hương

Ông Huỳnh Thành Lập - Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM góp thêm: “Nếu chỉ vì tái giá mà không giải quyết cho các mẹ thì không hợp lý. Dư luận xã hội cũng rất đồng tình, cảm thông cho việc này. Chỉ khi nào tái giá mà rơi vào tái giá với đối tượng phản cách mạng, ác ôn, làm hại cách mạng thì mới phải xem xét. Nhưng tôi cho rằng với những trường hợp đó, người ta cũng tự hiểu và không đòi hỏi phải tôn vinh đâu”

Kết luận tại buổi làm việc, bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội nhấn mạnh: “Có khi chính sách rất tốt nhưng thủ tục rườm rà, tầng tầng nấc nấc khiến người có công không thể tiếp cận, làm mất đi ý nghĩa tốt đẹp ban đầu”. Cũng vì lý do đó, theo bà Mai, trong tổ chức thực hiện phải làm sao cho người có công cảm thấy được trân trọng, cảm thấy sự hy sinh, cống hiến của mình là xứng đáng”.

Về vướng mắc trong phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng với vợ liệt sĩ tái giá có một con là liệt sĩ, bà Trương Thị Mai cho biết sẽ tiếp tục làm việc với các cơ quan có thẩm quyền cấp trung ương để sớm giải quyết theo hướng liệt kê, phân loại ra từng trường hợp cụ thể, làm sao cho hợp tình, hợp lý, hợp đạo lý dân tộc và xứng đáng với sự hy sinh, mất mát của các mẹ- bởi thực chất họ đã là những người có công với đất nước. “Điều quan trọng là không nên so sánh việc tái giá của các mẹ với quan hệ hôn nhân gia đình bình thường” - bà Mai nhấn mạnh.

MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên