01/02/2019 06:24 GMT+7

May ở bên ni có người cùng quê

TIẾN LONG - VĂN ĐỊNH
TIẾN LONG - VĂN ĐỊNH

TTO - Xa quê, xa gia đình, một hai tuần trước giao thừa, họ đã bắt đầu những cuộc gọi điện, hẹn hò đặt lịch tụ họp cùng nhau ăn Tết cổ truyền ở Đài Loan.

May ở bên ni có người cùng quê - Ảnh 1.

Người Việt lao động tại Đài Loan quây quần ăn Tết Mậu Tuất năm 2018 - Ảnh: DƯƠNG VĂN CHINH

Anh em ai cũng xa nhà làm ăn, có người cả năm bảy năm chưa về quê ăn Tết nên cứ đến Tết lại nôn nao, nhớ nhà. May ở bên ni có người cùng quê ăn Tết nên đỡ nhớ hơn

Anh DƯƠNG VĂN CHINH

Tết này, anh Dương Văn Chinh (37 tuổi, quê Hà Tĩnh) đón cái Tết thứ hai xa xứ, cũng là hai năm anh đi làm nghề hàn xì ở Đài Trung (Đài Loan).

Chưa đầy một tuần nữa đến Tết, dù phải tất bật ở nhà xưởng cho đơn hàng cuối năm nhưng anh Chinh đã lên kế hoạch chơi Tết cùng bạn bè.

Kế hoạch đến ngày 27 âm lịch (1-2) chủ xưởng cho công nhân nghỉ ăn Tết một tuần. Cũng như mọi năm, anh Chinh dự tính ngay khi nghỉ sẽ lên Đài Bắc - cách chỗ làm ba giờ đi tàu điện ngầm - chơi xuân, ăn Tết với anh em, bạn bè cùng quê.

Cũng ngày cuối năm, ông chủ sẽ trả tiền làm tháng. Được khoảng 13 triệu đồng, anh Chinh dự định gửi một nửa số tiền về nhà, số còn lại dành để ăn Tết.

Anh Chinh chia sẻ anh em, bạn bè cùng quê với anh làm việc ở Đài Loan rất nhiều. Mọi người làm ở khắp nơi, ngày thường thỉnh thoảng tranh thủ cuối tuần ai rảnh thì tụ tập một địa điểm gặp nhau, song cũng không đầy đủ.

Thường mọi người chọn nhà trọ nào lớn nhất, đủ chỗ cho nhiều người, góp chung với nhau ít tiền rồi chia nhau người mua hoa đào trang trí, người chuẩn bị đồ ăn.

Vui nhất khi mọi người cùng ăn bữa cơm tất niên đủ đầy hương vị quê nhà với bánh chưng, dưa hành, xôi thịt và một ít rượu quê.

Đêm giao thừa, những người con xa xứ từ khắp mọi miền tụ tập, quây quần như một gia đình đón giờ khắc chuyển giao năm cũ - năm mới. Chén rượu quê, ly bia nâng lên mọi người chúc nhau những điều an lành, may mắn trong năm mới.

Lời chúc của người lao động nghèo nhiều lúc đơn giản chỉ là có nhiều đơn đặt hàng, nhiều giờ tăng ca hơn. Để họ có thêm thu nhập, chắt chiu làm vốn về Việt Nam làm ăn sau những tháng ngày xa xứ mưu sinh.

Rồi mọi người thay nhau gọi điện về nhà chúc mừng người thân, bạn bè. Gia đình mỗi người một vùng quê, nhưng khi gọi điện livestream trực tiếp thì chen chúc nhau chúc như người một nhà.

"Anh em ai cũng xa nhà làm ăn, có người cả năm bảy năm chưa về quê ăn Tết nên cứ đến Tết lại nôn nao, nhớ nhà. May ở bên ni có người cùng quê ăn Tết nên đỡ nhớ hơn" - anh Chinh tâm sự.

Những ngày cuối năm, sau giờ làm, anh Tiến Hùng (25 tuổi, quê Hà Tĩnh) cùng anh em trong phòng tranh thủ dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị phòng cho một số anh em, bạn bè đến ở ăn Tết cùng. Năm nay nghỉ Tết được ba ngày, nên mọi người lên kế hoạch tất niên sớm hơn.

Anh Hùng chia sẻ năm nào cũng vậy, mấy anh em cùng quê hẹn nhau tụ tập ở nhà trọ của anh để ăn Tết. Nhà anh Hùng còn ba người thân làm việc tại Đài Loan, một số người đang đi biển xa bờ.

Không như làm nghề trên bờ, những người đi biển lênh đênh đánh bắt xa bờ suốt sáu, bảy tháng không được nghỉ Tết. Chỉ đến thời khắc giao thừa, cả tàu nghỉ tay một vài tiếng đón năm mới. Sau đó, mọi người lại lao vào công việc đánh bắt.

Một năm làm việc mới của người đi biển bắt đầu từ những giờ đồng hồ đầu tiên của năm mới.

Tết xa con

Năm nay, anh Lê Thanh Hải (quê huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) có ba mùa tết tại Đài Trung (Đài Loan). Sang Đài Trung, anh Hải làm cơ khí. Anh tâm sự sang xứ người làm thuê có người làm ăn được, có người không. Ăn Tết ở đây giống như ăn Tết ở ta, nhưng lại buồn vì xa vợ con.

Tết năm nay, công ty cho anh Hải nghỉ 10 ngày, tôi hỏi vì sao không về quê ăn Tết với vợ con, anh Hải nói: "Muốn về quê ăn Tết nhưng tốn kém lắm. Dịp Tết này mà mua vé máy bay hai chiều mất hơn 15 triệu đồng, thôi để dành số tiền đó gửi về quê cho vợ con sắm Tết".

Anh Hải cho hay Tết xa vợ con đã quá quen rồi. Trước đây, anh có bảy năm làm thợ xây ở Angola nhưng nạn trấn lột, cướp bóc hoành hành luôn đe dọa nên ngày một khó làm ăn, phải về nước. Thấy ở quê không có việc gì làm, anh lại vay mượn đi làm thuê ở Đài Loan.

"Ở nhà hai đứa con đã lớn, vợ chăm lo được. Đàn ông như mình cứ đi làm thuê gửi tiền về là được, khi nào già rồi lại hay. Nếu vợ chồng cứ bám lấy ruộng đồng thì làm sao thay đổi được cuộc sống. Ngẫm nghĩ cứ Tết xa vợ con buồn thật, nhưng vì cuộc sống vợ con cũng hiểu mà" - anh Hải nói.

Do một số nước không ăn Tết âm lịch như Việt Nam, nên nhiều lao động Việt không có cái Tết ấm cúng như ở quê nhà.

May ở bên ni có người cùng quê - Ảnh 3.

Bữa cơm Tết Dương lịch 2019 của những lao động Việt ở Malaysia

Chị Lê Thị Xanh - quê phường Đại Nài, TP Hà Tĩnh, đang làm thuê ở một công ty thiết bị y tế tại thủ đô Kuala Lumpur (Malaysia) - cho biết công nhân Việt làm thuê ở đây được công ty cho nghỉ mùng 1 Tết nên bên này không có Tết.

Nhắc đến Tết, chị Xanh kể đã có năm cái Tết xa hai con nhỏ. Có Tết chị Xanh và một số lao động người Việt cùng dãy trọ tổ chức đùm bánh tét, đi mua sắm linh tinh vài thứ như ít bánh kẹo, cành hoa về cắm trong phòng để có không khí Tết.

Nhưng đến thời khắc giao thừa, ai cũng gọi điện thoại về chúc Tết cho người thân được một lúc lại bật khóc vì không được ở bên người thân đón Tết.

Cùng làm công ty với chị Xanh có chị Hà Thị Luyến, quê huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cũng có năm cái Tết không về với con trai. Sau khi ly hôn chồng, chị Luyến ngậm ngùi gửi con trai 3 tuổi cho bố mẹ đẻ chăm sóc để bay sang Malaysia làm thuê.

Chị Luyến bảo thương nhớ con trai lắm, Tết năm nào gọi điện cũng nghe con hỏi sao mẹ không về đưa con đi chợ mua áo mới, đưa con đi chúc Tết cậu, dì... Nhiều lần chị Luyến có ý định về quê ăn Tết với con trai, nhưng quá xa xôi và tốn kém nên thôi.

"Lúc tôi đi làm thuê thì con trai còn nhỏ chưa biết mặt mẹ là gì. Nay con 10 tuổi, tôi chỉ thấy con lớn lên qua hình ảnh. Bố mẹ tôi ở quê khó khăn, ngày một già, tôi đi làm thuê ở xứ người mong kiếm được đồng nào dành dụm thật kỹ để gửi về quê" - chị Luyến bùi ngùi.

Tết chat Messenger

Đến ngày Tết, chị Lê Thị Xanh rất thèm được về quê, dẫn hai con nhỏ đi chợ mua sắm Tết hay cùng con ra nghĩa trang thắp hương cho chồng và ông bà tổ tiên.

Chị kể chồng mất hơn sáu năm, để lại hai con nhỏ. Không có nghề nghiệp, ba mẹ con ở trọ vất vả nên chị vay mượn tiền sang Malaysia làm thuê, đành gửi hai đứa con cho nội, ngoại chăm sóc.

"Biết xa hai con nhỏ là không đành, nhưng vì cuộc sống cả mà. Ngày Tết xa nhà buồn lắm vì nhớ con, chỉ biết chat Messenger nói chuyện với con mà không được ôm ấp, khuyên bảo hay làm những thứ bánh con thích ăn đêm giao thừa nhất" - chị Xanh chia sẻ.

TIẾN LONG - VĂN ĐỊNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên