10/12/2021 08:25 GMT+7

'Mày là thằng lơ máy bay!'

VƯƠNG ĐÌNH KHANG
VƯƠNG ĐÌNH KHANG

TTO - 'Mày là thằng lơ máy bay!' - Đây có lẽ là câu nói sai nhất đời tôi, cho tới bây giờ. Và người nghe nó là em trai tôi. Em trai tôi là tiếp viên hàng không. Và mọi người sẽ thắc mắc là tại sao tôi lại chửi em mình một câu nặng nề như vậy?

Mày là thằng lơ máy bay! - Ảnh 1.

Em trai tôi - Ảnh tác giả bài viết cung cấp

Để tôi kể lý do dẫn đến chuyện xung đột này.

Nhà tôi có bốn người: ba mẹ đã về hưu và hai anh em. Có lẽ điều lo lắng nhất mà ba mẹ chưa bao giờ nói ra là cả hai đứa con đều làm công việc đi xa nhà liên tục: thợ ảnh và hàng không. 

Khác với tôi nổi loạn, ngổ ngáo, phóng túng, lông bông, cháy hết mình vì nghệ thuật, thằng em đúng với trông đợi của ba mẹ hơn: học hành tới nơi tới chốn, ăn mặc lịch sự, đi làm công ty, chững chạc đàng hoàng. 

Và đây cũng là hạt mầm của sự bất hòa giữa hai anh em. Lúc tôi bắt đầu để tóc dài, nhuộm xanh nhuộm đỏ, xăm hình lên da, nghỉ việc hành chính, cầm máy ảnh suốt ngày lê la chỗ này chỗ kia là ba mẹ đã không vui vì không biết tôi có làm nên việc gì hay không. 

Ngược lại hoàn toàn, nó học giỏi, nghe lời nên rất được thương yêu. Có một dạo nó lén thi tuyển và được vào công ty hàng không, lên thành phố lớn làm. Ba mẹ mừng ra mặt, đi đâu cũng khoe con Út tui đó, con Út tui đó. 

Tôi bắt đầu cảm thấy ấm ức, và càng bực bội hơn khi bị rầy la, xem thường. Rồi tôi dọn ra ngoài sống. Mối mâu thuẫn cũng từ đó mà to ra vì nó làm có tiền quá, lúc nào về nhà cũng thấy nó mua toàn quà đắt tiền cho ba mẹ, mà mình thì không làm được gì... Tới đỉnh điểm, là tôi đã mắng nó cái câu khủng khiếp trên.

Được một thời gian, đại dịch bùng nổ. Chưa bao giờ tôi nghĩ cuộc đời sẽ xảy ra một cơn sóng lớn như vậy. Tôi về nhà ba mẹ. Bước vô nhà, thấy chiếc xe máy mới cáu đậu trong nhà. Tôi lại nghĩ thầm là "Quà cậu Út cho ba mẹ nữa đây chứ gì". 

Gặp mẹ, mẹ nói: "Nó để xe cho anh hai đi làm. Nó đi bay suốt, không bảo dưỡng xe được". Tôi không nhớ lúc đó mình đã cảm thấy như thế nào. Cảm xúc lẫn lộn. Tôi đoán là nó biết tôi sẽ về nhà, nên nó để xe sẵn ở đó. Rồi nó tiếp tục đi bay, trong những ngày hàng không chưa phong tỏa.

Con đi bay giải cứu nha mẹ!

Nó làm điều đúng đắn, biết vậy, mà cả nhà không ai muốn nó đi. Tôi đi chụp ảnh nhiều, đeo mỗi cái khẩu trang mà ngộp không chịu nổi. Mồ hôi đổ ròng ròng đọng dưới cằm, mỗi lần thở ra hơi nóng nó ùa vào mắt cay sè. Nghĩ tới cái cảnh nó mặc nguyên bộ đồ bảo hộ kín mít từ đầu tới chân, bưng trà rót nước phục vụ khách, mà tiềm ẩn nguy hiểm đầy rẫy xung quanh, tự nhiên thấy thương nó quá. 

Lỡ có một giọt mồ hôi, nó quên đưa tay lau rồi dính vào mắt, nó sẽ thành F0 bị cách ly. Lúc đó, chưa biết nhiều về dịch bệnh, ai cũng nơm nớp lo sợ F0 là khó qua khỏi. Vậy đó, nó vẫn đi về với những chuyến bay đầy nguy hiểm, đưa từng người Việt tha hương về với gia đình. Ai cũng về, tôi cũng đã về, mà nó thì chưa.

Nó kể có lần nó đi giải cứu ở châu Âu, bay 12 tiếng. Mặc nguyên bộ đồ bảo hộ, bên trong mồ hôi ra ướt hết quần áo, bên ngoài thì trời lạnh cắt da. Khẩu trang cắt vô vành tai chảy máu. Mệt đờ luôn mà vẫn phải chăm sóc khách, dọn rác liên tục. 

Lúc đó châu Âu lây nhiễm ghê lắm, nó đoán thế nào cũng có F0. Và có thật. 

Nó cách ly 21 ngày

Dịch bệnh lan rộng, tôi không thể đi làm được nữa. Hoàn toàn không có thu nhập. Nó cũng đi bay, thưa dần, bị cách ly vài bận, rồi cũng hoàn toàn nghỉ làm vì các chuyến bay bị đình chỉ. 

Hai anh em bắt đầu nói chuyện với nhau qua tin nhắn. Tôi vẫn chưa nói lời xin lỗi với nó, nhưng nó nói trước với tôi thế này: "Anh hai còn tiền không? Em còn một ít, em gởi cho anh hai xoay xở".

Cả nhà hoàn toàn phụ thuộc vào lương hưu của ba. Lúc đi làm có tiền tiêu xài hoang phí, lúc này, một trăm nghìn cũng thấy nhiều. Ở nhà, ba mẹ nuôi, thằng em thì lo cho mình, thấy về nhà như được sinh ra lần thứ hai. Vậy mà có lúc tôi đã bỏ đi. Một tháng, hai tháng. Một năm, rồi hai năm. 

Dịch hai năm rồi, bắt đầu đi làm lại được dù rất khó khăn và ít tiền, hai anh em vẫn cố gắng. Nó bắt đầu được bay trở lại dù rất ít, chủ yếu là trong nước. Hai đứa bắt đầu nói chuyện nhiều hơn, bắt đầu thân với nhau hơn. 

Ngoài giờ bay, nó đi bán hàng từ điện thoại, nước hoa, cho tới nhỏ như cái bánh, bịch kẹo, ráng kiếm thêm tiền được bao nhiêu thì kiếm, gắng trụ lại thành phố. Tôi thì bắt đầu đi chụp được dần, cũng ổn hơn. 

Giày ba rách, nó rủ hai anh em hùn tiền mua giày mới cho ba. Bàn thờ nhà cũ quá, tôi rủ nó hùn tiền. Kỷ niệm ngày cưới ba mẹ, hai thằng lại hùn nhau mua bánh kem. 

Hai anh em, ở cách nhau mấy trăm cây số, vẫn liên lạc và lo cho ba mẹ được chút nào hay chút ấy. Nhà mình có lúc đã rạn nứt, mà bây giờ, giữa mùa dịch bệnh, lại hàn gắn cùng nhau thế này.

Tiền kiếm lại được, chắc chắn. Tình cảm mất rồi thì khó lắm. Nhưng không ngờ trong mùa dịch bi kịch như vầy, vô tình kéo hai anh em trở về gần nhau. Tự nhiên thấy quý những lúc cả nhà cùng nhau chống chọi với khó khăn, bệnh dịch, bảo vệ nhau, lo lắng cho nhau. 

Bây giờ ước ao lớn nhất của cả nhà không phải là mức thu nhập như trước kia, cũng không phải là những chuyến đi chơi xa cùng nhau, hay là cái áo hiệu, cái xe đắt tiền nữa. Điều mà ba người ở nhà muốn nhất, là một sớm đầu Xuân, nghe ngoài rào tiếng: "Thưa ba mẹ con mới về, thưa anh hai em mới về".

Cuối cùng, anh nói điều mà anh chưa nói với em: "Anh hai xin lỗi em!".

Mày là thằng lơ máy bay! - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

Chiếc Vespa chở cả mùa xuân Chiếc Vespa chở cả mùa xuân

TTO - Những người trong xóm thường gọi ba tôi là ông Tư Vespa để dễ phân biệt với mấy ông Tư khác ở gần nhà. Sở dĩ có biệt danh này là do hằng ngày ba tôi đi làm bằng chiếc Vespa Sprint 150 màu xám bạc.

VƯƠNG ĐÌNH KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên