Tôi chỉ có ảnh chụp món ram bắp, bởi món thịt ngâm nước mắm quả thật rất ngon, không lần nào nhà tôi kịp chụp ảnh trước khi ăn - Ảnh: Ý NHI
Nhà chồng tôi gốc Quảng Ngãi, chuyển vào Đắk Lắk sinh sống đã mấy chục năm nhưng mâm cơm vẫn đậm đà hương vị xứ Quảng. Ngày Tết, ngoài các món thường thấy như bánh tét, thịt kho trứng, chả lụa, dưa hành thì mẹ chồng tôi còn chiêu đãi cả nhà "món ruột" của mẹ là thịt heo ngâm nước mắm đậm đà và ram bắp nóng hổi, giòn ngon.
Nhớ ngày 28 Tết năm ngoái, lần đầu tiên cùng chồng về Đắk Lắk ăn Tết. Trong khi tôi đang loay hoay trong chiếc áo len, suýt xoa vì chưa quen cái lạnh Tây Nguyên thì mẹ chồng đi chợ từ sớm đã về. Mẹ tay xách nách mang bao nhiêu là rau củ, thịt thà, bánh tráng. Hai vợ chồng tôi vào bếp phụ mẹ nấu nướng, vừa làm vừa chuyện trò rôm rả.
Mẹ thương con dâu ở miền Nam, không quen lạnh nên giành hết những việc rửa rau, rửa thịt phải đụng nước lạnh, chỉ kêu tôi đứng bên coi mẹ làm mà học theo. Thịt heo ngâm nước mắm thường là thịt ba rọi hoặc thịt đùi, nếu mua được ba rọi rút sườn thì càng ngon.
Thịt mua về rửa sạch với nước muối loãng hoặc vài giọt chanh để khử mùi, xong luộc sơ cho hết bọt rồi vớt ra, bỏ vào nồi nước khác luộc tiếp với vài củ hành tím, vài lát gừng đập dập cho thơm. Thịt vừa chín lại lấy ra ngâm vào thau nước lạnh để phần da được giòn, miếng thịt trắng đẹp, rồi lại vớt ra rổ để thật ráo nước.
Mẹ dặn tôi muốn ngon thì phải lựa "nước mắm thiệt" làm từ cá và muối như truyền thống, dùng nước mắm dở là món thịt cũng dở theo và nhanh hư hơn. Uớc chừng lượng thịt ít hay nhiều mà nấu nước mắm với đường, cứ một chén nước mắm là một chén đường cát, nấu lửa liu riu cho đường tan hết là được.
Món thịt ngâm mắm muốn giữ được lâu thì phải để thịt thiệt nguội mới được ngâm, nếu không sẽ nhanh hư. Trong lúc chờ đợi thì mẹ và vợ chồng tôi cùng làm ram bắp. Mẹ khéo lựa nên chọn được những trái bắp nếp chín vừa, dẻo thơm, không quá già, cũng không quá non.
Chồng tôi được phân công phần "xước bắp" bằng dao bào, anh quen làm món này rồi nên bào rất nhanh tay. Bắp bào xong thì dùng chày giã chung với hẹ cắt khúc nhỏ, củ hành tím rồi thêm thịt bằm, sợi miến ngâm mềm cắt nhuyễn, thêm chút nước mắm, muối, bột ngọt, tiêu xay là phần nhân đã sẵn sàng để gói ram.
Ram bắp đúng điệu phải gói bằng bánh tráng Quảng Ngãi, thứ bánh tráng dày và cứng hơn bánh tráng miền Nam, có rắc thật nhiều hạt mè trên mặt. Lần đầu tiên nhìn xấp bánh tráng Quảng Ngãi, tôi đã hồn nhiên hỏi mẹ mua chi nhiều... bánh đa vậy.
Chúng tôi gói một lần thiệt nhiều ram bắp bỏ ngăn đông tủ lạnh để ăn dần suốt những ngày Tết. Trong lúc vợ chồng tôi đang miệt mài gói thì mẹ chồng thật tâm lý, chiên ngay hơn chục cái ram, giã chén nước mắm và bày rau sống, bánh tráng cho hai đứa ăn liền.
Món ram bắp nóng hổi, giòn tan, cắn vào bùi bùi vị bắp dẻo thơm, quyện cùng vị ngon của thịt bằm, hành, hẹ như giúp tôi xua đi cái lạnh Tây Nguyên ngày Tết.
Sau khi vợ chồng tôi no nê với món ram bắp, thì thịt luộc cũng ráo nước và nguội rồi. Mẹ xếp thịt vào hủ, thêm tỏi, ớt xiêm xanh, tiêu hột đập dập và rót nước mắm ngập thịt, cài nan tre cho thịt không nổi lên trên. Món này thì mẹ ngâm đến ngày 30 Tết, trong mâm cơm tất niên, tôi mới được ăn thử.
Thịt heo ngâm nước mắm - món ăn truyền thống trên mâm Tết của người miền Trung
Phải nói là bánh tráng cuốn thịt luộc thông thường không thể nào có cửa so với thịt heo ngâm mắm. Thịt ngâm mắm rất đậm đà, vị mặn ngọt vừa phải, đặc biệt là phần mỡ trong veo, dù cuốn với bánh tráng hay ăn với cơm cũng không ngán.
Sau một tuần ăn Tết ở nhà chồng, tôi lên hẳn hai ký vìcác bữa cơm ngày Tết, mẹ chồng cứ giục tôi "ăn nữa đi con". Hành trang từ Đắk Lắk về Sài Gòn của vợ chồng tôi có thêm hủ thịt ngâm nước mắm và ít ram bắp mẹ gói cho để vào ăn dần.
Ngày mới cưới, tôi cũng thoáng lo lắng vì cách biệt vùng miền, sợ gặp cảnh mẹ chồng khó chịu nàng dâu. Thế mà mẹ chồng đã thương tôi như con gái ruột, cho tôi cái Tết đầu tiên làm dâu xa nhà thật ấm áp.
Những ngày đầu tháng Chạp, khi Sài Gòn se se lạnh, vợ chồng tôi giỡn với nhau rằng phải lo giảm cân trước mới được, chứ Tết về ăn ram bắp và thịt ngâm nước mắm của mẹ là hai đứa lại mập cho coi.
Diễn đàn "Mâm Tết nhà tôi" bao gồm các bài viết, bài dự thi của bạn đọc chia sẻ những khoảnh khắc gia đình sum vầy, giây phút thiêng liêng của lễ đoàn viên, sự nồng ấm của các thành viên gia đình, bè bạn bên mâm cỗ Tết, các món ăn "tủ" của gia đình, món ăn đặc sản quê hương... có thể không bên cạnh nhau nhưng nhờ sự kết nối công nghệ, mình có thể cùng nhau chia sẻ những giây phút ấy.
Diễn đàn do báo Tuổi Trẻ tổ chức với mong muốn lan tỏa một cái Tết đoàn viên, dù rằng ở bất kỳ nơi đâu, với sự kết nối bằng công nghệ thì "những mâm Tết xa vẫn trọn tình nhà".
Các bài viết diễn đàn vui lòng gửi về địa chỉ mamtet@tuoitre.com.vn từ nay đến hết ngày 20-2, mỗi bài tối đa 1.000 chữ có kèm theo hình ảnh (và video nếu có).
Các bài viết chưa tham gia bất cứ cuộc thi nào, chưa đăng ở các báo phương tiện truyền thông khác.
Bạn đọc vui lòng ghi rõ thông tin liên lạc, số tài khoản ngân hàng, số CMND để tòa soạn trả nhuận bút.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận